Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy tin học cho người khiếm thị còn nhiều khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn giảng viên chưa thạo các phần mềm dành cho người khiếm thị, hạn chế về ngoại ngữ… là một trong những trở ngại đáng kể trong dạy tin học cho người khiếm thị tại các trường ở Việt Nam hiện nay…
TS. Nguyễn Thị Thanh Bình (Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định: “SV khiếm thị nào sử dụng công nghệ thông tin trong học tập, biết tiếng Anh đều có kết quả học tập tốt. Thậm chí với những bài tập hay tiểu luận khó, SV sáng mắt trong lớp còn nhờ đến các em khiếm thị cùng lớp”. Tuy nhiên, học sinh, sinh viên khiếm thị khi tiếp cận công nghệ thông tin phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đa phần SV khiếm thị sức khỏe yếu, di chuyển khó khăn, tài chính eo hẹp (không phải em nào cũng có điều kiện mua máy). Hiện trường ĐH Sư phạm TP.HCM được Hội người mù thế giới trang bị một phòng với một số máy tính có cài phần mềm cho SV khiếm thị. Hầu hết các trường trong tình trạng thiếu phần mềm hỗ trợ học tập. Trong khi đó, các phần mềm phần lớn được viết bằng tiếng Anh mà học sinh – sinh viên nước ta lại rất hạn chế khả năng sử dụng ngoại ngữ. Ông Nguyễn Quốc Phong (Mái ấm Thiên Ân) đơn cử, phần mềm đọc màn hình JAWS sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh (có 7 ngôn ngữ khác nhau nhưng không có tiếng Việt). Mái ấm Thiên Ân chọn cách kết hợp dạy tin học và tiếng Anh cho các em để bước đầu khắc phục tình trạng này.
Việc chênh lệch trình độ nhận thức, khả năng tiếp thu và độ tuổi của học sinh tại một số mái ấm gây khó cho việc biên chế các lớp học chung. Nhiều em, ngoài tật khiếm thị còn gặp khó khăn về vận động, khuyết chi… làm giảm hiệu quả quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thanh Bình, nhiều giảng viên hiện nay chưa thạo các phần mềm dành cho người khiếm thị; khi biên soạn tài liệu, giảng viên hay sử dụng nhiều file hình ảnh mà máy tính không đọc được; cái thiếu cho cả người dạy lẫn người học hiện nay là các khóa tập huấn về công nghệ thông tin dành cho người khiếm thị. Ông Nguyễn Quốc Phong (Mái ấm Thiên Ân) nêu lên một thực tế, các cơ sở đào tạo tin học cho người khiếm thị trong cả nước hiện nay rất nhiều nhưng còn manh mún, cục bộ; thiếu chương trình khung thống nhất; mỗi nơi mỗi kiểu gây lãng phí tiền của và chất xám. Trình độ tin học của người khiếm thị không được công nhận vì vấn đề đào tạo tin học cho đối tượng này chưa được đưa vào danh mục quản lý của nhà nước, gây thiệt thòi lớn cho họ khi tham gia học tập và lao động trong môi trường đòi hỏi bằng cấp hay chứng chỉ tin học quy chuẩn.
M.T

Bình luận (0)