Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Dạy trẻ ở xứ sở Nobel

Tạp Chí Giáo Dục

Đến Thụy Điển, chúng tôi được kể trẻ con khi làm sai, cha mẹ thường giảng giải, khuyên nhủ nhẹ nhàng hoặc an ủi trẻ, hạn chế dùng những hình phạt hoặc nặng lời với trẻ.

Dạy trẻ ở xứ sở Nobel - Ảnh 1.

Ở Thụy Điển, các đấng mày râu dù có uống bia cũng không được quên nhiệm vụ chăm con – Ảnh: C.NHẬT

Ngay cả với người trẻ đã tốt nghiệp đại học và bước qua tuổi trưởng thành, các bậc phụ huynh Thụy Điển vẫn sẵn sàng mở lòng trước những sai lầm của con, miễn là chúng biết đứng dậy và học hỏi từ đó.

Chấp nhận sai lầm của con

Gia đình ông Theodor (57 tuổi), một người dân ở Stockholm, từng bình thản chấp nhận việc người con trong nhà phạm phải một sai lầm liên quan đến pháp luật vài năm trước. 

Sự việc đó đã khiến tài sản gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng ông nói: "Chúng tôi tin con trai của mình chỉ nông nổi nhất thời trong công việc kinh doanh, chứ cháu không có chủ ý việc sai quấy đó. Rồi cháu sẽ trưởng thành hơn từ những va vấp". 

Và người con trai của ông bà Theodor hiện đang sống thành công, hạnh phúc với sự nghiệp riêng.

Câu chuyện của gia đình ông Theodor không phải dạng hiếm ở Thụy Điển. Vì điểm nhấn khá thú vị của giáo dục ở quốc gia Bắc Âu này là người ta khuyến khích giới trẻ thử những cơ hội cọ xát với thực tế cuộc sống, dù biết rằng có thể gặp nhiều rủi ro, và chấp nhận cả những sai lầm ở người trẻ.

Theo một khảo sát quy mô toàn thế giới được trang Usnews.com công bố vào đầu năm 2017, Thụy Điển xếp hạng nhất ở mục Chăm sóc trẻ em, hạng hai ở mục Chất lượng cuộc sống… 

Tại Thụy Điển, trẻ em được xem là một trong những đối tượng được ưu tiên hàng đầu. Mọi chính sách đều tập trung giúp trẻ phát triển tốt nhất ngay từ khi mới sinh cho đến lúc trưởng thành.

Ngoài môi trường xã hội thuận lợi cho việc phát triển tư duy độc lập, sáng tạo thì trẻ em và thanh thiếu niên trong khoảng từ 6 đến 19 tuổi (từ mẫu giáo đến trung học) được đến trường và ăn trưa miễn phí. Trong khi đó, trường đại học sẽ miễn học phí cho sinh viên đến từ các quốc gia trong khu vực EU. 

Việc tìm kiếm thông tin tham khảo trên mạng về hệ đại học tại Thụy Điển vô cùng dễ dàng, trình bày khá dễ hiểu…

Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động ngoài trời

Phụ huynh ở Thụy Điển dạy con những quy tắc xã giao căn bản nhất ngay từ lúc chúng còn rất nhỏ, ví dụ như chào hỏi, bắt tay, ôm hôn hoặc tự giới thiệu bản thân khi gặp người lạ; học cách ăn uống, sử dụng muỗng nĩa trong các bữa tiệc một cách thuần thục.

Tại trường học, trẻ được khuyến khích tham gia hoạt động ngoài trời từ rất sớm. Chẳng hạn, trong tám tiếng sinh hoạt tại trường mẫu giáo, trẻ có sáu tiếng ở ngoài sân chơi cùng bạn bè. Đó là những hoạt động giúp trẻ học cách tương tác cùng nhau, tìm hiểu thiên nhiên, môi trường và trở nên cứng cáp hơn… 

Từ đó, trẻ có ý thức từ những việc nhỏ nhất, như học được cách phân loại rác để bỏ vào thùng thích hợp, hay tự giác làm những điều có ích cho cộng đồng.

Trẻ em cũng được khuyến khích tham gia các hoạt động thể chất như đạp xe, bơi lội, đá bóng, trượt tuyết… để tăng cường sự dẻo dai và làm quen với lối sống lành mạnh. 

Trẻ cũng được cha mẹ dạy cách sống độc lập, như học cách nấu một số món ăn đơn giản ngay từ khi còn nhỏ. Cùng với chế độ nghỉ thai sản dài ngày, tại Thụy Điển, cha mẹ được khuyến khích tự tay chăm sóc con cái, không nên thuê người trông trẻ. 

Điều này sẽ giúp trẻ có cơ hội tiếp xúc, cảm nhận sự thương yêu từ cha mẹ. Việc thuê người trông trẻ là điều rất hiếm tại quốc gia này.

Sớm làm quen với văn hóa đọc

Ở Thụy Điển, trẻ em làm quen với văn hóa đọc từ rất sớm. Chỉ riêng trong năm 2014, có hơn 2.000 đầu sách được xuất bản riêng cho đối tượng độc giả nhỏ tuổi hoặc thanh thiếu niên (Thụy Điển chỉ có 9,8 triệu dân). Có rất nhiều thư viện được xây riêng cho trẻ.

Một trong số những thư viện nổi tiếng về việc kích thích sự chủ động học tập, sáng tạo ở trẻ là Rum för Barn tại Stockholm. Tại thư viện này, trẻ có thể tìm thấy các đầu sách được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ và tham gia các hoạt động đa dạng như vẽ tranh, làm đồ thủ công, ca hát…

C.NHẬT – B.MINH/TTO
 

 

Bình luận (0)