Kỹ năng để biết được khi nào cần bỏ cuộc và nên chấp nhận thất bại như thế nào là những bài học mà một đứa trẻ cần được dạy từ sớm.
Một trong những bài học phổ biến mà ta thường truyền đạt lại cho con cái là sự bền bỉ, không bỏ cuộc trước khó khăn. Ý kiến chung là thế, nhưng thực tế không phải lúc nào ta cũng nên bám lấy một công việc khó khăn, dù biết rằng nếu thành công, thành quả đem lại cũng không mấy giá trị.
Hoặc cũng có lúc, ta cần phải chấp nhận thất bại để có thể tìm kiếm những cơ hội khác. Kỹ năng để biết được khi nào cần phải bỏ cuộc và nên chấp nhận thất bại như thế nào là những bài học mà một đứa trẻ cần phải được dạy từ sớm. Không ai có thể dạy trẻ những điều này tốt hơn người bố, vốn thường là trụ cột của gia đình và đã từng nhiều lần đối mặt với thất bại.
Ảnh mang tính minh họa |
Biết cách bỏ cuộc
Dĩ nhiên, không cam chịu thất bại là một bản lĩnh mà bất kỳ ai cũng cần có để vượt qua khó khăn và thúc đẩy mình tiến lên phía trước. Thậm chí, điều đó có thể còn là bản chất của nhiều đứa trẻ hiếu thắng và gan lì.
Nhưng ta không thể áp dụng quan điểm này cho tất cả các tình huống – đó sẽ là một sai lầm, bởi sự ngoan cố một cách mù quáng có thể đem lại những trở ngại trong cuộc đời trẻ, bào mòn thêm sức lực cũng như tinh thần của trẻ.
Cũng có những lúc, khi trẻ tìm cách sửa chữa thì lại làm tình huống xấu thêm. Trong khi đó, từ bỏ là cách duy nhất để trẻ tìm đến những cơ hội mới. Chỉ những ai đã từng gặp phải sai lầm này và thoát khỏi nó thành công, mới có thể thấu hiểu được.
Với vai trò một người đàn ông từng cam chịu nhiều thử thách, người cha nên truyền đạt lại kinh nghiệm này cho con từ sớm. Nhưng bạn nên nhớ, đừng để trẻ quá ham chiến thắng cũng như nhanh chóng chấp nhận thất bại. Có thể nói hai vấn đề này đi song song và không thể thiếu nhau.
Học cách chấp nhận thất bại
Là người thường đóng vai trò thúc đẩy sự phấn đấu trong trẻ, người bố sẽ có thể tự phán xét khi nào thì nên khuyến khích con tiếp tục cố gắng và khi nào thì nên cho phép trẻ bỏ cuộc. Trước khi dạy trẻ biết khi nào có thể chấp nhận thất bại và bỏ cuộc, hãy đảm bảo trong quá trình khuyến khích con vượt qua các thử thách hàng ngày, người bố đặt nặng tầm quan trọng của việc cố gắng hết sức và hưởng thụ niềm vui của thử thách, hơn là thành quả và chiến thắng cuối cùng.
Tiếp theo đó, để dạy trẻ cách phán đoán khi nào nên chấp nhận thất bại, người bố phải cho phép trẻ thua cuộc. Đó có thể là những trường hợp thử thách thực sự trong cuộc sống của trẻ, từ trong vui chơi thể thao hay trong trường học; hoặc người bố có thể tạo cơ hội để cho trẻ bỏ cuộc bằng cách cho phép trẻ thử thách các chướng ngại vượt trên khả năng của mình.
Phán xét để bỏ cuộc
Khi trẻ đang phải đối mặt với một thử thách làm trẻ thấy khó chịu nhưng vì lý do nào đó (chẳng hạn nhu cầu chứng tỏ với những người xung quanh hay bản tính hiếu thắng) khiến trẻ không muốn bỏ cuộc, đó là lúc người bố phải vào cuộc.
Hãy ngồi lại bàn bạc với con về thử thách này, giúp trẻ so sánh giữa công sức trẻ cần phải bỏ ra để chiến thắng và kết quả sẽ nhận được, từ đó để trẻ tự quyết định liệu có nên tiếp tục hay không. Khi trẻ bỏ cuộc, cũng đừng bày tỏ thái độ buồn chán, thất vọng, mà hãy tìm cách khuyến khích trẻ tìm đến các thử thách mới.
Tiếp tục cởi mở nói chuyện với trẻ về việc chấp nhận thất bại, như thế trẻ sẽ sẵn sàng bàn bạc với bố hơn về việc này, thay vì sợ hãi tiếp tục cố gắng nhọc công mà không được gì. Dĩ nhiên, đôi khi trẻ sẽ nghi ngờ quyết định của mình, người bố sẽ cần trấn an trẻ rằng đó là điều tự nhiên, và giúp con đưa ra những lý do chắc chắn, thuyết phục về việc nên bỏ cuộc.
Thái độ chấp nhận thất bại
Đứa trẻ nào cũng cần người bố dạy cho mình cách bày tỏ thái độ khi chúng thua cuộc. Bố có thể vừa làm gương vừa chỉ cho trẻ cách chấp nhận thua cuộc một cách văn minh, từ việc bày tỏ sự kính trọng đối với đối thủ, đến việc không để sự bực tức vì thua cuộc ảnh hưởng đến cảm xúc, điều khiển thái độ của mình. Khi trẻ đã có thể tự bày tỏ thái độ như thế khi chúng thua cuộc, chấp nhận thất bại, bố hãy nhớ khen ngợi con.
Ngoài ra, bố phải theo dõi và đảm bảo trẻ không hiểu sai việc được phép bỏ cuộc và thường xuyên né tránh thử thách. Trẻ phải nắm bắt được rằng, kỹ năng phán xét khi nào nên chấp nhận thất bại cũng chính là cách để biết khi nào cần dốc sức để thành công.
Xuân Hạo/ PNO
Bình luận (0)