Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy trẻ kỹ năng chú ý với công việc

Tạp Chí Giáo Dục

Muốn hình thành kỹ năng chú ý cho trẻ, cha mẹ cần phải nắm rõ khả năng thực của con. Ảnh: N.Trinh
Trẻ có thể chuyên tâm trong một nhiệm vụ nhất định hay không cũng không thể tách rời thái độ, biện pháp giáo dục của cha mẹ.
Vì sao trẻ không tập trung chú ý?
Chị Hòa An (Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Trong quá trình học tập, tâm trạng của con gái tôi (12 tuổi) lúc nào cũng lơ đãng “treo ngược cành cây”. Đang ngồi học môn toán, bỗng nhiên như nhớ ra điều gì, cháu lại lấy tài liệu môn địa lý ra xem qua rồi gấp lại một cách nhanh chóng như sợ hết thời gian. Một lát sau, cháu lại lấy tài liệu môn văn nghiên cứu. Vì thế, dù mất nhiều thời gian để học tập, nhưng tư tưởng bị phân tán nên con gái tôi tiếp thu nội dung bài không được bao nhiêu. Cứ đến mùa thi, cháu lại kêu than là căng thẳng, nhức đầu, học rất lâu mà chẳng nhớ được bao nhiêu”.
Trao đổi với chuyên gia tâm lý, chị Hòa An mới nhận ra rằng con gái mình đang thiếu các kỹ năng chú ý trong các lĩnh vực hoạt động như học tập, lao động. Nếu hiện tượng này kéo dài, con gái chị sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của bản thân. Do đó, gia đình cần phối hợp với thầy cô giáo luyện tập cho con gái thói quen tập trung và hệ thống những kỹ năng chú ý cần thiết. Có được những kỹ năng đó, con gái chị sẽ làm chủ được quá trình học tập, bình tĩnh giải quyết các vấn đề theo kế hoạch.
Những kỹ năng chú ý cần thiết cho trẻ
Học sinh tiểu học chỉ có khả năng duy trì chú ý nghe giảng và học tập từ 30-40 phút, học sinh trung học từ 40-50 phút… Nếu phải tập trung chú ý với cường độ cao và thời gian quá lâu thì thần kinh sẽ căng thẳng, mệt mỏi…
Cha mẹ phải nắm được khả năng có thực của con cái để xác định khối lượng chú ý lớn hay nhỏ, nhiều hay ít cho phù hợp. Thứ nhất là kỹ năng chú ý được nhiều đối tượng khác nhau trong cùng một thời điểm sẽ giúp cho trẻ bao quát được tình hình, thực hiện một cách sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, chủ động làm tốt mọi công việc. Đối với trường hợp con gái chị Hòa An, cha mẹ cần giúp cháu xác định rõ kế hoạch học tập bao nhiêu môn trong một buổi, các môn học đó được tiến hành xen kẽ hay thứ tự lần lượt? Mục đích đạt được sau mỗi buổi học là gì? Sử dụng những phương pháp nào để tiến hành học tập? Thực hiện những vấn đề đặt ra đó là phải  tùy theo năng lực và hứng thú của cháu… Thứ hai là kỹ năng phân phối chú ý vào nhiều đối tượng trong hoạt động. Đây là khả năng định hướng ý thức vào nhiều đối tượng trong hoạt động. Chẳng hạn, trong học tập môn tiếng Anh, người học vừa phải chú ý nghe giáo viên giảng, vừa phải chú ý ghi chép và dịch để hiểu nội dung bài học. Kỹ năng này không phải là chia đều ý thức vào các đối tượng. Đối với trường hợp con gái chị Hòa An, cha mẹ cần giúp cháu xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong học tập ở trường là nghe giảng và hiểu bài, còn việc ghi chép đã trở thành kỹ xảo, thói quen chỉ cần một sự chú ý nhỏ là đủ. Thứ ba là kỹ năng linh hoạt, mềm dẻo trong di chuyển chú ý. Đây là kỹ năng chuyển sự tập trung chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác kịp thời phục vụ nhiệm vụ mới. Như đối với con chị Hòa An, do phải tập trung vào nhiều môn học khác nhau, nên cha mẹ cần giúp cháu nhanh chóng chuyển từ vui chơi sang học tập, từ học thực hành môn này sang nghiên cứu nội dung môn khác. Rèn luyện kỹ năng di chuyển chú ý một cách linh hoạt giúp cho trẻ hành động nhanh nhẹn, khẩn trương, hoạt bát. Tuy nhiên, để thực hiện kỹ năng này hiệu quả, trẻ cần được nghỉ ngơi thoải mái, không quá căng thẳng bảo đảm sự tập trung chú ý cao vào những nhiệm vụ cần thiết. Thứ tư là kỹ năng duy trì ý thức vào đối tượng đã chọn. Đây là kỹ năng tập trung chú ý vào một đối tượng hoặc để giải quyết một công việc trong thời gian lâu dài. Tuy vậy, kỹ năng này phụ thuộc nhiều vào lứa tuổi. Học sinh tiểu học chỉ có khả năng duy trì chú ý nghe giảng và học tập từ 30-40 phút, học sinh trung học từ 40-50 phút… Nếu phải tập trung chú ý với cường độ cao và thời gian quá lâu thì thần kinh sẽ căng thẳng, mệt mỏi, chất lượng và hiệu quả sẽ bị giảm sút. Việc hình thành kỹ năng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tinh thần trách nhiệm, hứng thú, tâm trạng, sự hiểu biết, các phẩm chất ý chí và sức khỏe… của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến sức khỏe, tâm trạng của trẻ.
Lê Phạm (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai)
Cha mẹ làm gì để trẻ tập trung?
Thứ nhất, cha mẹ nên đảm bảo duy trì không khí gia đình vui vẻ, tránh người ra vào nhà quá đông, gây không khí ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học tập của con. Thứ hai, khi mua các loại đồ chơi, truyện tranh… cho con, cha mẹ nên mua vừa phải, để tránh việc con không muốn học mà muốn chơi, muốn đọc truyện. Trên bàn học không nên để các loại đồ vật khác nhau gây phân tán tư tưởng. Thứ ba, cha mẹ cần quy định thời gian để con phải hoàn thành bài tập, nếu bài tập quá nhiều, có thể chia ra, mỗi ngày làm một ít. Khi con đã hoàn thành một nhiệm vụ học tập, cha mẹ nên cho con thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, để tránh hiện tượng quá mệt mỏi mà sinh chán học. Cổ vũ con học tập một cách có hứng thú, say mê và tìm thấy niềm vui trong học tập. Thứ tư, sắp xếp thời gian và trình tự học tập hợp lý. Khoảng thời gian đầu khi ngồi vào bàn học trẻ ít tập trung, về sau sức tập trung tăng dần, sau 15 phút đạt đến đỉnh điểm. Căn cứ vào quy luật này, cha mẹ có thể cho con làm những bài tập dễ trước, bài tập khó làm sau.
 

Bình luận (0)