Hãy để trẻ có suy nghĩ mỗi ngày đến trường là niềm vui. Muốn vậy GV không được dùng các biện pháp trừng phạt trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L |
Xử phạt trẻ em bằng hình thức nào là tốt nhất để trẻ không bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần luôn là những trăn trở của cô Phạm Thị Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Gò Vấp.
Từ những trăn trở đó cùng với những kinh nghiệm có được của gần 20 năm giảng dạy và làm công tác quản lý, cô Phạm Thị Vượng đã mạnh dạn thực hiện đề tài “Một số biện pháp giúp giáo viên (GV) đổi mới quản lý lớp học bằng biện pháp giáo dục tích cực”. Và đề tài này đã đoạt giải 3 tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật TP.HCM năm 2010.
Đánh trẻ là sự bất lực của người lớn
Nhiều năm qua, không ít GV, nhà quản lý giáo dục cũng như các bậc phụ huynh học sinh (HS) vẫn thừa nhận và tin tưởng vào tính hiệu quả của phương pháp giáo dục trẻ bằng cách trừng phạt khi trẻ phạm lỗi. Đặc biệt, đại bộ phận GV còn phải đương đầu với nhiều vấn đề trong cuộc sống đời thường nên rất căng thẳng, dễ sinh ra cáu gắt khi đối mặt với những vấn đề của lớp học như áp lực về sĩ số HS quá đông, điều kiện vật chất và phương tiện giảng dạy còn lạc hậu, thái độ khoán trắng và không hợp tác của cha mẹ HS trong giáo dục con cái…
Một số GV đã giải quyết vấn đề thường xảy ra trong quá trình dạy học như HS quên sách vở, đồ dùng học tập, nói chuyện riêng trong giờ học, không làm bài tập… bằng cách phạt, đánh đòn hay mắng HS. Thậm chí, họ còn cho rằng, trừng phạt là một biện pháp hữu hiệu, một công cụ cần thiết và có hiệu quả nhất định trong lớp học. Quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” vẫn được nhiều GV và phụ huynh ủng hộ một cách thái quá. Chính vì thế mà hiện tượng đánh đập trẻ em trong gia đình cũng như trong nhà trường vẫn còn xảy ra.
Người lớn thường xử lý sai phạm của trẻ bằng các hình thức trừng phạt như chửi mắng, đánh đập, sỉ nhục… Điều này có thể mang lại sự sửa đổi tức thời của trẻ nhưng lại in hằn trong tâm hồn trẻ thơ về sự tổn thương về thể xác và tinh thần.
Đó không phải là việc làm bình thường hay việc riêng của cha mẹ, của GV mà đó là sự bất lực của người lớn trong giáo dục con trẻ và là sự vi phạm pháp luật. Chính vì thế, cần phải thay đổi cách xử lý sai phạm của HS bằng cách tìm hiểu, động viên, khuyến khích, nêu gương nhằm giúp các em có hành vi và thái độ ứng xử đúng đắn.
Thương không phải là “cho roi cho vọt”
Cô Phạm Thị Vượng |
Đề tài “Một số biện pháp giúp GV đổi mới quản lý lớp học bằng biện pháp giáo dục tích cực” đã đưa ra rất nhiều biện pháp hữu dụng cho GV trong cách truyền đạt kiến thức cũng như dạy cách ứng xử cho trẻ. Trong đó, các biện pháp hạn chế như đánh, chửi mắng HS vẫn là nội dung trọng tâm của đề tài được tác giả đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, để hạn chế điều này trước hết cần tạo ra sự thay đổi trong quan niệm cũng như phương pháp giảng dạy cho GV, đó là phải dạy trẻ bằng tình thương, lòng nhiệt huyết chứ không phải là cách “thương cho roi cho vọt”.
Thay đổi phương pháp giáo dục là cả một quá trình không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Có rất nhiều cách để hạn chế đánh phạt HS nhưng chọn cách nào cho phù hợp và sử dụng như thế nào đòi hỏi tâm huyết và sự sáng tạo của mỗi người, đặc biệt là GV. Trước hết, GV phải có một tâm lý hết sức thoải mái khi bước lên bục giảng thì mới giảng bài hiệu quả. Vì thế, GV cần phải quan tâm chăm sóc bản thân về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm để tránh căng thẳng, giận dữ, mệt mỏi trong quá trình quản lý lớp học.
Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, mỗi ngày GV nên dành khoảng 10 phút để suy nghĩ về HS của lớp mình, đặc biệt là về cách làm việc với những HS cá biệt, cách giải quyết vấn đề sao cho vừa xây dựng được sự tôn trọng và ý thức kỷ luật, vừa tránh được sự hăm dọa và gây sợ hãi cho HS.
Ngoài ra đề tài còn đưa ra một số biện pháp tích cực như: xây dựng những hình thức phạt phù hợp nhất quán, quan tâm đến những khó khăn của trẻ, tăng cường sự tham gia của trẻ trong việc xây dựng nội quy lớp học, các hoạt động xây dựng tập thể lớp…
Với những cách thức này, GV ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã áp dụng và hầu hết các GV đều cho rằng, việc đổi mới quản lý lớp học bằng những biện pháp giáo dục này đã giúp cho HS yêu trường mến bạn hơn, các em đều cảm thấy vui khi mỗi ngày được đến lớp vì ở đó các em không có bất kỳ hình thức xử phạt nào mà chỉ có thầy cô dạy bằng cả tình thương.
Dương Bình (lược ghi)
“Việc dạy trẻ như thế nào là tốt nhất đang là nỗi trăn trở của rất nhiều nhà giáo. Qua những năm tháng đứng trên bục giảng, tôi thấy rõ việc dạy trẻ không phải là chuyện đơn giản vì mỗi đứa trẻ mỗi tính cách, qua mỗi năm tháng chúng lại có những thay đổi riêng. Vì thế, chúng ta phải luôn trăn trở và rút ra những kinh nghiệm trong cách dạy trước, từ đó đưa ra những biện pháp mới để đổi mới một cách tích cực nhất” – Cô Phạm Thị Vượng tâm sự. |
Bình luận (0)