Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy trẻ kiềm chế tính nóng giận

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh cần dành thời gian nói chuyện với trẻ để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Ảnh: N.Trinh

Rất nhiều bậc phụ huynh phàn nàn rằng con mình không có khả năng tự kiềm chế. Họ lo lắng rằng khả năng tự kiềm chế của trẻ kém không những ảnh hưởng tới đời sống học tập của con mà còn có thể tác động đến sự phát triển nhân cách sau này.
Gặp con trai (14 tuổi) tại cổng bệnh viện với gương mặt hốc hác xen lẫn tâm trạng hoảng sợ, chị Hà An (Q.1, TP.HCM) chưa kịp hỏi gì thì thằng bé đã phân bua: “Nếu con biết kiềm chế thì đâu đến nỗi bạn ấy phải vào bệnh viện như thế. Con đã quá hấp tấp, không suy nghĩ kỹ càng mà vội vàng đánh bạn gây thương tích. Bạn ấy có bề gì chắc con hối hận suốt đời”. Trao đổi thêm với cô giáo phụ trách lớp, chị Hà An mới được biết rằng vì quá giận dữ cộng thêm sự kích động như “đổ thêm dầu vào lửa” của nhóm bạn khiến con mình đã đánh cậu bạn ngồi cùng bàn khi thằng bé kia lỡ miệng bảo con chị là… con hoang.
1. Cuộc sống hiện đại có rất nhiều áp lực mà con người phải vượt qua, bởi vậy việc rèn cho trẻ khả năng kiềm chế nóng nảy, giận dữ khi mệt mỏi hay bực tức là rất quan trọng. Trong đời sống hàng ngày, có rất nhiều lý do khiến cho chúng ta không hài lòng, thậm chí bực bội, cáu bẳn mà những nguyên nhân ấy thường rất nhỏ nhặt. Gặp phải trường hợp như thế, nếu chúng ta không kiềm chế thì việc bé xé ra to, mâu thuẫn nhỏ thành mâu thuẫn lớn, hậu quả thì thật khó lường. Một người có khả năng kiềm chế là nhờ có kinh nghiệm sống, đã từng trải những thử thách tương tự. Còn trẻ do thiếu hiểu biết về cách ứng xử và chưa được trải nghiệm nên tâm lý chưa vững vàng, dễ bị kích động và giận dỗi.
Nguyên nhân sâu xa của những cơn giận dữ là do ở tuổi dậy thì có sự phát triển đột biến về cơ thể, quá nhiều năng lượng và cảm xúc mới trào dâng. Trẻ bước vào tuổi dậy thì thường chưa có khả năng kiểm soát hành vi, trong khi đó cảm xúc luôn thay đổi, biến động theo sự tác động của ngoại cảnh – đấy là căn nguyên của sự nóng giận bất chợt. Cơn nóng giận, bốc hỏa hầu hết thì vô hại và nhanh chóng qua đi, nhưng cũng khiến trẻ gặp phải những rắc rối, xung đột trong các mối quan hệ hiện tại và sau này.
Các bậc phụ huynh cũng cần phải nhận thức rằng, một trong những nguyên nhân khiến trẻ “bốc hỏa” chống đối là do sự ngăn cấm trực tiếp từ phía cha mẹ. Sự cấm đoán một cách thiếu căn cứ của cha mẹ (theo cách nghĩ của trẻ) sẽ khiến chúng rất bức xúc và phản ứng thái quá. Người lớn khi bực bội thường có nhiều cách để bộc lộ hoặc kiềm chế được cảm xúc và hành vi của mình. Song, trẻ không có khả năng “điều hòa” và biểu hiện ra ngoài bằng rất nhiều dạng với những cung bậc khác nhau: La hét, bỏ bữa ăn, ngồi lỳ trong phòng…
2. Kiểm soát được cơn giận luôn là một việc làm khó, nhất là đối với trẻ. Do đó, giúp trẻ vượt qua cơn giận, biết kiềm chế những hành vi bộc phát là việc làm quan trọng hình thành cho trẻ một đức tính biết kiềm chế, biết kiên nhẫn vượt qua những khó khăn là nền tảng thành công trên đường đời của chúng. Biết kiềm chế khi gặp chuyện không vừa ý ở trường học, gia đình hay ngoài xã hội giúp trẻ vận hành tốt các mối quan hệ xã hội và giúp trẻ không bị tổn hại đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất. Dạy trẻ những cách thức thư giãn để vượt qua cơn giận dữ, bực bội như nghe nhạc, xem phim hài hước, đi bơi, đạp xe…
Khi có được khả năng tự kiềm chế con người sẽ có tính độc lập cao, có chính kiến, ít chịu tác động của hoàn cảnh và người khác. Một người muốn thành công thì phải có khả năng kiềm chế cao. Quá trình hình thành tính tự kiềm chế không phải là việc riêng của trẻ, mà cha mẹ cần giáo dục nghiêm túc ngay khi trẻ còn nhỏ.
3. Tính nóng nảy không tự mất đi mà đòi hỏi phải có sự luyện tập và trải nghiệm để giảm dần. Quan tâm, khuyến khích, dành thời gian nói chuyện với trẻ, điều đó sẽ khiến trẻ cảm nhận được rằng bạn rất yêu thương chúng, từ đó làm cho trẻ có tính tích cực khi làm việc. Nếu cha mẹ thờ ơ, dửng dưng trước những việc mà trẻ đang cố gắng làm sẽ làm chúng cảm thấy thất vọng, sẵn sàng vứt bỏ việc đang làm, mà không thể theo đến cùng. Nếu trẻ đang tức giận ai đó, cha mẹ hãy khuyên trẻ bình tĩnh, im lặng lắng nghe xem đối tượng muốn nói gì rồi đặt mình vào vị trí của người đó để suy nghĩ. Như thế, trẻ sẽ thấy rõ được vấn đề và cách giải quyết nó một cách hợp lý nhất. Trẻ biết hài hước, nhìn nhận vấn đề trong tâm thế lạc quan, biết bao dung, độ lượng, tha thứ cho lỗi lầm của người khác cũng sẽ giúp trẻ kiềm chế được trong những tình huống cụ thể.
Lê Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)