1. Vì sao chọn tác phẩm “Vào chùa gặp lại” vào sách Ngữ văn 11 bộ Cánh diều? Do chương trình Ngữ văn 2018 đòi hỏi dạy học đọc hiểu theo thể loại. Với lớp 11 cần có tác phẩm để dạy cách đọc thể loại truyện ký. Ngoài ra, tác phẩm ấy còn phải phản ánh được thành tựu văn học thời kỳ đổi mới, văn học thời hậu chiến, các tác phẩm viết về những cảnh ngộ xót đau, bi kịch; những số phận éo le, oan trái; những di họa khủng khiếp của chiến tranh… để giáo dục và nhắc nhở thế hệ trẻ. Với yêu cầu ấy, nhà văn nào có thể đáp ứng được? Đầu tiên chúng tôi đã nghĩ đến nhà văn Minh Chuyên với hàng loạt tác phẩm ký và truyện ký sinh động, đầy ám ảnh. Và chúng tôi chọn “Vào chùa gặp lại” – một câu chuyện xúc động, vừa nói lên một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ những hy sinh mất mát của người lính, vừa thể hiện rõ những đặc điểm của thể loại truyện ký.
2. Đặc điểm thể loại qua “Vào chùa gặp lại”. Có thể nói “Vào chùa gặp lại” là những trang viết về người thật, việc thật: Sư thầy Đàm Thân vốn là Lương Thị Thân – một cô gái xinh đẹp quê Thái Bình tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trở thành một nữ quân y đường dây 559 Trường Sơn và từng bị thương, bị phơi nhiễm chất độc da cam. Sau chiến tranh, trở về quê hương, cô vào chùa tu và làm việc nghĩa vì không muốn để lại gánh nặng và nỗi đau cho gia đình, xã hội. “Vào chùa gặp lại” không chỉ là bài ký ghi lại chuyện người thật, việc thật mà nó còn là truyện, tức có vai trò của nhà văn trong việc hư cấu, tưởng tượng. Câu chuyện tình yêu giữa Nguyễn Hồng Quân và Lương Thị Thân là có thật, nhưng nhà văn đã khéo léo để Đàm Thân kể lại với chị Bích, người đã từng sống với Thân một thời ở chiến trường. Để những người trong cuộc tự kể lại làm tăng tính thuyết phục và độ tin cậy cho tác phẩm. Cách sắp xếp và lựa chọn chi tiết, cách kể của tác giả khiến người đọc tin có một thời chiến tranh khốc liệt như thế. Một thời đạn bom, hai người yêu nhau cùng ra mặt trận, mỗi người một nơi, cả hai bị thương nặng và đều sống sót trở về… Nhưng cả hai đều nghe tin và nghĩ người yêu mình đã hy sinh, mãi mãi không trở lại. Và mỗi người đi một hướng tiếp tục cuộc sống sau chiến tranh… Bản thân câu chuyện ấy đã là một tác phẩm nghệ thuật, vừa thật và vừa mang tính hư cấu.
Nhưng “Vào chùa gặp lại” không chỉ có thế, không dừng lại đơn giản thế. Từ chất liệu sự thật ấy, nhà văn đã hình dung, tưởng tượng và dựng lên một màn diễn có “cao trào”, đầy kịch tính. Người con gái người trở thành nhà sư ngày ngày tụng kinh gõ mõ và làm việc thiện cứu đời. Rồi bỗng một đêm, thật bất ngờ người con trai trở lại chùa tìm người yêu sau khi biết người ấy vẫn còn sống. Quân trở lại tìm đến Thân trong một đêm như một giấc mơ có thật. Cuộc gặp lại đầy bất ngờ và xúc động. Những tưởng họ tìm lại được hạnh phúc đã mất, nhưng rồi người đọc lại hẫng hụt chấp nhận nỗi đau của hai người: Thân từ chối trở về cùng người yêu. Lý do ban đầu để Thân từ chối là cô đã trở thành người của nhà Phật, đã theo đạo Phật…, nhưng lý do thực chất mới tạo nên sự đau đớn, phẫn uất trong lòng người đọc: “Đó là do hậu quả di chứng chất độc da cam và vết thương cột sống. Nó thường xuyên làm nửa người phía dưới của Thân tê dại. Bác sĩ đã kết luận Thân không còn khả năng… Thân không thể đem lại tương lai và hạnh phúc cho Quân được”.
Người đọc chưa hết bất ngờ, chưa hết đau về sự mất mát mà Thân phải chịu thì lại chuyển sang một bất ngờ, một nỗi đau khác. Thân gặp lại Quân ở một ngôi chùa. Quân cũng đi tu, đi tu vì Quân cũng bị nhiễm chất độc đi-ô-xin ngày còn ở núi Bà Đen. “Khi về quê nhìn thấy cảnh “tật nguyền quái dị” của những người đồng đội cùng bị nhiễm độc như anh”. Khi Thân từ chối, ra về, “anh quyết không xây dựng tổ ấm gia đình nữa, vì biết mình cũng sẽ gây đau khổ cho vợ con như bạn mình”.
Một câu chuyện mà bản thân cốt truyện đã mang cả tính hiện thực và hư cấu; với nội dung vừa nhân văn cao cả, vừa giàu tính hiện thực và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc… lại được một nhà văn có nhiều kinh nghiệm trong mảng đề tài này chấp bút, tác phẩm ấy đã có đầy đủ tư cách để dạy trong nhà trường về thể loại truyện ký theo yêu cầu của chương trình. Cũng cần nói thêm, thể loại này ở thời kỳ đổi mới không có nhiều tác phẩm thành công.
3. Thông điệp tư tưởng từ “Vào chùa gặp lại”. Chọn bối cảnh nhà chùa, thanh tao, yên tĩnh, để nhà sư kể lại câu chuyện của chính mình… Lời văn trong “Vào chùa gặp lại” cứ thủ thỉ tâm tình như những lời tụng kinh vang lên nhẹ nhàng mà sâu lắng. Kể rất êm đềm về những tháng ngày dữ dội; những ngày tháng gian khổ không chỉ ở chiến trường mà ngay cả khi đã vào chùa, khi đã trở thành “sư bác”, “sư thầy”; khi trở thành sư trụ trì vẫn thế.
Thông điệp nhân văn từ truyện ký “Vào chùa gặp lại” vang lên từ chính nội dung câu chuyện – chuyện về “những con người con gái con trai – đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép” (thơ Nam Hà); chuyện của một thời đạn bom và khói lửa chiến tranh với biết bao hy sinh, mất mát. Những người lính không chỉ ngã xuống trên chiến trường mà ngay khi còn sống sót trở về cũng mang trên mình đầy những vết thương, cả thể xác lẫn tinh thần; nhức nhối hơn cả là nỗi đau về hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình. Hình tượng nhân vật Đàm Thân không chỉ là một con người có thật ngoài đời, mà còn là một biểu tượng cho vẻ đẹp tinh thần ấy.
Với “Vào chùa gặp lại”, nhà văn Minh Chuyên đã dành hết tình cảm trân trọng, yêu thương, mến phục của anh đối với những con người như thế. Tình cảm, thái độ ấy thể hiện ở hành động đi đến tận nơi, gặp gỡ từng người, tìm hiểu cặn kẽ mọi sự… và hiển hiện ra trong từng lời văn, trang viết. Hầu hết câu chuyện được kể một cách khách quan theo lời người trong cuộc, nhà văn khéo léo ẩn mình đi, bộc lộ thái độ và tình cảm một cách gián tiếp…, nhưng rồi cuối truyện cũng không kìm nén được tình cảm trân trọng ấy. Câu văn kết thúc văn bản đã thể hiện rõ điều đó: “Nhìn bóng Đàm Thân khuất sau cánh cửa Tam bảo, tôi chợt nhớ lời nhà sư nói về sự linh ứng của kinh Pháp hoa, và cứ mường tượng như thể mình đã nhìn thấy hoa của lòng người”.
4. Chúng tôi luôn cho rằng, nhà trường phổ thông có một vai trò hết sức to lớn trong việc tạo ra một công chúng văn học có văn hóa, một lớp người đọc có trình độ, hiểu biết. Không nơi nào có điều kiện và cơ hội trang bị những tri thức cơ bản để hiểu văn học và thực hiện sứ mệnh giáo dục cho một công chúng đông đảo như nhà trường phổ thông. Khi một tác phẩm vào sách giáo khoa, câu trả lời ai đọc, ai học đã rất rõ: hàng triệu người đọc và học trong hàng chục năm. Việc lựa chọn đúng, sai đối với tác phẩm đưa vào sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông sẽ có tác động rất lớn đến nhiều phương diện. Cái tốt, điều hay sẽ được cất cánh, nâng cao, trải rộng đến nhiều nơi, qua nhiều năm tháng liên tục…
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
+ Nhà văn Minh Chuyên tên là Nguyễn Minh Chuyên (sinh năm 1948 tại Thái Bình). Ông tốt nghiệp Tổng hợp văn Hà Nội. Năm 1967 vào bộ đội, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam bộ (B2). Năm 1976, ông chuyển ngành làm phóng viên Báo Thái Bình. Từ 1997 đến 2007 là biên tập viên chính – đạo diễn phim tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam. Từ 2008 đến nay là đạo diễn cao cấp Đài Truyền hình Việt Nam
Bình luận (0)