Theo dự kiến, trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 sẽ có tối đa 1 tháng trong thời gian hè (tháng 7, 8 hàng năm) để học tiếng Việt với thời lượng không quá 80 tiết.
Trẻ em dân tộc thiểu số lớp mẫu giáo của Trường Mẫu giáo Ea H’Leo (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) trong hoạt động đi tham quan trường tiểu học trước khi vào lớp 1
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Việc này nhằm chuẩn bị cho trẻ tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, sự chủ động, tính tự tin, độc lập trong học tập; hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp ứng xử xã hội cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Thông tư này khi ban hành sẽ áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học được giao nhiệm vụ tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; các cơ sở giáo dục có trẻ em là người dân tộc thiểu số và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, điều kiện học tập, giao tiếp tiếng Việt của học sinh còn nhiều hạn chế.
Theo đó, trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 sẽ được học những nội dung liên quan đến chuẩn bị tâm thế vào lớp 1; hình thành các kỹ năng học tập cơ bản; hình thành và phát triển năng lực nghe – nói – đọc – viết. Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ điểm gần gũi, phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học.
Dự thảo thông tư cũng đề ra thời lượng, thời gian thực hiện, cụ thể không quá 80 tiết học, tối đa là 1 tháng thực học trong thời gian hè (vào tháng 7, 8 hàng năm) trước khi trẻ học chương trình lớp 1. Các địa phương tùy tình hình thực tế để bố trí thời gian hợp lý. Việc bố trí giáo viên tham gia dạy tiếng Việt cho trẻ em trước khi vào lớp 1 có ưu tiên những giáo viên năng lực tốt, chuyên môn vững vàng, biết tiếng và am hiểu văn hóa dân tộc của trẻ. Giáo viên được tập huấn về nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Giáo viên cũng hỗ trợ trẻ lựa chọn, thực hiện các hoạt động học tập phù hợp với năng lực, những nội dung, ngữ liệu học tập gần gũi với cuộc sống thực tế của các em; khích lệ, động viên trẻ trong quá trình dạy và học; hình thành cách học và nề nếp cho trẻ ngay từ những ngày đầu đến lớp.
Còn nhà trường thì chủ động tuyên truyền, vận động cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ đưa trẻ đến lớp chuyên cần, đúng giờ; thông báo tới gia đình trẻ về kế hoạch và hoạt động giáo dục trong thời gian chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; thường xuyên trao đổi với cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ về tình hình rèn luyện, học tập và thống nhất biện pháp hỗ trợ trẻ; tạo điều kiện để cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ đến lớp tìm hiểu và hỗ trợ trẻ học tập…
Các sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phù hợp với điều kiện của địa phương; theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt.
M.Tâm
Bình luận (0)