Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy và học ngoại ngữ 2016-2020: Không làm vội, làm ẩu

Tạp Chí Giáo Dục

“Cần xác định đúng, rõ lộ trình và các nhiệm vụ ưu tiên trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng dạy – học ngoại ngữ. Đối tượng nào, khu vực nào chưa chuẩn bị kịp thì không tạo áp lực."

Ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phát biểu như vậy tại hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020” do Bộ GD-ĐT vừa tổ chức.

Dạy và học ngoại ngữ 2016-2020: Không làm vội, làm ẩu

Theo ông Nhạ, "cần phải chuẩn bị tốt trước khi triển khai trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không làm vội, làm ẩu, tránh làm đi rồi phải làm lại. Các địa phương, đơn vị chủ động đề xuất lộ trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy – học ngoại ngữ của địa phương mình”.

Bộ trưởng khẳng định sẽ ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp, theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế.

Tại hội thảo, TS Hồ Thị Mĩ Phương, giám đốc Trung tâm RETRACK SAMEO, cho rằng: “Muốn đạt được mục tiêu thanh niên Việt Nam tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, cần tạo ra nhiều cơ hội giao lưu quốc tế cho thanh niên. Không cần tăng giờ dạy chính khóa vì sẽ tạo ra nhiều áp lực cho nhà trường, nên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy học ngoài giờ, phát triển cộng đồng học tập tiếng Anh”.

Tương tự, TS Trần Xuân Thảo – Trường đại học Tôn Đức Thắng – đưa ra ý kiến: “Phổ cập tiếng Anh là cần thiết và cấp bách, cần phải tăng cường xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cũng như các điều kiện phục vụ phổ cập. Bên cạnh việc tổ chức lại và nâng cao chất lượng hệ thống dạy – học ngoại ngữ chính quy, có thể cho phép học sinh chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là các em đáp ứng được yêu cầu về đầu ra”.

Theo TTO

Bình luận (0)