Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy trực tuyến: Khổ quen rồi nhưng lo về chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều giáo viên tâm sự, vất vả bao nhiêu khi dạy trực tuyến cũng có thể vượt qua, nhưng điều đáng lo là chất lượng dạy và học, dù rất nhiều công sức đã bỏ ra.

“Già sọm” vì nỗi lo dạy trực tuyến

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11), Trường tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) có một hoạt động rất lạ: thay vì chúc tụng, lễ lạt thì nhà trường tổ chức “ngày đồng cảm”. Ở đó học sinh (HS) và phụ huynh được trải nghiệm vai trò của người thầy; ngược lại giáo viên (GV) cũng ở vai trò của HS, phụ huynh để thấu hiểu và chia sẻ hơn với nhau…

Cô Vũ Hoàng Ly, GV Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Nói không hề quá lời, GV trường tôi mỗi lần nhìn thấy nhau đều thảng thốt vì ai cũng già sọm đi vì dạy học trực tuyến”.

Dạy trực tuyến: Khổ quen rồi nhưng lo về chất lượng - ảnh 1

Giáo viên chuẩn bị trước giờ dạy trực tuyến. ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo cô Ly, hầu như ai cũng phải thức đêm, dạy sớm, lao tâm khổ tứ để soạn bài, chấm bài. Dạy học ban ngày, soạn bài ban đêm rồi thường xuyên phải thức rất khuya chờ phụ huynh chụp bài tập gửi cho cô để kịp chấm, sửa, nhận xét cho HS vào hôm sau. Cô Ly cho biết mình thường xuyên thức dậy vào khoảng 4 giờ để chấm bài trực tuyến cho HS vì tầm đó mạng không bị quá tải. Chấm bài trực tuyến cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn vì nếu dạy trực tiếp, khi lên lớp vừa trả bài cho HS giáo viên vừa nhận xét từng em, còn dạy trực tuyến thì sự tương tác ấy hầu như không có nên phải nhận xét bằng ghi chép rất nhiều. Lớp của cô có 50 HS, để không “bỏ rơi” em nào, đòi hỏi cường độ lao động của GV rất khủng khiếp.

Cô Ly cho hay dạy trực tuyến thì bài dạy càng phải chuẩn bị công phu hơn vì thời gian rút ngắn, không ai có thể bê nguyên thời khóa biểu dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến được. Có những bài học trước kia dạy trực tiếp trong 80 phút thì nay chỉ còn 30 phút cho dạy trực tuyến nhưng GV vẫn phải dạy đủ kiến thức trọng tâm cho HS. Đó thực sự là một thách thức.

Nhiều GV nói có những nỗi khổ mà chỉ ai dạy trực tuyến mới hiểu. Một GV dạy lớp 1 Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), tâm sự có nhiều ngày chấm bài xong đến nửa đêm chờ mãi vẫn có người chưa gửi bài của con, vừa chợp mắt được một chút thì điện thoại lại reo vì phụ huynh lúc đó mới… nhớ ra gửi cô hoặc hỏi han tình hình của con, trong khi lúc đó đã là 1 – 2 giờ.

Dạy trực tuyến: Khổ quen rồi nhưng lo về chất lượng - ảnh 2

Học sinh trong một giờ học trực tuyến. QUANG VINH

Lo không biết học sinh “đang ở đâu”

Cô Phạm Thái Lê, GV dạy văn Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: Cô và các GV trong trường cũng tìm đủ mọi cách để nâng cao chất lượng nhưng để đưa ra một giải pháp tạm có thể gọi là “ổn” khi nói về dạy học trực tuyến thì cô khẳng định chưa thể thực sự yên tâm.

Cô Lê chia sẻ: Vất vả, áp lực khi dạy trực tuyến khổ mấy GV cũng chịu được và cũng dần thích nghi rồi. Nhưng lo nhất là không kiểm soát được chất lượng của HS. “Càng dạy trực tuyến càng tâm tư, đôi lúc đồng nghiệp của tôi có người bật khóc vì bất lực, cảm giác tủi thân, bài giảng của mình chuẩn bị bao nhiêu công phu mà không biết HS của mình “đang ở đâu” trong giờ học ấy”, cô Lê tâm sự.

Cô Vũ Hoàng Ly cũng nói vất vả của GV thì gấp nhiều lần nhưng chất lượng thực sự từ HS thì chỉ bằng khoảng tối đa… 30% so với dạy trực tiếp. Khi TP.Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, bố mẹ cũng làm việc ở nhà thì việc học của con phần nào có sự giám sát của cha mẹ nên hỗ trợ tốt hơn cho GV. Nhưng từ khi bố mẹ đi làm, chất lượng học trực tuyến đã giảm lại giảm thêm lần nữa vì hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tự học, tự giác của từng em.

Cô Ly cho biết mình có nhiều năm kinh nghiệm cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nên cũng bình tĩnh và tìm cách tự cân bằng, học cách chấp nhận nhưng nhiều GV trẻ mới vào nghề, kỳ vọng nhiều, áp lực nhiều, trong đó áp lực về thành tích và tỷ lệ HS giỏi, HS đỗ đạt… thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khủng hoảng khi dạy trực tuyến kéo dài, không “đong đếm” được chất lượng.

Cô Phạm Thái Lê cũng bày tỏ mong muốn lớn nhất là HS sớm được trở lại trường, không phải vì lượng kiến thức chương trình cần đạt mà là để “thời gian vàng” phát triển thể chất, tinh thần của HS không bị trôi đi theo cách như hiện nay. “Tôi nhận lớp từ đầu năm học đến nay thì thấy rất đáng lo lắng là các em ngày càng “lặng lẽ” hơn, ít nói cười, giao tiếp trong lớp học hơn. Có những em có dấu hiệu trầm cảm, thụ động hơn. Sức khỏe tinh thần của cả thầy và trò đều rất đáng lo ngại”, cô Lê nói.

Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)