Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy trẻ vượt qua nỗi sợ

Tạp Chí Giáo Dục

Thc tế cuc sng ca chúng ta hin nay có quá nhiu th thách…


Theo tác gi, trong nhà trưng, giáo viên tránh gieo tâm lý s hãi cho tr mà phi đng viên và ch ra cách đ tr không còn s vi các th thách có th xy ra trong cuc sng (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

1. Ở nhà thì lo thức ăn không bảo đảm vệ sinh, lo con cái mải mê điện thoại, máy tính mà bỏ bê việc học… Ra đường thì nơm nớp tai nạn giao thông, sợ cướp giật, hành hung, ngại ngần trước không khí ô nhiễm, hoang mang trước cảnh ngập nước sau một trận mưa… Vào chỗ làm thì sợ cấp trên phân biệt đối xử, sợ đồng nghiệp thiếu hợp tác, sợ đối tác/khách hàng “đánh giá 1 sao”, sợ vuột mất cơ hội tăng lương hoặc được khen thưởng, đề bạt… Chúng ta sống một cuộc đời mà luôn cảm thấy có nhiều thách thức, từ vấn đề an toàn của bản thân và gia đình, đến quan hệ xã hội; từ ứng xử với mọi người đến việc giải quyết các công việc khi tiếp xúc với cơ quan công quyền; từ việc học hành của con cái đến công việc ở công sở của chính chúng ta… Chúng ta lo lắng về thu nhập, về chất lượng cuộc sống, về tương lai của gia đình và con cái, về các cuộc “chạy đua” cho bằng chị bằng em…, kể cả chúng ta cũng không yên tâm với vấn đề đạo đức xã hội, về cái mà người ta vẫn gọi là “tiền nghiệp” do kiếp trước để lại, về sự tác động của các trào lưu trong đời sống hay một viễn cảnh đất nước, xã hội trong mươi năm nữa… Tất cả những điều đó đều là nỗi lo, nỗi sợ rất chính đáng. Chúng ta không lo sao được khi tất cả nó đều có tác động đến cuộc sống của bản thân, của con em mình. Trong một bối cảnh xã hội mà mọi thứ đang diễn ra rất nhanh, rất vội, tuy không phải có quá nhiều điều bất ổn nhưng thực tế có không ít điều khiến chúng ta chưa kịp thích nghi hoặc thiếu kỹ năng để thích nghi. Đã vậy, trong khi bao nhiêu điều của đời thực dường như đang vây lấy chúng ta thì một đời sống khác cũng tác động đến chúng ta không ít. Đó là đời sống trong không gian mạng. Những câu chuyện của ai đó mà ta đọc được trên Facebook vẫn có thể làm bản thân lo lắng; vài câu bình luận của bạn bè trong friendlist cũng có thể làm ta hốt hoảng; những dòng công kích về một status của ta cũng có thể khiến ta hoang mang… Không chỉ bản thân, con cái chúng ta cũng có thể là đối tượng chịu sự tác động, lôi kéo, dụ dỗ của ai đó, của thứ gì đó của cái không gian tưởng chừng ảo mà lại rất thực này.

2. Nhưng, có khi nào chúng ta lắng lại để tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời không? Chẳng hạn, chúng ta lo, sợ nhiều thứ như vậy nhưng bản thân đã có cách nào khắc phục không? Chúng ta có truyền cái lo lắng, sợ hãi đó cho con cái, cho người thân không? Chúng ta có tìm cách chỉ dẫn cho con cái cách vượt qua các thử thách đó không? Chúng ta có cảm thấy bất lực trước các thách thức vây quanh đó không? Hay chúng ta vẫn cứ lo nhưng hoàn toàn không giải quyết được điều gì trong cái-mớ-bòng-bong lo lắng đó? Chắc hẳn với mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau, nhưng người nào thấy an lòng nhất chính là người đã tìm được cách vượt qua được nỗi lo đó! Còn người nào càng lo thì lại càng thấy hoang mang, càng sợ thì thấy mọi thứ thêm phức tạp.

Có khi nào chúng ta phải xác định rằng mình phải sống chung với nỗi sợ hay là tìm cách vượt qua nỗi sợ? Sống chung thì nỗi sợ luôn thường trực trong cuộc sống của chúng ta, có thể khiến chúng ta khó có được cuộc sống thoải mái, thanh thản. Nếu bỏ qua nỗi sợ thì chúng ta có thể có được sự ung dung nhất định, nhưng các thách thức vẫn còn đó. Điều tích cực nhất có lẽ là tìm cách vượt qua nỗi sợ, đối mặt với cách thách thức bằng những cách thức, kỹ năng phù hợp. Bởi các thử thách của cuộc sống luôn đến với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, dẫu chúng ta sợ thì nó vẫn đến, dẫu chúng ta lờ nó đi thì nó vẫn hiển hiện, chỉ còn cách đương đầu và vượt qua nó một cách chủ động, hợp lý.

3. Trên thực tế, cuộc sống còn có biết bao thử thách khác mà chúng ta vượt qua để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, cho gia đình và nhất là cho con em mình. Nhưng thay vì sợ hãi, chúng ta nên nghĩ đến khả năng lớn lao của bản thân có thể vượt qua nỗi sợ đó, thay vì nhìn cuộc sống bằng một lăng kính xám xịt thì hãy nghĩ đến những khoảng sáng đẹp đẽ nào đó. Vì khi nghĩ đến những điều đó thì chúng ta sẽ thấy tự tin ở bản thân, sẽ thấy tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Và khi đó, chúng ta sẽ vượt qua được nỗi sợ!

Nhưng bản thân chúng ta chỉ tự vượt qua nỗi sợ của mình mà không dạy cho con em tâm thế, cách thức để vượt qua nỗi sợ là chưa đầy đủ. Ngay từ nhỏ, trẻ phải biết có những điều nên sợ, nên tránh và những kỹ năng để vượt qua nỗi sợ, để tránh các nỗi sợ đó. Thí dụ, trẻ ngày đầu đi học thường sợ rất nhiều thứ do không có ba mẹ, người thân bên cạnh; vậy thì phải tìm nhiều cách để cho trẻ thấy rằng ở trường có nhiều người tuy chưa quen nhưng đều là những người có thể tin cậy được, như thầy cô là người dạy dỗ, giúp đỡ nhiều thứ, kể cả những điều không liên quan đến bài học nếu con cần và có yêu cầu; hay bác bảo vệ tuy nghiêm nghị nhưng chính là người giữ cho trường học được trật tự, không để cho kẻ xấu vào trường…; các bạn tuy chưa từng gặp mặt nhưng đều cùng lứa tuổi, sau ít bữa làm quen sẽ chơi thân với nhau cũng như con đã từng chơi thân với đứa bạn hàng xóm; đồng thời nhấn mạnh rằng, ba mẹ tuy không có ở trước mặt con lúc con học nhưng ba mẹ luôn ở bên cạnh con, luôn quan tâm đến con, sẵn sàng có mặt khi con cần. Tức là phải làm cho trẻ thấy thực ra không có gì đáng sợ và mọi thứ sẽ dần trở nên bình thường.

4. Đương nhiên, một giải pháp quan trọng là phải trang bị cho trẻ những kỹ năng, cách thức ứng phó với các thử thách, tức là các hoàn cảnh có thể gây nên nỗi sợ. Nếu chỉ động viên suông mà không có những cách thức phù hợp thì cũng rất khó làm cho trẻ không sợ hãi. Thí dụ, với hành vi quấy rối của người khác thì trẻ phải được dạy đầy đủ thế nào là sự quấy rối và các hành vi nào được coi là quấy rối, nếu không thì trẻ sẽ không phân biệt được cử chỉ âu yếm với hành vi xâm hại. Đó là các hành vi cố ý đụng chạm vào các vùng, bộ phận của cơ thể mà chỉ bản thân trẻ hoặc một số ít người thân mới được đụng đến; là việc buộc trẻ phải phô bày thân thể hoặc buộc trẻ phải nhìn ngắm, sờ mó vào cơ thể của người khác một cách không bình thường; là việc buộc trẻ phải nghe những lời tục tĩu hoặc có tính chất khêu gợi hành vi tính dục… Trên nhận thức đó, giải pháp cần được quan tâm là “quy tắc đồ lót”, với tinh thần là phải dạy trẻ không để cho người khác chạm hoặc nhìn thấy khu vực đồ lót của mình, đồng thời không nhìn khu vực đồ lót của người khác. Đồng thời, khi ai đó có các hành vi, thái độ, cử chỉ thuộc các biểu hiện trên thì con phải báo ngay cho thầy cô, cho ba mẹ biết và không vì sợ hãi mà giấu điều đó khiến kẻ xấu tiếp tục có hành vi xấu với bản thân trẻ hoặc với người khác.

Như vậy, việc dạy trẻ biết sợ những điều gì và cách thức vượt qua nỗi sợ đó phải được quan tâm thực hiện thường xuyên và ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ. Trong nhà trường, giáo viên tránh gieo tâm lý sợ hãi cho trẻ mà phải động viên, khích lệ và chỉ ra cách để trẻ không còn sợ, biết cách ứng xử phù hợp với các thử thách có thể xảy ra trong cuộc sống.

Trúc Giang

Bình luận (0)