Hội nhậpGiáo dục phát triển

Dạy trẻ nhiều điều hay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nằm sâu trong đường Tái Thiết, nhưng từ nhiều năm nay, Trường Mầm non 11 (Q.Tân Bình) vẫn là điểm đến tin cậy của rất nhiều phụ huynh trên địa bàn quận. Khuôn viên rộng rãi, thoáng mát; lớp học sạch sẽ, gọn gàng; trang thiết bị đáp ứng nhu cầu học tập và nhất là tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề của các cô giáo mầm non đã thực sự tạo được lòng tin của tất cả người dân và các ban ngành lãnh đạo.
“Cô ơi! Lớp chỉ còn mấy bạn, cô tắt điện đi thôi!”. Một em nhỏ lớp lá khẽ lên tiếng khi trong lớp chỉ còn vài bạn đang chờ ba mẹ đón sau giờ tan học. Khi một vài bóng đèn điện vụt tắt theo lời đề nghị, em nhỏ đã cười mà không hề biết rằng: Đó là “ý đồ” của cô giáo, giả vờ quên để học sinh nhớ tới chuyện tiết kiệm điện.
Lồng ghép hiệu quả các phương pháp giảng dạy

Cô và trò trong một tiết mục văn nghệ

Đó chỉ là một trong vô vàn những mẩu chuyện hàng ngày vẫn diễn ra ở Trường Mầm non 11. Hưởng ứng cuộc vân động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động, tập thể Ban giám hiệu, giáo viên nhà trường đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát huy tối đa những hiệu quả mà cuộc vận động mang lại, nhất là chủ trương chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Nhà trường đã trang bị các loại máy móc phục vụ quy trình chế biến thức ăn cho trẻ như các loại máy xay, thang nâng nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ và tiết kiệm nhân lực. Các giáo viên cũng trực tiếp soạn giáo án trên máy vi tính để tiết kiệm giấy in, có thể trực tiếp chỉnh sửa và sử dụng lại trong những năm sau thay vì phải in ra và nộp cho Ban giám hiệu như trước đây. Mặt khác, nhà trường cũng chủ động xin giấy in đã sử dụng một mặt từ phụ huynh để sử dụng mặt còn lại. Không chỉ thế, các giáo viên đứng lớp còn trực tiếp hướng dẫn trẻ lối sống thực hành tiết kiệm từ những thứ xung quanh như điện, nước, năng lượng… Cô Trần Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi thực hành lối sống tiết kiệm, nhà trường cắt giảm được tiền điện, nước gần 2 triệu đồng/tháng”. Quả là con số ấn tượng đối với một ngôi trường mầm non.

Tập thể giáo viên Trường Mầm non 11 (Q.Tân Bình) tại lễ tổng kết năm học 2011-2012

Không chỉ lồng ghép lối sống thực hành tiết kiệm trong các giờ học, nhà trường còn tận dụng tối đa những khoảng xanh trong khuôn viên trường để các cháu được khám phá những điều thú vị ở các tiết học ngoài trời. Nhờ bàn tay khéo léo sắp xếp của các cô giáo, khuôn viên trường luôn có đầy đủ các loại cây từ hoa, rau xanh cho tới các loại cây thuốc nam. Mỗi khi được ra vườn, trẻ đều thích thú khi nhìn cây chuối đang trổ buồng, giàn bí với những trái xanh lủng lẳng trên cao hay những giò hoa lan với nhiều màu sắc rực rỡ. Ngoài ra, trẻ còn được tự tay gieo trồng, chăm sóc, tưới nước cho các luống rau xanh trồng trong “Khu vườn của bé”. Nhờ hiểu được giá trị dinh dưỡng và chứng kiến sự lớn lên mỗi ngày của các loại rau trong vườn nên trẻ thường ít khi để thừa canh và rau trong các bữa ăn. Điều này đã góp phần khắc phục tình trạng trẻ dư cân, béo phì do ít ăn rau ở lứa tuổi mầm non, tiểu học hiện nay. Bữa ăn hàng ngày của các cháu cũng được các cô bảo mẫu nhắc nhở không để lại thức ăn thừa, tránh gây lãng phí.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động hướng các em tới giá trị truyền thống, làm quen với môi trường bên ngoài như xây dựng các góc trò chơi dân gian, hoạt động hưởng ứng Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc, giỗ Quốc tổ Hùng Vương, mua sắm trong gian hàng sách… Cứ vào dịp chuẩn bị tổng kết năm học, những bé học lớp lá lại được các cô giáo dẫn sang tham quan tìm hiểu môi trường học tập, sinh hoạt của trường tiểu học kế bên để tập làm quen với môi trường học tập mới khi chuẩn bị bước vào lớp 1.
Tích cực nâng cao năng lực giáo viên

Các bé được thỏa sức khám phá với những chiếc lá cây

Ngoài việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, giúp trẻ phát triển các kỹ năng, khả năng tư duy nhanh nhạy, Ban giám hiệu còn tạo điều kiện cho các giáo viên lớn tuổi nâng cao năng lực giảng dạy của mình bằng cách đi học các lớp nâng chuẩn ĐH (đối với nhũng giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng). Trong các buổi dạy, nhà trường khéo léo sắp xếp giáo viên mới nhận nhiệm sở được dự giờ, dạy chung với các giáo viên có kinh nghiệm lâu năm để bổ trợ kiến thức, hỗ trợ nhau trong quá trình giảng dạy. Trường còn phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề đổi mới giáo dục mầm non, tham dự các buổi hội thảo, tập huấn do Sở GD-ĐT, các trường mầm non tổ chức. Ngoài ra, trường đã tổ chức các chuyến tham quan học tập và triển khai có hiệu quả các chuyên đề đánh giá tổ chức hoạt động trong trường mầm non. Một số giáo viên cũng thực hiện chương trình Mindmanager vào việc lập kế hoạch giáo dục, được Tổ mầm non phân công thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm tại quận đạt kết quả tốt. Đối với cơ sở vật chất, nhà trường tiếp tục tăng cường bổ sung các trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, đồ chơi, vận dụng phù hợp với khả năng và điều kiện của nhà trường để đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt cho các cháu. Công tác xã hội hóa, tuyên truyền tới phụ huynh để họ hỗ trợ thêm các phương tiện, đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm lớp được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Không chỉ vậy, công tác hòa nhập đối với trẻ khuyết tật cũng được tập thể Trường Mầm non 11 đẩy mạnh nhằm đảm bảo không có trẻ khuyết tật nào bị thiệt thòi trong môi trường giáo dục.
Với những nỗ lực đạt được, tháng 3-2011, Trường Mầm non 11 đã được Bộ GD-ĐT công nhận là trường chuẩn quốc gia, Huân chương Lao động hạng ba trong giai đoạn mới. Bản thân Ban giám hiệu, giáo viên, CNV trong trường cũng vinh dự được nhận nhiều bằng khen của các cấp lãnh đạo TW và thành phố. Tuy vậy, các cô vẫn tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, yêu trẻ hơn nữa vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Tường Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)