Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy từ Việt cổ trong nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Theo như tôi biết, hin nay trong sách giáo khoa môn tiếng Vit hoc ng văn chương trình ph thông, t Vit c chưa đưc dy mt cách chính thc, vi tư cách là các bài hc c th.

Theo tác gi, dy t c trong nhà trưng còn là cách đ gi gìn s trong sáng ca tiếng Vit. Trong nh: Mt tiết hc môn văn ca hc sinh lp 12. Ảnh: Y.Hoa

Ở một số bài học, bài đọc, đôi khi một số từ nào đó được chú thích là “từ Việt cổ”, chứ học sinh chưa được dạy về sự kết hợp từ Việt cổ với từ Việt hiện đại, về quá trình “ẩn đi” của nó, về sự thay đổi nghĩa…, hay danh mục các từ cổ và nghĩa của nó. Chính vì vậy, có một số từ ngay cả giáo viên cũng không hiểu và gặp khó khăn trong việc giải nghĩa cho học sinh.

Thực tế, chúng ta có thể gặp rất nhiều từ cổ còn lẫn trong các từ ghép mà ta chỉ hiểu lờ mờ nghĩa của nó, thậm chí có những từ ta chỉ hiểu được thông qua từ mà nó kết hợp, chứ bản thân nó ta gần như không rõ nghĩa. Có thể kể: ắng trong im ắng; âu trong âu lo; bác trong câu tục ngữ “cờ bạc là bác thằng bần”; bách trong cấp bách; bành trong ghế bành; bấm trong bấm bụng; bẫm trong vớ bẫm; bẩn trong bẩn chật; bậu trong câu ca dao “lòng qua thương bậu, bậu tìm nơi nao”; bẽ bàng (mang nghĩa cổ); bẹo trong bẹo hình bẹo dạng; bét trong sáng bét; bĩ bàng trong câu “bĩ bàng trà rượu đã xong” (Lục Vân Tiên); bỏng trong bé bỏng; bợ trong bợ đỡ; cẩn trong cẩn xà cừ; chác trong bán chác hoặc đổi chác; chan trong chứa chan; chằn trong chằn tinh; chăng trong câu “nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha” (Truyện Kiều); chiêu và đăm trong đăm chiêu; chong trong chong đèn; chót trong chót núi… Theo ThS. Nguyễn Thị Hải Vân trong bài viết “Khảo sát từ Việt cổ trong văn bản truyện thơ nôm Nhị độ mai diễn ca”(1), một trong những nhà nghiên cứu đề cập sớm nhất liên quan đến vấn đề “từ Việt cổ” là GS. Đào Duy Anh, người đã dùng khái niệm “từ xưa” để chỉ “những từ hiện nay không dùng nữa”. Còn GS. Hoàng Xuân Hãn, trong công trình nghiên cứu “Văn Nôm và chữ Nôm thời Trần – Lê: Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử” đã đưa ra khái niệm về từ cổ: “Từ ngữ cổ là những từ ngày nay không dùng nữa, hoặc còn dùng trong một địa phương, hoặc còn sót lại trong một thành ngữ nào đó, hoặc còn dùng với nghĩa khác nhưng có liên can”. Trong Từ vựng học tiếng Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Giáp lại cho rằng từ ngữ cổ là những từ “đã hoàn toàn biến khỏi ngôn ngữ văn học hiện đại, những từ ngữ còn để lại dấu vết trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ vì chúng không được dùng độc lập nữa”. GS. Vương Lộc trong bài viết  “Henri Maspéro và công trình Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng Việt – các âm đầu” thì khẳng định: “Từ ngữ cổ là những từ: 1/ Chỉ còn gặp trong các tác phẩm cổ chứ không tồn tại trong tiếng Việt hiện đại; 2/ Gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng đã thay đổi ít nhiều về mặt ngữ âm (như bàn nàn thành phàn nàn, đam thành đem); 3/ Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng ý nghĩa đã bị lu mờ do chúng không còn dùng độc lập nữa (như han trong hỏi han, tác trong tuổi tác), hoặc đã thay đổi hoàn toàn về ý nghĩa; 4/ Còn gặp trong tiếng Việt hiện đại nhưng khả năng kết hợp có khác so với ngày trước (như ban trong ban già, ban muộn)…

Trong cuốn Từ điển từ Việt cổ, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc San viết về từ Việt cổ như sau: “Đó là những từ ngữ thuần Việt bình thường đã từng có thời gian được sử dụng phổ biến trong lời nói hàng ngày, nhưng đến nay qua thời gian sàng lọc chúng không còn được sử dụng mà chỉ còn tồn tại trong các tác phẩm cổ hoặc trong tục ngữ ca dao cổ mà chúng tôi gọi là các từ Việt cổ. Cổ với ý nghĩa là chúng đã mất đi trong ngôn ngữ hiện đại hoặc có xuất hiện thì cũng không còn giữ nghĩa cổ nữa, khiến người Việt hiện đại không còn hiểu được ý nghĩa của chúng, chứ không phải là những từ ngữ xuất hiện sớm nhất trong tiếng Việt”(2). Như vậy, từ Việt cổ không hẳn là những từ đã mất đi mà là những từ hiện vẫn còn dùng nhưng mang nghĩa khác với nghĩa gốc vốn có của nó, hoặc nó còn xuất hiện đâu đó khi kết hợp với các từ hiện đại mà nghĩa gốc đã bị mờ đi, khiến người ta khó xác định được nghĩa thực của nó.

Học sinh có được dạy các từ Việt cổ thì mới hiểu đúng nghĩa của nó. Chẳng hạn, với các thí dụ ở trên, ta có thể hiểu: ắng có nghĩa là “im lặng”, “dứt”; âu là “lo lắng”; bác là “bố”, “cha”; bách là “nguy ngập”; bành là “ghế đặt trên lưng voi, có tay vịn”; bấm là “nhịn”; bẫm là “mạnh”, “nhiều”; bẩn là “hẹp”, “túng”; bậu là đại từ nhân xưng ở ngôi thứ hai; bẽ bàng là “đơn chiếc”, “lẻ loi”; bẹo là “để lộ ra cho thấy”; bét là “hết cỡ”; bĩ bàng là “chuẩn bị”, “sửa soạn”; bỏng là “bé”; cẩn là “gắn vào”; chác là “mua”; chan là “dày đặc”, “nhiều”; chằn là “yêu quái”; chăng là “không”; chấy là “đốt cho chảy ra”; chiêu là “bên trái”; đăm là “bên phải”; chong là “để lâu”, “kéo dài”; chót là “điểm mút”, “điểm cuối cùng”(3)… Từ đây, ta sẽ thấy có những từ kết hợp cả từ cổ và hiện đại như im ắng, âu lo, ghế bành…; hoặc nghĩa đã thay đổi như bẽ bàng hiện có nghĩa là “hổ thẹn và buồn tủi vì cảm thấy bị người ta chê cười”; hoặc có trường hợp hiện diện trong khẩu ngữ là đôi khi ta ít để ý nguồn gốc của nó, như “già cóp thùng thiếc”, khi thực tế vì quá già nên đã bị hóp lại, như cái thùng thiếc bị móp…

Dạy và học từ Việt cổ còn là cách để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, khi người học, người đọc có thể hiểu đúng, dùng đúng tiếng Việt và phát huy cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Bởi trên thực tế, đã có trường hợp vì không hiểu đúng nên đã phê phán những người soạn sách giáo khoa, như câu chuyện “gà qué” dạo nọ. Đây thực sự là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc đưa vào chương trình học phổ thông một dung lượng và nội dung phù hợp về từ Việt cổ.

Trúc Giang

(1) Bài đăng trên Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 5-2018

(2) Nguyễn Ngọc San – Đinh Ngọc Thiện, Từ điển từ Việt cổ, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.6.

(3) Theo Từ điển từ Việt cổ, sđd.

Bình luận (0)