Trẻ em “chóng nhớ, mau quên” nên việc cung cấp kiến thức cho trẻ không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu. Kĩ năng và thái độ của trẻ khi tiếp ứng với mỗi tình huống, câu chuyện đưa ra mới là điều quan trọng hơn.
Trong khi đó, việc đổi mới hình thức và phương pháp dạy học đã có song vẫn chỉ là "phong trào" và có lẽ chỉ nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của những thay đổi đó trong các hội giảng và hội thi các cấp.
Không phải chỉ dạy trẻ hát dạy múa là xong
Bàn về đổi mới hình thức tổ chức, đổi mới phương pháp dạy học cho trẻ mầm non, không ít quan điểm cho rằng "trẻ nhỏ biết gì mà dạy", "mấy đứa trẻ con dạy hát, dạy múa, kể chuyện là xong" hay "mầm non đâu cần đổi mới phương pháp"…
Tuy nhiên, các nhà giáo dục đã nghiên cứu thực nghiệm và chứng minh: Trẻ lọt lòng mẹ đã sớm hình thành con đường học tập.
Theo Benjamin S Bloom, trước 4 tuổi trẻ có năng lực học tập đạt 50%, 4 đến 8 tuổi phát triển thêm 30% và 20% hoàn thành trong giai đoạn tiếp theo.
Trước 6 tuổi trẻ tích lũy được 33% vốn từ vựng tiếng mẹ đẻ, 6 đến 13 tuổi tích lũy thêm 42% và 25% khi tròn 18 tuổi.
Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non, ngoài phương pháp giáo dục truyền thống còn có nhiều phương pháp dạy học khác như phương Montessori, phương pháp "Nhúng bàn tay vào bột", phương pháp dạy học tích cực…
Nhìn chung các phương pháp dạy học cho trẻ mầm non đều hướng vào đứa trẻ, phát huy tính tích cực của trẻ trong các hoạt động và kết quả cuối cùng là đứa trẻ cần đạt mục tiêu cuối độ tuổi và đồng thời chuẩn bị tốt tâm trí tốt nhất cho trẻ trong giai đoạn tiếp theo.
Vấn đề trong giáo dục mầm non là “Dạy trẻ cái gì?” không quan trọng bằng “Dạy trẻ như thế nào?”. Việc hình thành cho một đứa trẻ các năng lực tư duy cho dù các năng lực tư duy đó không cho ra kết quả chính xác quan trọng hơn nhiều việc cố nhồi nhét những kiến thức khoa học chính xác vào đầu đứa trẻ.
|
Giáo viên cần coi việc tạo hứng thú, kích thích năng lực trí não, hoạt động của trẻ là niềm hạnh phúc nghề nghiệp
|
Thực trạng ở Việt Nam
Ở nước ta, cho đến ngày 25 tháng 7 năm 2009, chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thông tư 17/2009/TT BGD-ĐT. Chương trình với 6 thành tố cấu thành, trong đó phương pháp tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non là một trong 6 thành tố quan trọng.
Các trường mầm non hiện nay đang đẩy mạnh đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động cho trẻ mầm non.
Cụm từ phương pháp dạy học tích cực luôn luôn được các nhà quản lý sử dụng khi tổ chức các hội nghị tổng kết, nhận xét, đánh giá giáo viên. Song để hiểu, thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục trong tổ chức các hoạt động cho trẻ trong thực tế còn nhiều bất cập. Giải quyết bất cập đó không chỉ vai trò của giáo viên, lực lượng trực tiếp đứng lớp mà vai trò kiểm soát, định hướng quan trọng của cán bộ quản lý trong nhà trường.
Có thể nhận thấy rằng chất lượng giáo dục trong các trường mầm non hiện nay chưa thực sự đáp ứng được sự phát triển của trẻ, chưa khơi dậy được năng lực học tập, vui chơi tiềm ẩn trong đứa trẻ cũng như chưa đáp ứng được định hướng của chương trình giáo dục mầm non đang triển khai theo lộ trình để tiến tới đại trà trong cả nước vào năm 2013.
Đứng ở góc nhìn tổng thể có thể thấy việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong một nhà trường có nhiều nguyên nhân: trường lớp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, trình độ giáo viên, trình độ quản lý của cán bộ, công tác xã hội hoá, nhận thức của người dân v.v…
Vai trò của người cán bộ quản lý là vô cùng quan trọng trong phong trào đổi mới phương pháp dạy học, đó là làm gì để phá vỡ sự thụ động của người học, phá vỡ kiểu dạy truyền thống: cô giáo nói, trẻ lĩnh hội và làm theo để xây dựng theo quan niệm người học chủ động, phát huy được tính tích cực của trẻ trong quá trình tham gia hoạt động.
Theo đó, người cán bộ quản lý cần dùng các phương pháp quản lý khác nhau trong từng giai đoạn chỉ đạo đổi mới phương pháp giáo dục.
|
Một góc hoạt động sách sinh động tại trường mầm non Bình Minh thành phố Hải Dương
|
Bắt đầu từ thay đổi tư duy
Người cán bộ quản lý trong trường mầm non cần thoát ra được quỹ đạo của phương pháp quản lý cũ. Nhận thức của bản thân cán bộ quản lý về vấn đề đổi mới phương pháp dạy học đối với trẻ mầm non rất quan trọng. Câu trả lời đơn giản và dễ hiểu: Họ phải hiểu thấu đáo, có mong muốn và hứng thú với việc đổi mới phương pháp quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục trẻ, có như vậy mới có thể dẫn đến các hành động tích cực tiếp theo.
Nhiều cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đã miệt mài, trăn trở, mong muốn và quyết tâm đổi mới song trong khi thực hiện lại rơi vào lúng túng, mất phương hướng, chính vì vậy chỗ đứng của của việc dạy học mang tính chất truyền dạy – lĩnh hội, nhồi nhét, dập khuôn, máy móc vẫn tồn tại.
Nhiều cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đã miệt mài, trăn trở, mong muốn và quyết tâm đổi mới song trong khi thực hiện lại rơi vào lúng túng, mất phương hướng, chính vì vậy chỗ đứng của của việc dạy học mang tính chất truyền dạy – lĩnh hội, nhồi nhét, dập khuôn, máy móc vẫn tồn tại.
Người cán bộ quản lý trong trường mầm non cần xác định và làm thế nào để việc đổi mới phương pháp dạy học diễn ra một cách hiệu quả và ít bị xáo trộn nhất. Đầu tiên đó là cần phải khảo sát xem việc đổi mới phương pháp dạy học liên quan đến các vấn đề gì trong điều kiện thực tế tại trường: Cơ sở vật chất, tinh thần học hỏi hay sức ì của giáo viên, trình độ v.v…Việc khảo sát này giúp người quản lý có cái nhìn tổng thể về vấn đề sẽ triển khai để từ đó xây dựng được kế hoạch chỉ đạo đúng và trúng mục tiêu đề ra.
Người quản lý cũng cần tìm cách để tập thể sư phạm nhà trường đặc biệt là giáo viên hiểu rằng việc đổi mới phương pháp giáo dục trẻ không đơn thuần do thực thi nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên mà quan trọng là do sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, yêu cầu phát triển của xã hội; do tự thân nhà trường nhận thấy cần thiết phải thay đổi nếu không khó có thể đáp ứng được yêu cầu tồn tại và phát triển trong điều kiện sức bật rất lớn hiện nay của mạng lưới các trường mầm non bán công, tư thục v.v…
Việc đưa ra một giai đoạn cũng như kết quả, mục tiêu dự kiến cho từng giai đoạn đối với số lớp, số giáo viên vận dụng tốt việc đổi mới phương pháp giáo dục trẻ là điều cần thiết để tránh tình trạng dàn trải dẫn đến cào bằng không hiệu quả.
Cần xây dựng để nhân điển hình một số giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, mạnh dạn đi đầu trong tiếp cận cái mới. Ban đầu cán bộ quản lý có thể cùng giáo viên xây dựng các tiết dạy, các hoạt động thực hành tổ chức trên trẻ để cho giáo viên trong trường trao đổi rút kinh nghiệm. Tiếp đó là khuyến khích bản thân giáo viên tự độc lập xây dựng và các giáo viên khác cùng hưởng ứng theo…
Điều không thể thiếu trong các bước này đó là luôn có sự động viên giáo viên về vật chất, tinh thần một cách kịp thời, đôi khi có thể chỉ là những lời khen trước hội đồng sư phạm. Vấn đề nghiêm khắc phê bình cũng cần được chú ý đến để tránh những lệch lạc trong quá trình thực hiện.
Song song các bước này là tạo điều kiện về cơ sở vật chất trong tổ chức hoạt động thực hành như trang bị ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc xây dựng điển hình này có thể bắt đầu từ một vài giáo viên trong cả trường, điển hình được nhân rộng mỗi giáo viên một khối, tiếp đó là toàn bộ giáo viên khối mẫu giáo 5 tuổi (nơi có sự tập trung của nhiều giáo viên có năng lực tốt trước các yêu cầu về phổ cập cũng như triển khai bộ Chuẩn phát triển trẻ v.v…)
Theo Nguyễn Thị Duyên
(GDVN)
Bình luận (0)