Ở nước ngoài, trẻ con được dạy kỹ năng tự bảo vệ mình ngay từ khi còn nhỏ. Khi ba mẹ hoặc ai đó xâm phạm thân thể, đánh đập trẻ, trẻ nghĩ ngay đến việc gọi cảnh sát (thông qua số điện thoại tổng đài) hoặc nhờ hàng xóm giúp đỡ. Chính vì lẽ đó mà giảm thiểu được nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.
Ở Việt Nam ta, quyền lợi trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 của Quốc hội. Năm 1989, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc được ban hành; Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Tuy nhiên hầu như trẻ em Việt Nam chưa được bảo vệ một cách đúng đắn. Rất nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục kinh hoàng đã xảy ra trong những năm gần đây, mà người xâm hại đều là giáo viên hoặc ba mẹ. Những vụ việc nhỏ thường bị rơi vào quên lãng vì tâm lý “con tôi đẻ, tôi có quyền đánh”, hoặc “dạy học thì phải đánh trẻ mới nghe lời”. Vì vậy người lớn vô tư hành hạ trẻ em như là cách được “hợp thức hóa” ngầm. Chính quyền địa phương ít can thiệp sâu, đa phần xử lý theo kiểu hòa giải. Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em địa phương tiếng nói chưa mạnh, không lên tiếng kịp thời cho quyền lợi của trẻ. Chỉ khi nào sự việc nghiêm trọng, báo chí lên tiếng, thì kẻ bạo hành mới chịu sự trừng phạt của pháp luật.
“Nước xa không cứu được lửa gần”. Thay vì cứ đợi đến khi có chuyện mới hô hào chống bạo hành, chống xâm hại tình dục, ra sức ngăn chặn theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã quá muộn. Cần phải dạy trẻ những kỹ năng ứng phó, tự cứu lấy mình. Trường học nên có những tiết ngoại khóa (kể cả mầm non) dạy trẻ đối phó với bạo hành, xâm hại tình dục bằng nhiều cách. Lấy ví dụ, nếu gặp nạn, nên tỉnh táo nhanh trí chộp ngay điện thoại gọi đến số 113 hoặc số công an địa phương, bỏ chạy, tự vệ, truy hô… để được hỗ trợ kịp thời. Ba mẹ ở nhà cũng nên thường xuyên dạy con đối phó với chuyện này như hạn chế tiếp xúc thân mật với người lạ, báo ngay cho cha mẹ hoặc ai đó quen biết khi bị xâm hại, đánh đập, chứ không nên giấu giếm…
Biết rằng đây chỉ là biện pháp “chữa cháy” ít khả thi vì không phải gia đình nào cũng có điện thoại sẵn cho trẻ dùng lúc nguy cấp, hoặc trẻ chưa đủ tuổi để hiểu biết nhiều việc. Tuy nhiên nếu giáo dục trẻ ngay từ lúc nhỏ, tất nhiên khi dần lớn lên, trẻ sẽ thay đổi tư duy: xử trí tình huống linh hoạt để thoát nạn, thay vì im lặng chịu đựng khiến cho vết thương tâm lý không bao giờ lành lặn được.
Trần Thái Học
(Bến Tre)
Bình luận (0)