Bất đồng quan điểm khi dạy trẻ là việc diễn ra thường xuyên ở nhiều gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
|
Không ít gia đình thương yêu trẻ không đúng cách đã vô tình dạy cho trẻ tính hay đổ lỗi cho người khác, lâu dần nảy sinh cái tôi cá nhân cao, luôn tự cho mình là số 1 trong nhà, trong lớp học…
Đau đầu vì ông bà… bênh cháu
Tại một hội thảo về phương pháp giáo dục trẻ do Hội Bác sĩ nhi TP.HCM tổ chức, chị Nguyễn Thị Kim Anh (nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM) phân vân: “Vợ chồng tôi ở với bố mẹ chồng, ông bà rất hay bênh vực cháu. Chẳng hạn như khi ngã, bé khóc, ông bà liền bế cháu dậy và giơ tay đập đập cái sân, còn bảo là “đánh cái sân làm em bé ngã nè”. Tôi chẳng dám nói gì vì sợ ông bà phật lòng. Tuy nhiên, tôi rất phân vân vì cách làm này chỉ giải quyết vấn đề là xoa dịu nỗi đau, lấy lại niềm vui cho bé tức thời nhưng cứ hết lần này đến lần khác thì bé sẽ không cẩn thận khi chơi nữa”.
Cùng ở với bố mẹ chồng, chị Trần Thị Hồng Hải (nhà ở quận Bình Thạnh) cũng khó xử như trường hợp chị Kim Anh. Vốn là cháu đích tôn nên cu Bi được ông bà “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Đã 4 tuổi rồi nhưng bất kỳ hành động sai trái nào của bé, ông bà vẫn tìm cách bênh vực. Mỗi khi chị có ý trái với ông bà trong việc dạy con là ông bà lại giận, nhịn ăn mấy ngày nên vợ chồng chị không dám góp ý nữa. Có ông bà bênh vực, cu Bi chẳng hề sợ ba mẹ, khi làm gì sai là cậu bé lại chạy đến với ông bà ngay lập tức vì cậu biết chắc chắn ông bà sẽ nói đỡ cho mình. Chị Hồng Hải kể: “Việc đơn giản nhất là khi ngủ, cháu tè bậy lên giường, sáng dậy bị ba mẹ la thì ông bà cứ nói là “ông Cáo” làm đấy, không phải Bi làm đâu! Vậy là cu cậu vẫn không bỏ được cái tật đái dầm lúc ngủ”.
Khi dạy ở trường quốc tế, nhiều giáo viên thấy rõ cách dạy trẻ ở Việt Nam khá khác biệt với nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Hồng (giáo viên Trường Quốc tế Mỹ Việt) cho hay: “Trẻ con nước ngoài mới 6-7 tuổi nhưng được giáo dục tính tự lập rất cao. Khi mới vào lớp 1, các em đã tự sắp xếp đồ đạc cho mình một cách gọn gàng, đặc biệt khi ngã, ít em nào khóc mà cố gắng đứng dậy ngay lập tức vì các em biết đó là lỗi do mình làm ra. Trong khi đó, trẻ ở Việt Nam học tính tự lập rất ít, ở nhà các em thường được bố mẹ đút cơm cho ăn, sắp xếp đồ đạc sau khi ngủ dậy nên đến khi đi học, những việc làm này đối với các em là rất khó khăn. Khi ngã, các em thường khóc và nằm yên tại chỗ, đến khi có bạn hay giáo viên đến kéo dậy thì mới đứng lên và tiếp tục… khóc. Điều này cho thấy, tính tự lập của các em còn bị hạn chế so với trẻ người nước ngoài”.
Cần thống nhất trong cách dạy trẻ
Có ông bà chăm sóc con cái giúp là điều may mắn của các ông bố, bà mẹ trẻ; tuy nhiên trong cách dạy trẻ thì những bậc phụ huynh này sẽ rất khó góp ý, đặc biệt là đối với bố mẹ chồng. ThS.BS Nguyễn Lan Hải (giảng viên tâm lý học) cho rằng: “Đặc điểm tâm lý của trẻ ở giai đoạn 3 đến 6 tuổi thường hay nói về những nhân vật tưởng tượng, việc nói về “ông Cáo” sẽ phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là trách nhiệm của trẻ sẽ như thế nào đối với vấn đề mà các em gây ra? Phụ huynh hãy cho bé sống theo trí tưởng tượng nhưng cần bắt lỗi ngay lúc các em phạm sai lầm như làm vỡ chén, đái dầm… Tuy nhiên, lúc đó phụ huynh cần nhận lỗi thêm về mình, chẳng hạn như bố mẹ cho con uống nước nhiều quá làm con đái dầm. Phụ huynh dám nhận lỗi trước con thì trẻ mới học tập, noi gương bố mẹ được”.
Ngoài ra, sự thống nhất trong cách dạy trẻ giữa bố mẹ và ông bà như thế nào cũng là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. ThS.BS Nguyễn Lan Hải chia sẻ thêm: “Nếu ông bà cứ bênh vực cháu mà bố mẹ không có phương pháp nào thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ thấy được bênh vực sẽ luôn nghĩ việc mình làm là đúng và đổ lỗi cho người khác, dần dần trẻ sẽ không nghe lời”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS. Tô Nhi A (giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM) phân tích: “Trẻ rất nhạy bén khi quan sát, nếu khi phạm lỗi và nhận thấy bố mẹ và ông bà bất đồng quan điểm khi xử lý tình huống, trẻ sẽ nhanh chóng đi tìm đồng minh cho mình. Từ đó trẻ thường tìm đến những người bênh vực mình và không nghe lời người khác, thậm chí còn có thái độ coi thường bố mẹ khi thấy ông bà bênh vực mình”.
Bất đồng quan điểm khi dạy trẻ là việc diễn ra ở nhiều gia đình, tuy nhiên, làm thế nào để tránh vấn đề này xảy ra không phải là ngày một ngày hai. “Bố mẹ và ông bà nên thống nhất cách dạy trẻ ngay từ khi đứa bé chưa chào đời, còn nếu để cho trẻ chào đời, trẻ mắc lỗi rồi mới nảy sinh vấn đề này sẽ rất khó khắc phục và cần rất nhiều thời gian”, một chuyên gia tâm lý chia sẻ.
D.Bình
“Nếu ông bà cứ bênh vực cháu mà bố mẹ không có phương pháp nào thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Trẻ thấy được bênh vực sẽ luôn nghĩ việc mình làm là đúng và đổ lỗi cho người khác, dần dần trẻ sẽ không nghe lời”, ThS.BS Nguyễn Lan Hải chia sẻ. |
Bình luận (0)