Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy và học nghề: Quá nhiều rào cản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong một xã hội còn nặng tâm lý khoa cử, bằng cấp, có thể hiểu vì sao việc dạy và học nghề vẫn trầy trật. Song có nhìn sâu vào những chính sách ưu đãi cho đào tạo nghề hiện nay mới thấy các chỉ tiêu, giải pháp, kế hoạch… chưa đủ để người lao động thật sự chọn học nghề như một cách mở lối đi vào tương lai.
Học sinh tham quan xưởng thực hành của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tại ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2010 do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 27-2 – Ảnh: Minh Đức
Trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh thi đại học năm nay, sẽ chỉ có khoảng 20% được vào đại học. 80% sẽ đợi thêm một năm để theo đuổi giấc mơ đại học hay bước vào con đường học nghề? “Rất ít em nghĩ về con đường học nghề” – hiệu trưởng một trường nghề có tiếng ở TP.HCM chua chát nói. 
Kẹt lắm mới học nghề
Không chỉ ở thành phố, về các tỉnh cũng thấy không ít bậc cha mẹ cương quyết “kiểu gì con tui cũng phải vào đại học”. Đó cũng là tâm nguyện cả đời của ông Trần Thanh Phương, một nông dân ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, về cậu con trai duy nhất – em Trần Thanh Phước. Ngặt nỗi Phước hình như không có khiếu học, than mỗi lần ngồi học bài là nhức đầu, hoa mắt. Hệ quả là cậu thi rớt tốt nghiệp THPT. Cha em vẫn quyết tâm cho em ôn lại thi tiếp. Năm sau lại rớt.
Có người chỉ đưa vô trường nghề, học xong có thể liên thông lên cao đẳng rồi đại học, ông Phương đành chấp nhận phương án đi đường vòng. Năm nay Phước chuẩn bị ra nghề nhưng lại đòi đi làm chứ không học lên đại học. Ông Phương than thở: “Giấc mơ của tui tan thành mây khói”.
Chuyện nhà ông Phương kể ra cũng kết thúc có hậu vì con ông đã học được cái nghề. Nhưng không phải nhà ai ở ĐBSCL cũng được như vậy.
Con gái bà Lê Thị Bảy ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) là Nguyễn Minh Thư vừa thi tốt nghiệp lớp 9. Nhà nghèo, ông mất sớm, bà cố gắng cho con học tới nơi tới chốn để bằng chị bằng em. Ai dè chưa kịp vô lớp 10, Thư nói với mẹ: “Con nghỉ học đi học nghề uốn tóc”. Học xong, cô đi làm ba, bốn tháng ở một tiệm cắt tóc bên Cần Thơ rồi lại về nói: “Chán quá, thôi con đi học may”. Đi làm cho một cơ sở may gia công ở huyện nhưng thu nhập “bèo bọt”, cô lại nghỉ. Bây giờ cô ở nhà làm nội trợ. Bà Bảy buồn bã: “Thôi thì chờ đám nào tới rước”. Rốt cục, con bà vẫn không có được cái nghề.
“Phần lớn các bậc cha mẹ đều nghĩ con mình phải vào đại học mới nên danh phận, chứ học nghề thì đi làm mướn suốt đời” – ông Lữ Quang Ngời, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long, nhận xét. Cả tám huyện, thành phố của tỉnh đều có trung tâm dạy nghề nhưng số người theo học rất ít. Phần lớn học sinh cấp III sau khi nghỉ học đều muốn đi làm kiếm tiền, không nghĩ đến chuyện học nghề. Vì vậy, các em thường chọn những công việc thời vụ như chạy xe ôm, sửa xe gắn máy, bốc vác, may mặc, đan lát… 
Ngoảnh mặt với trường nghề
Nội dung cải cách hệ thống thang bảng lương, trong đó dự kiến mức lương theo hệ số trả cho lao động học nghề tương đương những lao động cùng trình độ trong hệ thống của Bộ GD-ĐT đang được dự thảo trong chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 và chiến lược phát triển thị trường lao động giai đoạn 2011-2020 do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo.

Nằm ngay mặt tiền quốc lộ 1A, đối diện Khu công nghiệp Hòa Phú, Trường trung cấp Nghề Vĩnh Long có cơ ngơi khá khang trang, có cả ký túc xá, nhà đa năng, xưởng thực hành. Học phí rẻ không ngờ 40.000đ/tháng, học viên lại được xét cấp học bổng, vay vốn ngân hàng, tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, ra trường được giới thiệu việc làm hoặc xuất khẩu lao động, được học liên thông lên cao đẳng, đại học…

Thế nhưng ngần ấy ưu đãi cũng chẳng làm cho phụ huynh và học sinh ngó ngàng. Thầy Trần Anh Tuấn – trưởng phòng đào tạo trường – cho biết năm nào tuyển sinh cũng trầy trật lắm mới đạt chỉ tiêu. Năm sau không cao hơn năm trước. Năm 2007 tuyển được 588 em, 2008 được 540 em, tới 2009 sụt còn 490 em.
Năm 2010, trường “rải” quân xuống tận các trường phổ thông trong tỉnh tư vấn học nghề nhưng kết quả không khả quan hơn bao nhiêu. Chỉ tiêu tuyển 500 nhưng tới giờ mới có 140 học sinh đăng ký. “Bà con mình thà vay tiền cho con học đại học với mức học phí 5-6 triệu đồng/năm (cao hơn gấp 10 lần) chứ không chịu cho con học nghề – thầy Tuấn bộc bạch – Tôi được biết chỉ riêng huyện Mang Thít đã có khoảng 2.500 học sinh học lỡ dở cấp III.
Các em tìm việc ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… nhưng chỉ là lao động phổ thông, làm được thời gian ngắn chịu không nổi quay về. Chúng tôi đã gửi thư mời tới tận gia đình các em động viên học nghề, đưa ra ưu đãi này nọ nhưng chưa chắc họ đã chịu”.
Ở Cần Thơ, Trường trung cấp Nghề Thới Lai cũng có những ưu đãi tương tự, nhưng học sinh vẫn thờ ơ. Thầy Phan Thành An – trưởng phòng đào tạo trường – cho biết năm 2010 chỉ tiêu tuyển là 300 học sinh hệ trung cấp, 420 học sinh hệ sơ cấp và “đạt 80% số này là tốt lắm rồi”. Trường tuyển sinh ở địa bàn ba huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Ô Môn, riêng số học sinh lỡ dở ở huyện Thới Lai đã gần 1.500 em. Nhưng nói chuyện học nghề thì chỉ 100-200 em chịu học.
Đủ loại rào cản
Theo TS Nguyễn Trọng – Trường cao đẳng nghề iSPACE, rào cản đầu tiên chính là thiếu sự phân luồng từ đầu. Ở Việt Nam, học sinh xem con đường từ mẫu giáo vào đại học là con đường tiến thân. “Lực lượng thanh niên có bằng tú tài ở Việt Nam coi việc không vào được đại học là một thất bại. Trong khi ở các nước tiên tiến, họ được xem là lớp trí thức, tài sản quý báu và được xã hội tạo cho nhiều cơ hội tiến thân” – TS Trọng tâm tư.
Đã tham gia hoạch định chính sách, chiến lược dạy nghề nhiều năm nay, ông Mạc Văn Tiến – viện trưởng Viện Khoa học dạy nghề – vẫn băn khoăn vì những chính sách kích thích dạy nghề dù được ban hành nhiều nhưng lại chậm thay đổi tư duy của người lao động về học nghề. Theo ông Tiến, tâm lý khoa bảng vẫn rất nặng nề, học nghề luôn là lựa chọn sau cùng.
Tâm lý khoa bảng này hiện vẫn đang được nhiều chính sách “ủng hộ kín đáo”. Ví dụ như chính sách tiền lương. Theo ông Tiến, hệ thống đào tạo nghề nước ta hiện do hai bộ cùng quản lý: Bộ GD-ĐT quản lý các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH quản lý các trường nghề.
Nhưng hệ thống thang bảng lương hiện tại được ban hành và áp dụng phổ biến trong nhiều doanh nghiệp và các cơ quan hành chính sự nghiệp lại xếp mức lương của những lao động học hệ cao đẳng cao hơn một bậc so với mức lương của những người cùng học cao đẳng nhưng là học nghề. “Nhiều nơi vẫn căn cứ vào hệ thống thang bảng lương này để trả lương và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Sự phân biệt đối xử này gây cảm giác học nghề là thấp kém” – ông Tiến nói.
Bên cạnh chuyện trả lương, việc thiết kế các chương trình đào tạo liên thông để người lao động có cơ hội học tập nâng cao trình độ cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội đối với họ. Tuy nhiên, hai bộ cùng quản lý dạy nghề vẫn đang loay hoay với việc này.
Quy định về việc liên thông từ học nghề lên các chương trình đào tạo cao hơn thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã có trong Luật giáo dục (năm 2005) nhưng tới nay vẫn chưa làm được. Lý giải chuyện này, ông Dương Đức Lân – phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề – cho rằng cách đào tạo của hai hệ thống giáo dục quốc dân và dạy nghề đang quá khác nhau, dạy nghề thì đào tạo theo môđun, hệ thống giáo dục quốc dân lại đào tạo theo tín chỉ. Khác biệt này đang cản trở cơ hội học tập suốt đời của người lao động.
Hai hệ thống lại chưa liên thông nên hiện tại người lao động tốt nghiệp trung cấp học nghề muốn học tiếp hệ cao đẳng của giáo dục đại học sẽ phải học lại từ đầu tất cả các môn, không được cộng dồn hoặc tính trừ đi các môn đã học trước đây. Vì vậy, cơ hội tiếp tục nâng cao trình độ chỉ mở ra với một số người, tạo nên tâm lý đã học nghề là suốt đời làm thợ, khó có cơ hội vươn lên.
Ông Nguyễn Hồng Minh – vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề (Tổng cục Dạy nghề) – cho biết một thông tư liên tịch giữa hai bộ đang được xây dựng. Theo dự thảo, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề có nhu cầu học tập lên trình độ cao hơn sẽ được công nhận kết quả học tập trước đây, không phải học lại những nội dung đã học khi chuyển sang học trình độ cao hơn cùng ngành nghề như hiện nay. Luật đã quy định, thực tế đòi hỏi ráo riết, nhưng bao giờ thông tư này được ban hành?
“Học phí hệ giáo dục thường xuyên chỉ có 65.000 đồng/tháng/học sinh mà học phí trường nghề mắc quá: 1,5 triệu đồng/năm đối với trường công, trường tư thục đến 3 triệu đồng/năm/học sinh. Nếu con tôi thi rớt lớp 10, chắc cho nó học hệ giáo dục thường xuyên chứ học nghề sao chịu nổi” – một phụ huynh băn khoăn trong buổi họp phụ huynh có con em lớp 9 đạt học lực từ trung bình trở xuống (Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, TP.HCM tổ chức mới đây).
Ông Phạm Ngọc Thanh – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – giải thích học phí học nghề cao do việc đào tạo nghề cần nhiều đến trang thiết bị, máy móc đắt tiền, đầu tư phương tiện học tốn kém hơn so với dạy văn hóa. “Hiện nay, Nhà nước đã có cơ chế cho học viên mượn tiền học nghề 8,6 triệu đồng/năm. Số tiền này vừa có thể đóng học phí, vừa có thể trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt trong thời gian học nghề. Tiếc là quy định này hiện ít người biết nên một số phụ huynh ngần ngại khi cho con em đi học nghề” – ông Thanh nói thêm.
Các đoàn thể địa phương đều có học bổng cho học sinh nghèo (học bổng Nguyễn Bá Ngọc, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, học bổng Nguyễn Hữu Thọ), chưa kể một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM còn trợ cấp học phí cho học sinh học nghề (Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Tân, Phú Nhuận, Q.8). “Chúng tôi chỉ lo phụ huynh không đồng ý cho con em đi học nghề. Nếu chọn học nghề mà gặp khó khăn gì thì cứ liên hệ với trường THCS (nơi con em mình đang học) hoặc phòng GD-ĐT sẽ được giúp đỡ tận tình” – ông Thanh cho biết.

__________

Những ông chủ chưa học xong lớp 9
Hiểu rõ “thân phận ngõ hẹp” đầu vào, nhiều trường nghề đã đầu tư tiền tỉ cho trang thiết bị để thu hút học viên. Từ đây đã có những học viên chưa học xong lớp 9 tự tin bước vào đời và trở thành ông chủ.
Ông Nguyễn Thành Hiệp – trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – cho biết 50% trong tổng số khoảng 50 trường trung cấp, cao đẳng nghề ở TP.HCM hiện nay đã có những thiết bị, công nghệ hiện đại với nhiều loại máy móc có giá tiền tỉ.
Tiền tỉ đầu tư
Trường cao đẳng Nghề TP.HCM đã đầu tư gần 1 tỉ đồng để mua một chiếc máy scan 3D – loại máy scan mô hình hiện đại nhất hiện nay mà các nước có công nghệ tiên tiến đang sử dụng. TS Nguyễn Trần Nghĩa – hiệu trưởng nhà trường – cho biết đây là chiếc máy duy nhất trong hệ thống trường nghề TP.HCM. “Với loại máy này, học viên sẽ tiếp cận ngay công nghệ cao trong quá trình học, phù hợp đòi hỏi của lĩnh vực công nghệ thông tin bậc cao. Chúng tôi cũng đã được ngân sách đầu tư gần 5 tỉ đồng để trang bị thêm nhiều loại máy hiện đại khác phục vụ việc học và dạy, nhất là để thu hút học viên trong mùa tuyển sinh năm 2010” – ông Nghĩa nói thêm. Từ năm 2003 đến nay, trường đã được đầu tư hơn 30 tỉ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia, chưa kể ngân sách địa phương cũng dành cho mục tiêu này.
Cũng với phương thức đầu tư mạnh dạn, mới đây Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng mua một chiếc máy cắt gọt kim loại – loại thiết bị cơ khí tự động hóa bằng chương trình lập trình. “Trước đây, do toàn học trên máy thủ công nên khi vào làm việc tại những doanh nghiệp có trang bị hệ thống máy tự động hóa, học viên rất lúng túng. Việc đầu tư này sẽ giúp học viên đáp ứng ngay yêu cầu hiện đại hóa” – hiệu trưởng Trường Hùng Vương Trần Văn Hai nói.
Không ít trường đã triển khai các chương trình nâng cao năng lực dạy bằng việc đào tạo giáo viên tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, mời giáo viên giỏi về trường, gia tăng giờ thực hành của học viên, đảm bảo học viên được thực hành với tiêu chí một học viên/máy. Trường cao đẳng nghề công nghệ thông tin iSPACE đã đầu tư 3.000 máy tính và hằng năm thay mới khoảng 1.000 máy để đáp ứng nhu cầu học tập. Từ năm 2008 đến nay, trường này đã cho “ra lò” hơn 20.000 bác sĩ máy tính. “Chúng tôi luôn coi việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, mời giáo viên giỏi về dạy là hàng đầu” – TS Nguyễn Trọng, hiệu trưởng iSPACE, nói. iSPACE hi vọng đạt chỉ tiêu tuyển sinh 1.200 học viên cao đẳng, 500 học viên trung cấp và khoảng 5.000 học viên sơ cấp trong năm học tới.
Tay nghề giỏi thì không sợ nghèo khó
“Hồi đó thi rớt tốt nghiệp THPT, tôi ghi danh học nghề sửa xe gắn máy ngay, không nghĩ đến chuyện ôn thi lại nữa” – anh Nguyễn Phúc Hậu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phúc Hậu, nhớ lại. Vừa học vừa phụ việc tại tiệm sửa xe của người anh, sau chín tháng anh Hậu vay 12 triệu đồng mua đồ nghề mở tiệm riêng, làm cật lực từ 6g-22g và trả hết nợ sau sáu tháng, rồi “ba năm sau ngày ra trường nghề, tôi đủ vốn mở tiệm lớn”. Bây giờ, Nguyễn Phúc Hậu là ông chủ quản lý 14 người thợ lành nghề với hai cửa hàng lớn (sửa xe, bán phụ tùng xe gắn máy) tại quận 1, TP.HCM. “Xã hội có người làm thầy, đương nhiên phải có người làm thợ. Trong bất cứ môi trường nào, nếu có tay nghề giỏi thì không sợ nghèo khó” – anh nói.
Cũng lận đận thi cử như anh Phúc Hậu, sau hai năm theo đuổi giấc mơ đại học không thành, Lê Minh Bằng đi làm công nhân, rồi nghe lời khuyên của ông chủ đi học nghề. Ghi danh học ngành cơ – điện tử Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, duyên may đến với Bằng khi Trường Hùng Vương cử anh tham dự cuộc thi học sinh giỏi nghề cấp thành phố. Năm ấy (2007) Bằng đoạt giải nhất. Sau đó, Bằng tham gia hàng loạt cuộc thi tay nghề giỏi, đoạt nhiều giải thưởng có giá trị (giải nhì cá nhân cuộc thi học sinh giỏi nghề cấp quốc gia, huy chương đồng cuộc thi tay nghề ASEAN, tốp 10 cuộc thi tay nghề thế giới – giải đồng đội cùng với Nguyễn Văn Hòa). Cả hai sau này đã làm đơn xin xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và được chấp nhận.
Ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), trên tỉnh lộ 848 (khóm Tân An, phường An Hòa) có cơ sở sản xuất cửa nhôm Thanh Tùng. Ít ai ngờ ông chủ cơ sở này, anh Huỳnh Thanh Tùng (30 tuổi) chỉ mới học xong lớp 4. Quê ở An Giang, nhà nghèo, em đông, năm 15 tuổi Tùng đã nghỉ học, rời quê đến Sa Đéc làm mướn kiếm sống. Nhờ người cậu ruột đỡ đầu, Tùng vào làm ở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Anh siêng năng, vừa làm vừa học nghề sản xuất, lắp ráp cửa nhôm, chỉ năm năm sau đã trở thành thợ lành nghề, có thể chỉ huy nhóm thợ làm công trình lắp cửa nhôm cho nhà cao 3-4 tầng. Năm 2009, Tùng mở cơ sở sản xuất cửa nhôm của mình. Tùng cho biết anh đang làm 10 công trình lắp ráp cửa nhôm, có trong tay năm công nhân, trả lương mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng, có thợ lương 3 triệu đồng/tháng. Bằng cấp duy nhất mà Tùng có là bằng lái ôtô được cấp năm 2004.
Anh Trần Minh Hải, một ông chủ cửa hàng điện thoại di động làm ăn khá phát đạt tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ), cũng nghỉ học từ năm lớp 8, theo học nghề sửa điện thoại di động. Trong lúc làm thuê, nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, anh vay vốn 5 chỉ vàng mở cửa hàng vừa sửa chữa vừa bán điện thoại. Nhờ tay nghề khéo léo, khách hàng đến cửa hàng anh ngày càng đông. Sau ba năm, anh trả được nợ. Anh chia sẻ: “Người ta nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh thiệt đúng. Tui học muốn chết mà chữ nghĩa nó vô bên đây rồi qua bên kia, vậy mà ba tui cứ ép vô đại học. Nhưng học sửa điện thoại mê lắm, như thể hạp nghề, trúng ý rồi theo luôn”.
Ông Lữ Quang Ngời – phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long – cho biết ở Vĩnh Long cũng có hàng trăm ông chủ cơ sở hàn, tiện, điện lạnh, cơ khí… chưa học xong bậc phổ thông. Họ đều chọn việc học nghề và có tay nghề cao, tính toán làm ăn rất giỏi và trở nên giàu có.
Thực tế thị trường lao động cho thấy có học viên trường nghề mới học xong đã được nhận về làm việc và trả lương từ 3.000-5.000 USD/tháng, cũng có lao động trong tay hai bằng đại học vẫn chỉ thu nhập 200 USD/tháng.
Tạo cơ hội làm việc tại nước ngoài cho lao động học nghề
Dịch chuyển lao động trong khối ASEAN là mục tiêu của các nước thành viên trong tương lai gần. Người lao động Việt Nam sẽ dễ kiếm việc hơn nếu được các nước thừa nhận bằng cấp đào tạo. Tổng cục Dạy nghề cho biết lộ trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề đang được thực hiện.
“Việt Nam hiện có 301 nghề trình độ cao đẳng, 385 nghề trình độ trung cấp. Từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng tiêu chuẩn cho khoảng vài trăm nghề vì việc này không dễ. Năm nay đang làm thí điểm ba nghề của ngành than là khai thác mỏ, cơ điện mỏ, hầm lò” – ông Dương Đức Lân, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết. Đơn vị này đang cùng Tập đoàn Than – khoáng sản đánh giá, kiểm tra người lao động để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia (hệ thống chứng chỉ hiện tại là của các trường) vào cuối năm nay.
Trước mắt sẽ có 21 nghề được thí điểm cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bao gồm những nghề khá phổ biến. Có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ của học sinh học nghề giữa các nước, từ đó mở rộng cơ hội tìm việc làm cho người lao động. Hiện nay, do chưa được công nhận, người lao động Việt Nam rất thiệt thòi.

__________

Cần thêm cú hích
Thước đo quan trọng nhất đối với một chương trình đào tạo là học sinh (HS) tốt nghiệp có việc làm hay không, sau khi được tuyển dụng khả năng nắm bắt công việc ra sao.
Việc làm: thước đo quan trọng
Hiện tại ở nhiều nước, hệ thống quan sát nhu cầu lao động thông qua trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia được vận hành tốt đã gỡ được nút thắt khác biệt giữa đào tạo và sử dụng. Những trung tâm dự báo này ngoài việc phân tích các con số báo cáo còn thực hiện điều tra tới từng doanh nghiệp để có được con số định lượng về nhu cầu lao động trong từng nhóm ngành nghề, dự báo được xu hướng vận động của thị trường lao động.
Việt Nam đã có Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực quốc gia được “nhập khẩu” từ Mỹ qua một dự án từ năm 2005. Tới nay dự án đã kết thúc, trung tâm này tuy đã ra đời song vẫn chưa làm đúng chức năng của mình.

Ban liên lạc cựu HS Trường cao đẳng nghề Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) đã hoạt động nhiều năm nay, giữ liên lạc với tất cả HS đã ra trường. “Đó là kênh phản hồi tốt nhất của chính chủ sử dụng lao động với kết quả đào tạo của trường và cũng là cách để biết HS tìm việc có dễ dàng không sau khi tốt nghiệp – ông Đức, một người trong ban liên lạc, nói – Nếu HS tốt nghiệp đi phỏng vấn 2-3 lần mà vẫn chưa có việc làm, chúng tôi coi đó là vấn đề của mình, phải hỏi các em để có thể đào tạo lại các kỹ năng”.

Đây không hoàn toàn là chuyện về hoạt động của một ban liên lạc cựu HS. Nó còn là cách lắng nghe của trường nghề về những phản hồi của xã hội đối với sản phẩm đào tạo của họ. Thực tế cho thấy chưa có nhiều trường nghề hiện nay làm được điều này.
“Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp” là một cụm từ được nhắc đến nhiều trong mấy năm gần đây. Năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức một hội nghị toàn quốc về vấn đề này. Nhu cầu lao động của sáu tập đoàn, tổng công ty lớn giai đoạn 2008-2012 công bố trong dịp này cho thấy họ cần tới 90.000 người, nhiều nơi cần số lượng rất lớn như Khu kinh tế Chu Lai (34.000 lao động đã qua đào tạo nghề tới năm 2015), Khu kinh tế Dung Quất cần 28.000 lao động…
Nhiều trường nghề đã hợp tác với doanh nghiệp theo cách trường đào tạo lý thuyết – doanh nghiệp dạy thực hành, nhưng đây mới chỉ là những hợp đồng nhỏ lẻ. Về tổng thể để thị trường lao động chấp nhận HS học nghề như một sản phẩm hoàn chỉnh đủ tiêu chuẩn xuất xưởng, các trường nghề phải xây dựng những kênh riêng để lắng nghe phản hồi một cách chân thực, từ đó tự điều chỉnh cách đào tạo của mình. Vấn đề là do thiếu cơ chế khuyến khích nên nhiều trường làm tốt có cảm giác họ không được đối xử bình đẳng. Ông Dương Đức Lân – phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề – thừa nhận điều này. Theo ông Lân, do chưa xây dựng được hệ thống đánh giá tiêu chuẩn nghề quốc gia và hệ thống kiểm định các trường dạy nghề nên hiện tại trường tốt và trường không tốt chưa được công khai.
Học gì dễ kiếm việc?
Kết quả đào tạo năm 2009 cho thấy nghề có số lượng trường đào tạo và đăng ký học nhiều nhất là điện công nghiệp (99 trường đang đào tạo), hàn (93 trường), công nghệ ôtô (73 trường), điện tử công nghiệp (48 trường), điện dân dụng (55 trường). Nghề có số lượng trường đào tạo ít nhất mang tính đặc thù của một số ngành là thông tin tín hiệu đường sắt, công nghệ sản xuất bột giấy và giấy, kỹ thuật thiết bị y tế.
Tổng cục Dạy nghề cũng công bố một số nghề và nhóm nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao từ nay tới năm 2012 là thợ dệt, may, thợ thuộc da và làm giày, thợ vận hành máy và thiết bị, thợ cơ khí và lắp ráp máy móc, thợ xây dựng, chế biến đồ gỗ, điện, điện tử, thủ công mỹ nghệ… Một số nghề, nhóm nghề đang rất thiếu lao động như lập trình viên, điện, cơ điện tử, chế biến nông sản. Nhiều ngành đang có nhu cầu cao về lao động đã qua đào tạo nghề như xây dựng, thương mại và dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác…
Tuy vậy, những công bố này còn rất chung chung đối với các đơn vị đào tạo. Bởi cơ quan quản lý chưa dự báo được nhu cầu nhân lực tương đối chi tiết ở từng ngành nghề hoặc nhóm ngành nghề. Do vậy, các trường nghề sẽ vẫn đào tạo lao động theo năng lực mà khó nắm bắt được nhu cầu thật sự của thị trường lao động. Người học nghề lựa chọn theo cảm tính mà chưa được tư vấn dựa trên những số liệu định lượng cụ thể. Đào tạo nghề theo cách này có thể nâng được tỉ lệ lao động qua đào tạo trong tổng lực lượng lao động trong… báo cáo tổng kết, nhưng người lao động có dễ kiếm việc và làm tốt nghề mình được đào tạo hay không vẫn là một câu hỏi rất khó.
Theo Tổng cục Dạy nghề, tới hết tháng 5-2010, cả nước ta có 2.052 cơ sở dạy nghề, trong đó có 55 trường cao đẳng nghề, 242 trường trung cấp nghề, 632 trung tâm dạy nghề và 1.123 cơ sở giáo dục, dạy nghề tại doanh nghiệp và các làng nghề. Trong đó có 789 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, hàng trăm cơ sở dạy nghề không chính thức như các cơ sở dạy nghề truyền thống hoặc các trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống này có năng lực đào tạo nghề cho 1,7 triệu người mỗi năm. Hệ thống dạy nghề này không bao gồm các trường do Bộ GD-ĐT quản lý.
Năm 2010 dự kiến sẽ tuyển sinh từ 1,7-2 triệu HS học nghề (tăng 18% so với năm 2009). Trong đó có 90.000-130.000 HS hệ cao đẳng nghề, 180.000 HS trung cấp nghề. Các hệ đào tạo ngắn hạn dưới một năm dự kiến đào tạo cho khoảng 850.000 người, dạy nghề dưới ba tháng cho khoảng 850.000 người.
Theo Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)