Bạo lực học đường luôn là nỗi lo của các bậc phụ huynh và học sinh. Nếu các em rèn luyện được kỹ năng, cách xử lý tình huống và biết yêu thương bản thân thì sẽ có cách bảo vệ được mình, tránh bạo lực học đường.
Hành động nhỏ nhưng hậu quả lớn
Bạo lực học đường không đơn thuần là tác động vật lý mà còn là những hành vi xúc phạm, lăng mạ tác động tiêu cực đến tâm lý. Có những hành động tưởng chừng là đùa giỡn nhưng đó lại chính là bạo lực học đường gây tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần người bị hại.
Em N.T.N. (học sinh THCS) cho biết, năm học lớp 6 em chơi với một nhóm bạn rất vui, nhưng gần cuối năm một bạn trong nhóm có hành động bạo lực. Mỗi lần em nói vấn đề gì bạn không đồng tình là cào, cấu vào người em gây trầy xước, rướm máu. Hành động này diễn ra thường xuyên. Em đã 3 lần báo cô giáo chủ nhiệm biết và một lần viết thư trình bày sự việc nhưng cô lại thờ ơ, không muốn ra mặt xử lý. Em cảm thấy rất buồn vì nếu không được giải quyết em sẽ tiếp tục bị bạo lực.
Bà Trần Thị H. (phụ huynh một học sinh THCS) kể, con gái của bà học lớp 9. Cũng như mọi khi, mỗi chiều tan học bà đều đến trường đón con đúng giờ. Một hôm bà đến trường đón con nhưng không có cô giáo ở lớp. Thấy đã đến giờ tan học nhưng lớp của con vẫn chưa được về nên bà hối con xuống đi về. Ngày hôm sau, khi con đến lớp, cô giáo không hỏi nguyên nhân đã bắt học sinh viết bản kiểm điểm và buông lời xúc phạm “con nít bày đặt yêu đương trốn học”… Những lời đó đã khiến con bà bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý. “Dù cô giáo sai nhưng chúng tôi không thể tố cáo, vì nếu làm lớn chuyện cô giáo có thể nhận lỗi nhưng sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Thậm chí, con tôi còn có thể bị bạn bè cô lập, bị cô giáo gây khó dễ”, bà H. chia sẻ.
Qua hai trường hợp trên, cho thấy bạo lực học đường rất dễ xảy ra. Không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn là giữa học sinh với giáo viên. Có những vụ điển hình gây chấn động dư luận nhưng cũng có những vụ nhỏ không được quan tâm, xử lý triệt để, về lâu dài để lại sự thiệt thòi, đau đớn về thể xác và tinh thần cho học sinh và gia đình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hiểu Linh cho biết, những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực về ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung học tập. Những em chứng kiến hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng tâm lý, cảm thấy sợ hãi và nếu thấy những người gây ra bạo lực không bị xử lý nghiêm thì những em đó cũng có thể hùa theo số đông, nhiều khả năng trở thành người có hành vi bạo lực trong tương lai.
Dạy con biết yêu thương bản thân
Theo các chuyên gia, những học sinh bị bạo lực học đường đa phần ít nhận được sự quan tâm từ gia đình. Do cuộc sống, phụ huynh phải đi làm không có nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ và tìm hiểu con cái. Khi bạo lực học đường xảy ra phụ huynh mới bắt đầu quan tâm thì đã quá muộn, con em đã bị tác động vật lý lẫn tinh thần. Để phòng tránh bạo lực học đường phụ huynh cần đồng hành cùng con.
Bà Đoàn Thị Thu Trang (phụ huynh của hai học sinh THCS) cho rằng, việc phụ huynh đồng hành cùng con vô cùng quan trọng. Vì vậy, mỗi ngày bà đều tâm sự với hai con. Bà kể với con những chuyện ở chỗ làm, ngược lại con kể chuyện học ở trường, ở lớp. Như vậy, bà vừa nắm bắt được tâm lý của con vừa kịp thời giúp con tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi gặp phải. Bên cạnh đó, bà Trang cũng rèn luyện cho con nội lực từ bên trong để con mạnh mẽ đối mặt với những vấn đề mình gặp phải. “Đặc biệt, tôi luôn dạy con phải biết yêu thương bản thân. Khi biết yêu thương bản thân, con sẽ tự biết bảo vệ mình cũng như những người xung quanh, tránh bạo lực học đường”, bà Trang chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Dung (phụ huynh học sinh lớp 3) nhìn nhận mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng. Muốn đồng hành cùng con, phụ huynh nên làm bạn với con, hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống, biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Phụ huynh có thể đưa ra những tình huống giả định sau đó gợi cho con cách xử lý vấn đề. Như vậy, con sẽ học được kỹ năng, trưởng thành và tránh được bạo lực học đường.
Theo luật sư Phùng Huyền, nguyên nhân của một đứa trẻ thích bắt nạt là do nhận thức sai lệch về giá trị con người, đánh đồng giá trị bản thân bằng việc e sợ của người khác. Lúc này cha mẹ cần giúp cho con thấy rằng đó không phải là giá trị con người. Cha mẹ đóng vai trò định hướng và chỉ dẫn cho con để con tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Các chuyên gia khẳng định, để có thể phát hiện sớm các vụ bạo lực học đường, tránh được hậu quả đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần thường xuyên phối hợp với nhà trường để theo dõi quá trình học tập và sinh hoạt của con mình tại trường. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần giáo dục cho trẻ các kỹ năng cần thiết nhằm phòng tránh bạo lực học đường. Khuyến khích trẻ chủ động báo ngay cho nhà trường và gia đình khi bị bắt nạt hoặc thấy bạn bị hành hung. Trẻ cần mạnh dạn báo cho người lớn biết về việc bị bạn bè đe dọa qua lời nói, các tin nhắn có nội dung đe dọa qua điện thoại di động hay email… trước khi bạo lực học đường xảy ra.
Bài, ảnh: Khánh Kiều
Bình luận (0)