Từ điển tiếng Việt giải thích, trách nhiệm là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”, là “sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả”.
Vấn đề sống có trách nhiệm hiện nay được xã hội quan tâm. Trong ảnh: Học sinh lớp 12 tại Đồng Nai tham dự chương trình hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: M.Tâm |
Nói ngắn gọn, trách nhiệm là điều phải làm (chứ không đơn thuần là “nên làm”), phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình, nếu không sẽ nhận một hậu quả nào đó. Thí dụ, trách nhiệm của học sinh có thể xem là được “gói” trong 5 lời dạy của Bác Hồ: 1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. 2. Học tập tốt, lao động tốt. 3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. 4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. 5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Trong đó, trọng tâm là “Học tập tốt, lao động tốt”, nhưng cũng không được xem nhẹ những trách nhiệm khác.
1. Vấn đề sống có trách nhiệm hiện nay rất được quan tâm, bởi trong thực tế, có một bộ phận người sống thiếu trách nhiệm, cả với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Người sống thiếu trách nhiệm thì thường là người có những hành vi không chỉ không quý trọng bản thân, không tự vươn mình lên mà còn có thể gây hại cho người khác, tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Với học sinh, vấn đề trách nhiệm thoạt nghe có vẻ lớn lao quá, nhưng thực tế bản thân các em cũng phải sống có trách nhiệm để hoàn thành các yêu cầu của mình trong vai trò là người học, là một đứa con chưa đến tuổi trưởng thành trong gia đình. Không chỉ vậy, nếu vấn đề trách nhiệm của học sinh không được quan tâm thì khi lớn lên, sẽ rất khó yêu cầu các em trở thành công dân có trách nhiệm đầy đủ với xã hội, là thành viên có trách nhiệm toàn diện với gia đình. Thí dụ, học sinh có trách nhiệm phải học tập tốt (qua những việc cụ thể như học thuộc bài, hoàn thành các bài tập, vượt qua các bài kiểm tra, các bài thi…), thực hiện các yêu cầu của giáo viên và của nhà trường, chấp hành nội quy, kỷ luật trong trường học, ứng xử đúng mực với thầy cô, bạn bè… Nếu trẻ không được giáo dục đầy đủ về trách nhiệm thì lớn lên có thể không có được nền tảng tri thức phù hợp để tự tìm việc làm nuôi sống bản thân và tham gia xây dựng đất nước, không có thái độ ứng xử phù hợp với người khác (như kính già yêu trẻ, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, có lối sống lành mạnh, văn minh…).
2. Việc giáo dục trách nhiệm phải được thực hiện ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc rất cụ thể và đơn giản. Chẳng hạn, đối với bản thân, trẻ phải được giáo dục tự chăm sóc, tự phục vụ, tự bảo quản đồ dùng của mình, tự xử lý với những tình huống khó khăn… Những việc này cần được dạy dỗ cả trong gia đình và nhà trường, với những hình thức phù hợp, vừa bằng lời nói, vừa bằng thị phạm và nhất là làm gương của người lớn. Trong quan hệ, ứng xử với mọi người, trẻ cần được dạy thái độ tôn trọng người khác, kính trọng người già, nhường nhịn trẻ em, không trêu chọc mà phải biết giúp đỡ, động viên người có khuyết tật, tránh xúc phạm hoặc sử dụng bạo lực với người khác, nếu cần xử lý công bằng vấn đề gì đó thì nên nhờ thầy cô, người lớn cho ý kiến, biết nhận lỗi (và khắc phục hậu quả) khi có lỗi… Trong ứng xử với môi trường xung quanh, cần dạy trẻ chấp hành các nguyên tắc về an toàn giao thông, kỹ năng phòng tránh các rủi ro (như điện giật, cháy nổ, đuối nước…), bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường sống (như không vứt rác bừa bãi, biết dọn vệ sinh quanh chỗ học và nơi sinh sống…), biết tự bảo vệ hoặc xoay xở với một số tình huống nguy hiểm (như cướp giật, bắt cóc, trấn lột…), biết ứng xử đúng mực khi gặp đám tang, khi đi vào nơi tôn nghiêm…
3. Việc dạy học sinh sống có trách nhiệm không chỉ là nội dung trong chương trình của môn giáo dục công dân mà còn ở nhiều môn học khác, như ngữ văn, địa lý, lịch sử…, kể cả một số môn khoa học tự nhiên, đồng thời cần lồng ghép trong các hoạt động vui chơi, ngoại khóa. Đặc biệt, luôn cần có sự làm gương của người lớn, trong gia đình là cha mẹ, ông bà…, ở nhà trường là thầy cô, giám thị… Nếu người cha thiếu trách nhiệm với gia đình, với con cái, sống bê tha, hư hỏng thì không thể dạy trẻ có trách nhiệm với bản thân và người khác được; nếu trong trường học có thầy cô chưa ứng xử đúng mực với học sinh và đồng nghiệp, không gương mẫu trong việc giữ gìn vệ sinh… thì rất khó thuyết phục được học sinh thấy phải cần sống có trách nhiệm; nếu người lớn có sai mà không nhận lỗi, tránh né trách nhiệm, không khắc phục hậu quả… thì chỉ để lại gương xấu cho trẻ mà thôi.
Những chồi non của xã hội thực sự cần được dạy dỗ, uốn nắn về tinh thần sống có trách nhiệm, thì từ đó mới trưởng thành thành những người sống có trách nhiệm!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)