Nhà trường và gia đình cần dạy trẻ những điều thiết thực nhất từ thực tế. Ảnh: N.Trinh
|
Gần đây, trên nhiều diễn đàn đã kêu gọi nên dạy trẻ những kiến thức cần thiết để thích nghi và thực hành trong cuộc sống. Tuy nhiên, có những điều chúng tôi cho rằng quá “tầm với” của trẻ bởi tâm sinh lý và sự nhận biết của các em chưa thể tiếp nhận được.
Như vậy, khi chúng ta đưa ra những phương pháp dạy cho trẻ nhận biết thì vô tình đã áp đặt các em phải tiếp nhận. Và tiếp nhận kiểu như vậy thì chẳng những không làm các em học thêm được nhiều điều mà còn… ngán ngại mỗi khi cha mẹ, thầy cô dạy những điều mới. Chúng tôi xin chia sẻ một số cách dạy trẻ của người Nhật để chúng ta cùng nhau suy nghĩ, lựa chọn cho mình phương pháp dạy thiết thực nhất.
Dạy trẻ biết tự phục vụ
Có những quan điểm sai lầm khi nghĩ rằng trẻ em lên 3 thì chưa thể làm được việc gì nên cha mẹ, thầy cô (nếu trẻ đã được gửi đi học) cứ phải chăm bẵm và làm thay các em. Vì vậy, cái “truyền thống” này cứ kế thừa từ đời này sang đời khác. Đó là một việc làm cần phải xem xét lại trên góc độ phát triển tri thức và khả năng tiềm ẩn của con người. Khi trẻ lên 3, các em đã biết tự làm một số việc để phục vụ cho bản thân, chẳng hạn như: Lau miệng, thay quần áo, tự ăn cơm… Qua nghiên cứu thực tiễn, các em ở lứa tuổi này đã biết làm những việc như vậy một cách đơn giản nhất. Và khi các em làm được điều này thì phụ huynh hay thầy cô luôn phải nhớ động viên, khuyến khích các em bằng lời khen “Ồ! Con mẹ đã biết tự ăn cơm thật giỏi! Con đã biết lau miệng, biết thay quần áo rồi…”. Sự động viên kịp thời và thường xuyên sẽ làm cho trẻ cố gắng hơn trong hành động mà trẻ được khen. Nên nhớ, đừng khen một cách chung chung kiểu “Con giỏi quá!” thì sẽ biến trẻ thành tự phụ.
Kiên nhẫn dạy trẻ
Một điều nữa mà các bậc phụ huynh dễ nản lòng khi dạy một lúc mà thấy trẻ lơ là, thiếu tập trung hay không muốn tiếp nhận thì hãy kiên nhẫn dạy trẻ tiếp nhận những điều mới trong cuộc sống. Đừng nôn nóng, vội vã hay bỏ cuộc để việc dạy đó bị dở dang và đứa trẻ cũng tiếp nhận một cách nửa vời. Như vậy sẽ không hiệu quả cho việc giáo dục cũng như giúp trẻ hiểu biết thế giới xung quanh. Cha mẹ cũng không nên dạy trẻ những điều quá sức tiếp thu của các em. Hãy dạy những điều thiết thực nhất từ thực tế và cần phải kiên nhẫn để làm cho các em hiểu, thực hành nhiều.
Luyện trí nhớ
Có một kinh nghiệm khá phổ biến của người Nhật qua những trò chơi trí tuệ, bởi người Nhật có quan niệm rằng “Người thông minh là người nhớ nhiều hơn người khác và biết áp dụng những điều ghi nhớ đó một cách hợp lí”. Vì vậy, việc luyện trí nhớ cho trẻ là việc làm cần thiết và thường xuyên để trẻ có thể tự học, tự nhớ qua những lần tham gia vào việc cùng học, cùng chơi với cha mẹ, thầy cô hay bạn bè. Việc luyện trí nhớ này sẽ giúp trẻ hình thành thói quen quan sát, ghi nhớ để có thể nhận biết và áp dụng vào thực tế sau này hiệu quả hơn.
Kể chuyện cổ tích cho trẻ nghe
Việc kể chuyện cổ tích cho trẻ không phải chỉ là hình thức giúp trẻ dễ ngủ hay dễ làm theo điều người lớn cần, mà qua việc kể chuyện cổ tích mang tính giáo dục và nhân văn thì việc liên tưởng và sự sáng tạo sau này của trẻ rất hữu ích để phục vụ cho cuộc sống. Nếu trong chuyện cổ tích có những thảm cỏ, xứ thần tiên thì ngoài đời các em sẽ thấy bầu trời xanh bao la với máy bay, phi thuyền thăm dò của phi hành gia; nếu trong chuyện cổ tích có ông tiên bà tiên phẩy tay để cửa tự mở thì thế giới này có những hệ thống cảm biến, các nút bấm tự động…
Duy An
Việc dạy cho trẻ những kiến thức thiết thực là điều cần thiết, nhưng dạy như thế nào và dạy ra sao mới là điều cần quan tâm và nhìn nhận một cách khoa học để giúp trẻ tiếp nhận đúng, đủ lượng kiến thức theo sự phát triển về tâm sinh lí lứa tuổi của các em. |
Bình luận (0)