Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy trẻ biết yêu thương qua hoạt động trải nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Tết Nguyên đán Đinh Dậu đã qua, nhưng dư âm từ những chuyến đi trao quà thực tế, bài học về lòng nhân ái, sự chia sẻ vào mỗi dịp tết cổ truyền vẫn được thầy và trò nhiều trường học trên địa bàn TPHCM “ôn” lại vào mỗi tiết sinh hoạt đầu giờ. Có thể nói, chưa bao giờ phương pháp giáo dục thông qua hình thức trải nghiệm lại được các trường quan tâm nhiều đến vậy…

Niềm vui của sự chia sẻ

Học sinh Trường Mầm non Thế giới trẻ thơ (quận Gò Vấp) tham gia đóng gópgây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo

Nhắc lại chuyến đi thực tế trao quà cho các bạn nhỏ kém may mắn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) sau ngày hội quyên góp “Xuân yêu thương” (do tập thể ban giám hiệu, giáo viên và học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TPHCM cùng tham gia đóng góp), nhiều học sinh cho biết các em vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi khó tả. Nếu như ở lớp, thầy cô chỉ dạy các em bài học về sự chia sẻ, biết tiết kiệm tiền tiêu vặt cá nhân để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn, thì qua chuyến đi thực tế, được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống thiếu thốn của các bạn, học sinh mới hiểu hơn về giá trị của sự chia sẻ. Một nữ sinh khối 8 tâm sự: “Hai năm trước con tham gia ngày hội vô tư lắm, chỉ biết những món đồ trang sức do mình tự làm có thể bán lấy tiền tặng người nghèo. Nhưng giờ con hiểu được, việc làm của mình và các bạn trong lớp đã đem đến niềm vui, sự ấm áp cho các bạn nhỏ kém may mắn”.

Tương tự, tại Trường Mầm non Thế giới trẻ thơ (quận Gò Vấp), sau khi thu được số tiền 43 triệu đồng từ ngày hội bán tranh gây quỹ từ thiện giúp các em nhỏ bị bỏ rơi ở hai mái ấm Hướng Dương và Tình Mẹ (quận Gò Vấp), trường đã tổ chức cho học sinh và giáo viên trực tiếp đến trao quà cho các em nhỏ. Những năm trước, đoàn đi trao quà chỉ có giáo viên và các thành viên trong ban giám hiệu. Đây là năm đầu tiên có sự kêu gọi phụ huynh và học sinh cùng tham gia, với mong muốn qua đó có thể giúp học sinh hiểu hết ý nghĩa của sự chia sẻ. Riêng tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), phong trào nuôi heo đất để dành tiền mua quà tặng bạn có hoàn cảnh khó khăn đã được học sinh hưởng ứng nhiệt tình hơn 4 tháng qua.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết học sinh được tự chọn người bạn có hoàn cảnh khó khăn mà mình quen biết để giúp đỡ, có thể học cùng lớp hoặc ngoài lớp. Qua đó, các em không chỉ học được bài học về sự quan tâm, chia sẻ với người khác mà còn hiểu được “cho đi cũng là một cách được nhận lại” khi nhìn thấy bạn vui với món quà mình vừa tặng, tình cảm bạn bè ngày càng gắn bó. 

Hướng đến dạy học bằng trải nghiệm

Trao đổi với chúng tôi, trưởng phòng giáo dục – đào tạo một quận ở trung tâm TPHCM cho biết, trước đây hoạt động quyên góp ở các trường chủ yếu do thầy cô phát động, học sinh chỉ hưởng ứng làm theo nên mang tính phong trào là chính, các em không hiểu hết ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động quyên góp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, với sự đổi mới trong phương pháp và mục tiêu giáo dục, nhiều trường đã chú ý tăng cường hơn các hoạt động giáo dục thông qua hình thức trải nghiệm. Trong đó, học sinh được quyền đề xuất ý kiến, tự quyết định hình thức và mức tiền đóng góp, kêu gọi bạn bè và người thân cùng thực hiện. Sau đó, nếu trường có điều kiện sẽ tổ chức cho các em trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà cho những hoàn cảnh kém may mắn. Trường không có điều kiện cũng cập nhật hình ảnh, thông tin về việc tặng quà trên bản tin đoàn trường để học sinh có thể theo dõi, biết được sự chia sẻ của mình đã giúp ích cho các bạn nhỏ ở nơi khác.

Tuy nhiên, cũng theo thừa nhận của nhiều đơn vị, chi phí cho một chuyến đi thực tế không hề nhỏ nên trường chỉ thực hiện được khi có sự đồng lòng, chia sẻ của hội phụ huynh. Thực tế từng xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh đặt câu hỏi, thậm chí nghi ngờ các khoản chi của trường sau khi công bố tổng số tiền quyên góp. Hoặc có đơn vị do không có kinh nghiệm lẫn kinh phí tổ chức nên giao khoán toàn bộ số tiền quyên góp cho các tổ chức từ thiện mà không có sự theo dõi, từ đó gián tiếp làm nảy sinh tiêu cực. Ý nghĩa của lòng tốt và sự chia sẻ vì thế giảm đi một nửa.

Quyên góp từ thiện tổ chức sao cho hiệu quả, vừa nhận được sự hài lòng lẫn đồng tình của phụ huynh vừa giáo dục học sinh lòng nhân ái, phụ thuộc rất nhiều vào cái “tâm” của người hiệu trưởng. Chỉ khi thầy, trò đồng lòng, phụ huynh ủng hộ thì hoạt động mới trở nên có ý nghĩa, tránh kiểu tổ chức theo phong trào khiến học sinh có cái nhìn sai lệch về ý nghĩa của một hoạt động truyền thống vốn mang đậm giá trị nhân văn.

MINH QUÂN (SGGP)

 

Bình luận (0)