Trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp tình huống bất ngờ ngay từ nhỏ là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn nhất
|
Nhiều tình huống bất ngờ như gặp hỏa hoạn, bị bỏng, bị người lạ dụ dỗ… có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Vì thế, việc trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp tình huống bất ngờ cho trẻ ngay từ nhỏ là biện pháp bảo vệ an toàn nhất.
Những tai nạn có thể gặp
Ba mẹ đi làm, còn lại hai anh em Minh Tuấn và Quốc Việt (Q.3, TP.HCM) ở nhà chơi với nhau. Nửa buổi thấy đói bụng, Minh Tuấn dùng bình siêu tốc nấu nước sôi để pha mì ăn. Bình nước đặt dưới nền nhà vừa sôi tới thì Quốc Việt vấp phải khi đang chạy nhảy, chơi đùa với chú mèo con. Hậu quả là toàn bộ bàn chân phải của em bị bỏng nặng. Lo sợ ba mẹ la đánh nên hai anh em ngồi khóc. Một giờ sau, Minh Tuấn mới gọi mẹ về lo cho em. Lúc này toàn bộ bàn chân Quốc Việt đỏ rộp lên, không thể tự đi được nữa. Chị Hương – mẹ hai em – cho biết: “Hè năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi cứ lo vì không có ai trông nom con, trong khi hai đứa rất hiếu động, nghịch ngợm. Gửi đến nhà thiếu nhi để các cháu vui chơi, sinh hoạt hè thì cũng không hết các buổi trong tuần. Chúng tôi mong nhanh đến ngày đi học để hai cháu có cô giáo, bảo mẫu trông nom…”.
Chẳng có gì lạ khi “ba mẹ vắng nhà, con cái mọc đuôi tôm”. Trẻ có mọi điều kiện để thỏa thích chơi, nghịch phá nên khó mà lường được tai nạn xảy ra. Điều đáng nói là hàng năm, đặc biệt vào dịp hè luôn xảy ra các tai nạn như trẻ bị bỏng nước nóng, bỏng điện do thiếu kỹ năng phòng tránh và phần lớn là do xuất phát từ sự lơ là của người lớn. Ngoài những tai nạn trên, còn có những tai nạn khác như trẻ bị lạc người thân khi đi mua sắm, đi chơi, thậm chí cả trường hợp trẻ bị người lạ dụ dỗ bắt cóc. Nếu không tìm kiếm, phát hiện kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Như trường hợp bé Minh Quân (6 tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh) được mẹ dẫn đi chơi ở khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) vào ngày cuối tuần. Lo chen chân mua vé, chị Hà – mẹ bé Quân – quên dặn dò con đứng chờ và không để ý Quân ở ngoài đang làm gì. Mua xong vé quay ra chị tá hỏa vì không thấy con đâu. Chạy khắp nơi, nhờ hết người này đến người kia lẫn bảo vệ tìm cả giờ đồng hồ mà không thấy. Mãi gần trưa mọi người mới thấy cậu bé đang lủi thủi một mình nhìn ngắm các bạn chơi đùa. Chị ôm con mà khóc òa vì may mắn cậu bé không bị sao… Trường hợp bé Quân lạc khỏi mẹ cũng là bài học cho những ông bố bà mẹ khác.
Sớm trang bị kỹ năng ứng phó cho trẻ
Theo TS. Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), trẻ nhỏ rất vô tư, hiếu động, chưa hiểu hết và biết được sự nguy hiểm từ các tai nạn. Việc người lớn trang bị cho trẻ kỹ năng ứng phó với các tình huống bất ngờ như bị bỏng, thoát hiểm khi hỏa hoạn, bị lạc cha mẹ, thậm chí ứng phó khi bị người lạ mặt dụ dỗ… là điều hết sức quan trọng. Qua đó giúp trẻ biết lường tránh, biết xử lý tình huống, từ chối để đảm bảo an toàn cho bản thân.
TS. Vũ Thu Hương cho biết, đề phòng tránh trẻ bị bỏng, trước tiên nên căn dặn trẻ không chơi ở những nơi nguy hiểm thuộc khu vực bếp núc, tránh xa các dụng cụ nấu ăn, chứa nước nóng, không nghịch nước sôi, không nghịch hóa chất, không lại gần các ổ điện, tránh xa ống pô xe máy… Nếu chẳng may bị bỏng, không có người thân bên cạnh thì hướng dẫn trẻ ngâm vết thương vào chậu nước lạnh, sạch, đến khi không còn cảm giác đau rát. Nếu toàn thân bị bỏng thì không nên lột quần áo vì trong lúc nóng có thể làm tuột da, khiến vết thương nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị. Trường hợp chẳng may có hỏa hoạn thì tìm một chiếc khăn, áo to rồi nhúng vào chậu nước, úp lên đầu, cúi thấp đầu chạy ra ngoài vì khói thường bay lên cao. Vải ướt là tấm màng bảo vệ tốt để khói không bay vào mắt, mũi mà trẻ vẫn có thể chạy. Trường hợp bị lạc ba mẹ, phụ huynh dạy trẻ nên bình tĩnh, không chạy lung tung hay khóc lóc mà hãy đứng yên một chỗ để chờ vì ba mẹ sẽ quay lại chỗ cũ để tìm. Nếu bị lạc ở trung tâm mua sắm, khu vui chơi thì cần đứng yên một vị trí nhất định chờ xem ba mẹ có đến tìm không. Một lúc lâu không thấy thì nói với bảo vệ, người bán hàng gần đó nhờ thông báo người thân đến đón về. Trường hợp bị lạc ngoài đường nên nhờ người đi đường, công an… liên lạc về gia đình đến đón.
TS. Vũ Thu Hương cho biết thêm, đã có những trường hợp người lạ dụ dỗ trẻ bằng nhiều hình thức như cho quà bánh, giả danh người thân của ba mẹ đưa đón để bắt cóc trẻ, thực hiện các mục đích như buôn bán người, tống tiền cha mẹ… Vì thế, phụ huynh dạy trẻ tuyệt đối không nhận bánh quà của người lạ, không đi theo nhằm đề phòng quà bánh có thuốc mê, trúng mưu kẻ xấu. Nên từ chối khéo léo như “Ba mẹ cháu không cho phép nhận”. Sau đó tìm đến nơi có người lớn như bảo vệ, người bán hàng… nói rõ sự việc để tránh người lạ tiếp tục dụ dỗ. Nếu chẳng may bị cưỡng ép ăn quà bánh, lên xe thì phải la to, kêu cứu. Phụ huynh lưu ý trẻ không tin người lạ, kể cả người tự nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ, tên mình. Trong trường hợp nhận ra họ là hàng xóm, người quen thì nên thông báo với cô giáo, nhờ cô giáo gọi điện cho ba mẹ để xác minh xem có đúng ba mẹ nhờ người khác đưa đón không.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Việc người lớn trang bị cho trẻ kỹ năng ứng phó với các tình huống bất ngờ như bị bỏng, thoát hiểm khi hỏa hoạn… là điều hết sức quan trọng. Qua đó giúp trẻ biết lường tránh, biết xử lý tình huống để đảm bảo an toàn cho bản thân”, TS. Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ. |
Bình luận (0)