Dạy trẻ biết sống có trách nhiệm là việc làm thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đó là quá trình chứa đầy những khó khăn, vất vả, kể cả thử thách. Đòi hỏi ở cha mẹ rất nhiều sự kiên nhẫn và lòng yêu thương.
Học sinh TP.HCM tham quan triển lãm biển đảo Việt Nam – một hoạt động giáo dục các em về tình yêu quê hương đất nước. Ảnh: N.Trinh |
Nếu chỉ dừng lại ở những lời rao giảng mang nặng tính lý thuyết thì rất khó để trẻ thấu hiểu và chuyển thành hành động trách nhiệm. Vì thế, cha mẹ hãy thực sự khéo léo để trẻ dần thấm nhuần, thẩm thấu những bài học về trách nhiệm.
Giúp trẻ hiểu rõ trách nhiệm là không đổ lỗi
Để trẻ biết sống có trách nhiệm, không đổ lỗi khi vi phạm hay biết chuộc lỗi khi làm tổn thương người khác là điều mong muốn của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trong quá trình giáo dục trẻ, không ít bậc cha mẹ lại rất băn khoăn vì không phải đứa trẻ nào đều chịu thừa nhận trách nhiệm trước lời nói và việc làm của mình, mà thường đổ lỗi cho hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác. Sống có trách nhiệm là một phẩm chất tâm lý thể hiện sự tự giác được việc mình cần làm, ít cần đến sự hướng dẫn, sai bảo, ép buộc từ người khác. Đó cũng là khả năng trẻ tự ra quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Khi mắc lỗi hoặc gặp thất bại thì phải biết nhận lỗi và chủ động tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để phân công công việc cụ thể, yêu cầu trẻ phải tự chịu trách nhiệm phần công việc của mình, và không được đổ thừa cho hoàn cảnh vì bất cứ lý do nào.
Trách nhiệm cũng có nghĩa là nhiệt tình + hiểu biết
Tuổi trẻ luôn gắn với sự nhiệt huyết, sống hết mình vì bạn, hoặc vì những hành động nào đó mà trẻ ngưỡng mộ. Tuy nhiên, tinh thần trách nhiệm thể hiện cần có sự hiểu biết đầy đủ về cách thức hành động. Bởi thực tế có không ít em rất thích tham gia các hoạt động tình nguyện cũng như những hoạt động xã hội mang ý nghĩa thiết thực. Nhưng mong muốn vẫn chỉ là mong muốn vì những em đó không có đủ kỹ năng và hiểu biết nhất định để tham gia. Lênin từng nói đại ý rằng: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại”. Điều này thêm một lần nữa khẳng định rằng muốn giáo dục cho thế hệ trẻ biết sống có trách nhiệm thì cần phải trang bị cho các em một vốn kiến thức khoa học và những kỹ năng tương ứng.
Trách nhiệm là biết chia sẻ
Trách nhiệm với bản thân là điều trước tiên cần có đối với một người trẻ trong xã hội. Trách nhiệm là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”. Nhưng cũng cần dạy trẻ ý thức rằng sống có trách nhiệm là phải tích cực, chủ động, tự nguyện chứ không phải bị bắt buộc thực hiện một cách miễn cưỡng, khó chịu. Do đó, khi trẻ có hiểu biết, có kỹ năng thì trách nhiệm thể hiện ra ngoài đó chính là tinh thần chia sẻ với mọi người một cách tự giác với lòng bao dung độ lượng. Gia đình nên dạy trẻ sống có trách nhiệm qua những việc làm thiết thực và cụ thể như: Biết quan tâm tới cảm xúc của người khác và đối xử công bằng với họ, luôn nói sự thật, ngay cả khi nhận lỗi, làm theo lẽ phải ngay cả khi việc đó không như ý muốn hay phải từ bỏ những gì mong muốn… Trách nhiệm phải xuất phát từ trong suy nghĩ, thể hiện trong lời nói cũng như việc làm hằng ngày.
Không nên bỏ qua những sai lầm của trẻ
Dạy trẻ sống có trách nhiệm cũng có nghĩa là giúp trẻ thấy những sai lầm bản thân gặp phải. Do trẻ còn hạn chế về nhận thức và kinh nghiệm sống, nên hầu hết các em sẽ có những hành vi hay cách xử sự chưa đúng theo chuẩn mực. Cha mẹ phải chỉ ra cho trẻ thấy và rút kinh nghiệm từ những thất bại của mình. Đồng thời để trẻ được trải nghiệm những hệ quả của những hành vi chưa đúng chuẩn của mình. Chẳng hạn trẻ nói dối, hoặc xúc phạm làm tổn thương người khác hãy cho trẻ thấm dần cảm giác bị người khác lên án, tẩy chay, trẻ sẽ thẩm thấu và rút ra bài học. Mặt khác nếu trẻ thiếu trách nhiệm với bản thân, chẳng hạn như không làm đủ bài tập, không giữ gìn vệ sinh…, cha mẹ hãy khéo léo kết hợp các biện pháp trách phạt đúng lúc để vừa để trẻ thấy được sai sót của mình để khắc phục, vừa giúp trẻ biết có trách nhiệm với bất kỳ công việc nào mà mình trực tiếp thực hiện.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)