Dạy trẻ không quấy rối tình dục người khác và đề phòng bị người khác quấy rối tình dục là điều cần làm song song với lúc dạy trẻ… nói. Đó là ý kiến của một người Mỹ. Còn người Việt?
Dạy con trẻ chống quấy rối tình dục có thể bắt đầu từ rất sớm thông qua hành vi của người lớn – Ảnh: Shutterstock
Người lớn im lặng, trẻ con lặng im
Tại một hội thảo do Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ dân số LHQ tổ chức tại VN cuối tháng 11, người ta giật mình trước những con số khảo sát. 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. 66% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ phản ứng nào khi bị quấy rối tình dục, 65% nam giới và người chứng kiến không hề có hành động nào để can thiệp.
Một khảo sát khác, tiến hành trên học sinh cấp 2 và 3 cho thấy 11% học sinh từng bị quấy rối tình dục ngay ở trường học hoặc trên đường đi học về. 36% tự tìm cách giải quyết. Có quá nhiều lý do khiến người ta phải cắn răng mà im lặng. Sợ bị người xung quanh dè bỉu. Sợ ảnh hưởng tới tương lai. Sợ không lấy được chồng. Sợ không ai tin mình. Sợ bị kẻ tấn công trả thù… Sợ tất cả những điều vừa nêu.
Có một sự thật rất rõ ràng: nạn nhân càng sợ thì thủ phạm càng không có lý do để sợ. Và nếu cha mẹ sợ thì con cái cũng nhìn vào đó mà sợ theo. Vậy xã hội tương lai của con cái chúng ta vẫn sẽ toàn những nạn nhân sợ sệt và đầy rẫy những kẻ xấu không biết sợ?
Hãy thét lên !
Tại tọa đàm Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Canada và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức, một bạn trẻ tên Yến Nhi cho biết cô thường phụ gia đình bán nước giải khát ở Q.9, TP.HCM. Và cô thường xuyên bị khách hàng, chủ yếu là các công nhân xây dựng cợt nhả, bình luận về cơ thể của mình. Khi cô nói với mẹ, mẹ cô cũng chỉ biết thở dài: “Phải chấp nhận chứ biết làm sao!”.
Tại tọa đàm, một bạn nữ khác cho biết cũng cầu cứu đến mẹ khi phải thường xuyên chứng kiến người hàng xóm “tiểu đường” ngay ngoài con hẻm nhỏ, sát nhà cô. Người mẹ đã lựa lời nhỏ nhẹ với ông hàng xóm nhưng chuyện đâu lại vào đó. “Tôi thấy mình không thể im lặng nên một ngày nọ, lúc anh ta vừa đứng úp mặt vào tường là lôi máy ảnh ra và bấm”, cô gái kể. Đến đây, gã hàng xóm kỳ cục bắt đầu hạ giọng và hạ bệ luôn cái thói quen bốc mùi của mình, dẫu tấm ảnh vẫn chỉ nằm im ỉm trong điện thoại của “cô láng giềng”. Hay trong tình huống bị sờ soạng trên xe buýt, nhiều bạn trẻ thay vì ngồi im hay bỏ đi chỗ khác đã la lên, báo với tài xế xe, lôi kéo sự can thiệp từ những người xung quanh. Bằng cách này, họ đã khiến cho kẻ xấu phải thấy rằng họ là kẻ đáng phải xấu hổ. Còn nạn nhân, tại sao phải xấu?
Dạy con từ thuở lên 3
Bà Marie Watsion, cư dân Mỹ, Giám đốc Home of Hope, một dự án tại VN của Tổ chức phi chính phủ Hope Unending nhằm giúp đỡ những phụ nữ bị mua bán và xâm hại tình dục cho rằng chống quấy rối tình dục là điều cần phải dạy trẻ từ thuở lên 3. Bà thừa nhận sự khác biệt về văn hóa sẽ dẫn đến những khác biệt trong giáo dục trẻ nhỏ, tuy nhiên, bà chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Tất nhiên, tôi không nói với một đứa trẻ nhỏ xíu về quấy rối tình dục nhưng tôi dạy con tôi cách tôn trọng phụ nữ. Tôi dạy con tôi lịch sự với bạn gái, dạy con không sờ chạm vào những bộ phận riêng tư trên cơ thể người khác một cách rất tự nhiên… Và một trong những bài học quan trọng cho đứa trẻ là nhìn thấy sự tôn trọng người mẹ từ người cha trong gia đình”.
Cô Nguyễn Bảo Thanh Nghi, Trưởng bộ môn xã hội học Trường đại học Mở TP.HCM đề cập tới những thói quen mà nhiều người lớn nghĩ là vô hại, chẳng hạn “xi tè” trẻ nhỏ ngoài đường; ông bà, cha mẹ vuốt ve, trêu ghẹo ở bộ phận sinh dục trẻ… Đó chính là những “tiền đề” để đứa trẻ sau này thấy “tiểu đường” là chuyện bình thường, hoặc khi bị sờ soạng cũng cứ nghĩ là bình thường, không kịp báo cho người lớn biết để ngăn chặn kịp thời.
Kiều Oanh/TNO
Bình luận (0)