Sự kiện giáo dụcTin tức

Dạy và học có bình thường với cúm A/H1N1?

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi học sinh phải tự ý thức phòng bệnh thì trường học sẽ an toàn. Ảnh: C.Việt

Sau gần 2 tuần tựu trường, trên địa bàn TP.HCM đã có thêm hàng chục trường có học sinh nhiễm cúm A/H1N1 2009. Theo đó sự lo lắng của phụ huynh cũng tăng lên. Vậy các trường đã và đang làm gì để bảo vệ sức khỏe cũng như đảm bảo chương trình học tập cho học sinh…
Chủ động lập phòng y tế chống cúm
Ngày 18-8, Trường THPT tư thục Duy Tân phát hiện 3 học sinh dương tính với cúm A/H1N1 2009. Kế đến là Trường THPT dân lập Thanh Bình cũng có 7 học sinh nhiễm bệnh. Cơ sở 3 của Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến cũng phát hiện 3 học sinh nhiễm cúm. Song song đó là các trường THPT tư thục Hòa Bình và Trường THPT dân lập Quốc Văn – Sài Gòn…
Dịch bệnh không chỉ tấn công các trường nội trú mà ngay cả những trường học 1 buổi cũng “không thoát”. Hàng loạt trường công lập đã bị cúm A/H1N1 2009 “viếng thăm”, như Trường THCS Lam Sơn (Q.6), THCS Hậu Giang và THCS Chu Văn An (Q.11), Nguyễn Du (Q.1), THPT Lê Quí Đôn…
Từ thực tế trên khiến dư luận không khỏi nghi ngờ cho rằng các trường đã quá thờ ơ với công tác phòng chống dịch bệnh?
Về vấn đề này, ông Trần Quang Đình – Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Duy Tân cho biết: “Nhà trường đã thành lập phòng y tế bên ngoài khuôn viên của trường để khám, cách ly những học sinh có triệu chứng sốt, ho, tránh lây lan cho học sinh trong trường. Song song đó, đã tổ chức 3 khu nội trú tách biệt nhau để phân tán học sinh. Trong phòng ngủ của các em tạm ngưng sử dụng máy lạnh, tăng cường dùng quạt và mở cửa thông thoáng. Cấm học sinh không được mang thú nhồi bông, đồ ăn vào phòng ngủ. Học sinh chỉ sử dụng gối, mền do nhà trường trang bị. Đặc biệt, chúng tôi thực hiện nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP về việc phòng chống dịch bệnh…”.
Không “hoành tráng” như Trường Duy Tân là thuê hẳn một căn nhà ở bên ngoài để làm phòng y tế nhưng tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đều có phòng y tế để cách ly học sinh có dấu hiệu sức khỏe bất thường. Ông Lê Trọng Tín – Hiệu trưởng Trường Nguyễn Khuyến cho biết: “Chúng tôi đã bố trí một phòng riêng, học sinh sốt là đưa vào cách ly ngay. Trường đã phối hợp với y tế địa phương tuyên truyền kiến thức phòng bệnh cho toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh…”.
Mặc dù có số lượng trường nhiều nhất (gần 100 trường) nhưng đến nay Củ Chi vẫn chưa để xảy ra dịch bệnh trong trường học. “Bí quyết” này được ông Lê Hùng Sen – Trưởng phòng GD-ĐT huyện chia sẻ: “Ngành GD-ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 2009 từ cấp phòng xuống cấp trường. Ngành giáo dục phối hợp cùng ngành y tế tập huấn cho giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường. Chúng tôi đã đặt ra các tình huống giả định và cùng nhau xử lý. Trước ngày tựu trường, tất cả các trường đều được phun xịt đợt 1, đợt 2 bắt đầu từ nay đến 1-9. Về phía các trường luôn nêu cao ý thức phòng bệnh…”.
Có nên tạm ngưng hoạt động dạy – học?
Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm là trường đầu tiên có học sinh nhiễm cúm A/H1N1 2009. Ngay sau đó, trường đã bị biến thành bệnh viện “dã chiến”. Tiếp theo là Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, rồi Trường THPT tư thục Hòa Bình và Trường THPT dân lập Quốc Văn – Sài Gòn lần lượt trở thành bệnh viện “dã chiến” do có học sinh nhiễm bệnh. Còn Trường Duy Tân phải cho 800 học sinh về nhà từ 19 đến 25-8. Trường Thanh Bình cũng cho học sinh nghỉ học đến ngày 3-9… Riêng các trường công lập, ngoài Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các trường còn lại tuy không bị đóng cửa nhưng cũng phải tạm ngưng hoạt động của những lớp học có học sinh nhiễm bệnh. Điều này không chỉ gây lo lắng cho phụ huynh mà còn làm xáo trộn hoạt động của các trường.
Tại buổi họp “Rút kinh nghiệm & Tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 2009” do Sở GD-ĐT TP tổ chức ngày 20-8 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng không thể ngưng việc dạy học do có học sinh nhiễm cúm. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chương trình, chất lượng giáo dục nên chăng vừa học vừa phòng chống dịch bệnh…
Rõ ràng ý kiến của các trường không phải là không có lý và khó thực hiện. Bởi theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng I thì: “Tính đến thời điểm này, cúm A/H1N1 2009 còn nhẹ hơn cả cúm mùa. Có tới 80% bệnh nhân mắc bệnh và tự khỏi sau 5 – 7 ngày”.
Vả lại, chính TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP đã từng phát biểu tại hội nghị chuyên đề “Công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới 2009-2010” do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức mới đây, rằng: “Chúng ta không biết đến khi nào dịch bệnh cúm A/H1N1 2009 mới kết thúc nên không thể dừng, lùi ngày khai giảng năm học”.
Vấn đề của các trường bây giờ là “sống chung” với cúm A/H1N1 2009 như thế nào? Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho rằng: “Các trường cần giảm sự tập trung học sinh, giờ ra về giữa các khối lớp phải lệch nhau, hạn chế các trò chơi – lễ hội có đông học sinh. Tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của học sinh, em nào có triệu chứng bất thường thì nghỉ ở nhà để tránh đem bệnh vào trường lây cho các bạn…”.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)