Các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua khiến dư luận thấy không yên tâm về cách ứng xử của các em với nhau cũng như cách dạy trẻ các kỹ năng tránh bạo lực. Đây được xem là một nỗi lo khi năm học mới sắp bắt đầu.
Giáo viên chủ nhiệm, giám thị… cần uốn nắn, rèn cho trẻ những kỹ năng cần thiết để phòng tránh bạo lực. Trong ảnh: Học sinh TP.HCM tham gia hoạt động hướng về biển đảo Việt Nam. Ảnh: N.Trinh |
Qua một số vụ bạo lực được quay lại và tung lên mạng, chúng ta thấy dường như có sự vô cảm, manh động của các em trong lứa tuổi lẽ ra nghĩ nhiều đến những điều tốt đẹp. Từ đây, nhà trường cần quan tâm dạy trẻ những kỹ năng cần thiết để không chỉ tránh được các vụ bạo lực trong nhà trường mà còn có cách ứng xử phù hợp cũng như có nhân cách tốt. Trách nhiệm này thuộc cả về gia đình và nhà trường. Tuy nhiên, ở góc độ trường học, cả giáo viên, giám thị… đều cần quan tâm đến việc uốn nắn, rèn cho trẻ những kỹ năng cần thiết. Đó là:
Biết yêu thương người khác
Các biểu hiện yêu thương người khác là biết quan tâm, chia sẻ với niềm vui nỗi buồn, sự việc khó khăn… đối với người khác, nhất là những người gần gũi với mình. Ở học sinh, đó chính là gia đình, thầy cô, bạn bè…; đặc biệt, với những trẻ học bán trú, bạn cùng học là những người gặp mặt thường xuyên, có nhiều dịp trao đổi, chia sẻ. Do đó, nhà trường cần giúp trẻ biết quan tâm lẫn nhau, chẳng hạn hiểu về hoàn cảnh gia đình của nhau, biết về sở thích, sức khỏe, sức học… Trẻ cũng cần được dạy để biết chia sẻ với bạn những sự việc bất ngờ, như vì sao bạn nghỉ học, khi bạn bị bệnh, bị tai nạn…; biết cách động viên, an ủi bạn khi có những điều không vui, không hay, chứ không phải lấy đó làm điều mừng; biết cách khích lệ, biểu dương bạn khi bạn có những thành tích hay được khen thưởng, chứ không lấy đó làm điều đố kỵ… Nếu giáo viên có sự chú ý, quan tâm đến học sinh của mình thì có thể kịp thời định hướng để trẻ làm những điều tích cực, khắc phục khi trẻ có biểu hiện chưa hay. Khi trẻ biết yêu quý bạn bè, quan tâm đến người khác hẳn sẽ khó có hành vi bạo lực.
Biết kiềm chế bản thân
Với học sinh, va chạm có khi chỉ vì hiểu lầm, vì ghen tức khi cảm thấy bị thua thiệ
Việc xử lý các vụ bạo lực học đường dù hợp tình hợp lý ít nhiều cũng gây ra những điều đáng tiếc. Vì vậy, tốt hơn hết là ngăn chặn để nó đừng xảy ra, mà cách tốt nhất là phòng ngừa từ chính các học sinh! |
t, thậm chí do yêu đương… mà mâu thuẫn bộc phát, dẫn đến hành vi bạo lực. Do đó, trẻ cần được dạy phải biết kiềm chế, để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Chẳng hạn, giáo viên nên thường xuyên cho trẻ thấy rằng, với các vụ bạo lực đã xảy ra, cả “thủ phạm” lẫn “nạn nhân” đều chịu thiệt thòi, như cha mẹ phải lo lắng, đau lòng, phía người vi phạm thì phải bồi thường thiệt hại, phải xin lỗi, phải chịu kỷ luật (thậm chí trường hợp nghiêm trọng còn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật), phía người bị hại phải chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần… Do đó, trẻ cần được học tinh thần “dĩ hòa vi quý”, hết sức kiềm chế và tránh những va chạm, xung đột không cần thiết.
Không xúc phạm người khác
Rất nhiều trường hợp bạo lực xảy ra khi có một sự xúc phạm đến người khác mà do trẻ thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, thậm chí cố ý gây ra. Đôi khi, sự xúc phạm chỉ là sự vô tình, như trêu ghẹo bạn, làm lộ một bí mật của bạn, nói lời chạm đến nỗi đau của bạn… Do đó, trong ứng xử, trẻ cần được dạy cách tôn trọng lẫn nhau với tinh thần “điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”. Có những biểu hiện chưa phù hợp trong ứng xử thì cần được uốn nắn ngay. Chẳng hạn, những câu tưởng rất đùa như “ê, bạn lùn kia!”, “cái thằng sáu sáu, bảy bảy” (tiếng lóng của “xấu xấu, bẩn bẩn”) cũng có thể gây ức chế, tổn thương đến bạn, cần phải tránh ngay.
Biết bảo vệ, bênh vực bạn đúng cách
Tinh thần chung là trẻ cần được dạy phương châm sống “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”, nhưng trong việc bảo vệ và đấu tranh phải đúng cách, đúng sức, hợp lý, hợp tình. Bảo vệ bạn không phải là bênh vực vô lối, khi bạn đã làm điều không đúng; bảo vệ bạn không có nghĩa là bao che cái lỗi của bạn; bảo vệ bạn không phải là làm tổn thương đến người khác… Bảo vệ bạn cũng tùy theo khả năng của mình, tùy vào hoàn cảnh cụ thể, tránh làm sự việc trầm trọng hơn, mâu thuẫn của bạn với người khác nặng nề hơn. Chẳng hạn, trong một cuộc tranh luận, bạn sai về lý nhưng tỏ ra muốn hành hung “đối thủ”, trong trường hợp nếu có thêm sự bênh vực, thêm một “đồng minh” thì càng khiến sự va chạm dễ xảy ra hơn. Dĩ nhiên, cần phê phán nghiêm khắc việc bàng quan, thờ ơ với tình cảnh của người khác, nhất là đứng bên ngoài còn xúi giục, kích động cho bạo lực xảy ra.
Biết nơi cần cầu cứu, xin ý kiến
Trong rất nhiều sự việc, bản thân trẻ không thể tự xử lý được tình huống mà cần có sự trợ giúp của người lớn. Do đó, trẻ cần được hướng dẫn rằng khi xảy ra “sự cố” thì có thể tìm đến với ai để làm “trọng tài”, để nghe lời khuyên thay vì tự mình giải quyết theo cách riêng, mà thường do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, trẻ có thể xử lý sai lầm. Trong trường học, khi cần thiết, trẻ có thể gặp giáo viên chủ nhiệm, giám thị, tổng phụ trách Đội, trợ lý thanh niên, chuyên viên tâm lý học đường… Khi có người cần trợ giúp, người được cầu cứu cần có mặt ngay và có biện pháp xử lý kịp thời, hợp lý, để dập tắt “ngòi nổ” có thể dẫn đến bạo lực.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)