Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy trẻ thích đi bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình Ngữ văn 8 (tập 2) có văn bản Đi bộ ngao du (Trích Ê-min hay Về giáo dục) của Ru-xô – nhà văn, nhà triết học, nhà hoạt động xã hội Pháp. Dù ra đời từ năm 1762 nhưng đến nay vẫn rất ý nghĩa bởi đi bộ ngao du nói chung và lợi ích của việc đi bộ nói riêng. Những ngày qua, đọc câu chuyện Bỏ thói quen “một bước lên xe” đăng trên một tờ báo, tôi đã truyền cảm hứng cho học sinh của mình về lợi ích của việc đi bộ.

Ngoài chuyên môn (Ngữ văn), tôi còn dạy bộ môn kỹ năng sống cho học sinh. Tôi đã áp dụng khá nhiều bài báo để lồng vào chuyên đề sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai, đọc những bài báo cung cấp tri thức ngoài nội dung bài học, gieo vào tâm hồn các em lối sống đẹp qua những câu chuyện giáo dục, có những bài báo, tôi lại lồng vào kỹ năng sống ngay trong tiết học cho các em. Câu chuyện Bỏ thói quen “một bước lên xe” đã nêu lên được thực trạng đáng buồn ở nước ta. Đó là việc người dân, nhất là ở các thành phố lớn “ngại” đi bộ bởi nhiều lý do khách quan như: hoàn cảnh kinh tế, vỉa hè bị lấn chiếm và thiếu an toàn, tính chất công việc, học tập… Song với tôi, lý do đầu tiên và cũng là lý do quan trọng nhất là thói quen – ý thức của con người. Anh hàng xóm cách nhà tôi mấy căn có con học tiểu học (trường cách nhà khoảng một cây số), anh thường đi bộ đưa – đón con. Anh cho biết đi bộ như vậy để hai cha con cùng vận động nhiều hơn, có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng, có những người nhà gần trường mà vẫn đưa đón con bằng xe hơi, mục đích để khoe mẽ (gây ùn tắc trước cổng trường). Vô số dẫn chứng để chứng minh cho các thói quen xấu. Việc đi bộ nhiều sẽ tốt cho bản thân, gia đình và xã hội, thế nhưng, số người ý thức và hành động vì điều đó còn khá khiêm tốn. Chúng ta thường đổ lỗi cho những lý do khách quan, trong lúc đó khả năng đi bộ thì… cơ hội rất nhiều. Chỉ có “tư duy cũ” là bước cản của ý thức.

Với tôi, là một người thầy và cũng là người cha, từ câu chuyện trên, tôi càng đi bộ nhiều hơn; từ đó gieo cho học sinh và con cái mình tình yêu đi bộ bằng nhiều hình thức khác nhau. Mà để làm được điều này, trước hết bản thân tôi phải là một tấm gương thực thụ. Dẫu biết rằng, để thay đổi thói quen không phải là điều dễ dàng. Song, tôi tin rằng từ các tiết học kỹ năng sống, sức lan tỏa sẽ diễn ra ngay từ trường học và đến nhiều bậc phụ huynh khi con em về nhà chia sẻ. Dẫu khó nhưng không thể không làm!

Thái Hoàng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)