Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo: Lợi bất cập hại ?

Tạp Chí Giáo Dục

Học kỳ II chưa kết thúc, phương án tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2009-2010 đang được Sở GD-ĐT hoàn tất khi một số trường tiểu học ngoài công lập đã tuyển sinh. Mối quan tâm hàng đầu của các phụ huynh lúc này là làm sao để con mình bước vào lớp 1 tốt nhất.

Một giờ vui học của các em Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Linh Tâm

Việc cho trẻ học trước được coi là cách trang bị có hiệu quả với khá nhiều người, bất kể quy định của ngành GD-ĐT là tuyệt đối không dạy trước chương trình (CT) với trẻ 5 tuổi. Có vô vàn lý do để trẻ "được" học trước…
Để trẻ không lạc lõng ?
Đó là tâm lý chung của hầu hết phụ huynh có con đang học mẫu giáo (MG) 5 tuổi thời điểm này. "Kinh nghiệm" được truyền miệng của một số phụ huynh là CT tiểu học hiện nay nặng, yêu cầu cao, lớp lại đông HS nên việc uốn nắn cho từng HS sẽ rất khó… khiến không ít người lo lắng. Chuyện hầu hết trẻ trong lớp đều đi học trước, thậm chí có trẻ đã đọc thông, viết thạo khi đang ở MG càng làm họ hoang mang. Và rồi, dù muốn hay không, cũng chẳng rõ đúng hay sai, nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học trước để phòng bị, với tâm lý là giúp con khỏi lạc lõng khi vào lớp 1.
Điều này không phải là không có cơ sở, bởi chính các cô giáo trực tiếp dạy lớp 1 cũng cho biết: Trẻ có thời gian làm quen với việc học sớm hơn thì thường tự tin hơn trong những ngày đầu đến lớp. Tuy nhiên, sau một thời gian, những trẻ này lại thường chủ quan, lơ là, dẫn đến kết quả học tập chưa hẳn đã tốt hơn những trẻ khác. Theo cô giáo Đào Phương Hoa, Trường Tiểu học Sài Đồng (Long Biên), phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm bởi theo cấu trúc và yêu cầu, CT lớp 1 có thể bảo đảm cho mọi trẻ bình thường về nhận thức và sức khỏe có thể đạt được những yêu cầu tối thiểu theo quy định vào cuối mỗi học kỳ. Cho trẻ học trước là bắt trẻ sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi, dễ đẫn đến việc sợ học hoặc lơ là, ảnh hưởng tới việc học về sau.
…và để được vào trường ngoài công lập có uy tín ?
Trong khi hệ thống các trường công lập mới rục rịch chuẩn bị cho công tác tuyển sinh thì các trường ngoài công lập có uy tín đã tổ chức tuyển chọn HS vào lớp 1. Đây cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh cho con học trước để dự tuyển. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội), việc tuyển sinh của các trường tiểu học công lập là theo địa bàn, việc thi tuyển được triển khai ở một số trường ngoài công lập có uy tín, thu hút số lượng lớn HS muốn theo học trong khi chỉ tiêu của trường có hạn.
Thực tế, việc lựa chọn một hình thức để lựa chọn ra những HS xuất sắc nhất trong số dự tuyển là cần thiết và hợp lý với các trường ngoài công lập có uy tín bởi tạo ra sự công bằng với mọi HS, bớt đi những chỉ tiêu phụ thuộc vào quan hệ, vào nguồn lực tài chính… Vấn đề còn lại là các trường tổ chức lựa chọn HS như thế nào? Có "phạm luật" không?
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Nguyễn Siêu cho biết, từ 3-4 năm nay, trường chuyển sang mô hình dịch vụ giáo dục trình độ cao, chất lượng cao, số lượng HS đăng ký theo học ngày càng lớn. Năm học 2009-2010, số hồ sơ dự tuyển của trường lên tới hơn 500 bộ, gấp hơn 3 lần so với chỉ tiêu. Để chọn được HS, nhà trường tổ chức các buổi giao lưu với HS để tìm hiểu kiến thức, kỹ năng theo CT MG của Bộ GD-ĐT, qua đó mã hóa thành điểm số cho khả năng nhận thức, trí nhớ, tư duy… Ngoài ra, nhà trường còn kiểm tra sức khỏe, năng khiếu học ngoại ngữ của HS. 
Còn ở Trường dân lập Đoàn Thị Điểm, chọn lọc HS dựa vào việc kiểm tra chỉ số IQ. Các bài kiểm tra không yêu cầu HS phải biết đọc, biết viết mà dựa theo CT MG 5 tuổi. Ví dụ như trong đề có vẽ 4 hình, yêu cầu HS tìm ra một hình giống với hình thứ 5; tìm ra các hình có cùng màu sắc; hoặc nối các hình vẽ giống nhau; phát âm không ngọng… Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, nếu HS hoàn thành tốt CT MG 5 tuổi có thể vượt qua được bài kiểm tra dễ dàng. Còn Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu khẳng định, việc chọn lọc HS không ưu tiên cho những HS đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, thậm chí, với những HS này, nhà trường thường kiểm tra kỹ, bởi không ít em đã khiến các cô giáo vất vả rất nhiều so với các bạn khác khi phải rèn lại, từ tư thế ngồi sao cho đúng, cách cầm bút, điểm đặt bút đến cách viết các nét cơ bản…
Những lo lắng của phụ huynh là điều dễ hiểu, song rõ ràng, sự quan tâm thái quá ấy không đem lại hiệu quả, mà trái lại, còn ảnh hưởng tới trẻ. Vấn đề còn lại là sự lựa chọn của phụ huynh.
Minh Đức (Theo HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)