Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Dạy và học ở nước Đức mới

Tạp Chí Giáo Dục

Điều gì đã và đang diễn ra trong nền giáo dục của các nước trên thế giới?

Vào niên học đầu tiên của Tổng thống Obama, chìa khoá "vàng" nào sẽ mở cánh cửa giáo dục, đưa Mỹ trở lại thế thượng phong về kinh tế, khoa học-công nghệ?
Điều thần kỳ nào đã xảy ra ở "xứ sở hoa hồng" Bulgaria,  đất nước từng bị coi là trì trệ trong cải cách giáo dục ở ngưỡng cửa thế kỷ 21 khi "gặt" được quả quan trọng là 78% dân số ở tuổi lao động có trình độ học vấn trung – đại học ở vào thời điểm Bulgaria được nhận vào Cộng đồng châu Âu?
Khi bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức mới đã vượt qua những thời điểm khủng hoảng, "mất mùa giáo dục" ra sao?  

VietNamNet giới thiệu các bài viết về sự vận động của giáo dục các nước từ cộng tác viên Đỗ Lê Huy. Đồng thời, mong nhận được thêm sự cộng tác của bạn đọc về những thay đổi đang diễn ra của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Cảm ơn các bạn.

Một góc của Đại học Hamburg – Đức. Nguồn ảnh: Mundusjournalism.com
Một trong những sự kiện chính trị hệ trọng của thế giới trong thế kỷ 20 là sự sụp đổ của bức tường Berlin. Thống nhất nước Đức là một quá trình đa diện, phức hợp, vẫn đang tiếp diễn
Nhưng các thành tựu trong nhất thể hoá nước Đức cần quan sát không chỉ về mặt kinh tế, xã hội, hay chính trị, mà phải qua lăng kính giáo dục.
Một khi giáo dục  – đào tạo là “đồng vốn chính” mà hôm nay nhà nước Đức thống nhất đang đầu tư cho mai sau, mọi kinh nghiệm quý của khoa học sư phạm trong quá khứ không bị quên lãng. 

“Mất mùa” giáo dục

Trong quá trình thống nhất, hai nước Đức từng có hai chế độ chính trị khác nhau, đã diễn ra sự kết hợp hai nền giáo dục: nền giáo dục thống nhất (chương trình như nhau trên cả hệ thống) của Đông Đức với nền giáo dục đa cấp, đa thành phần của Tây Đức.
Quá trình nhất thể hoá này hầu như đồng nhất với quá trình hội nhập của nước Đức mới vào hệ thống giáo dục của Cộng đồng châu Âu, và của thế giới.
Trong đó, cấu trúc giáo dục phổ thông của Tây Đức đã hầu như không bị động chạm, còn hệ thống giáo dục ở Đông Đức đã phải trải qua cải tổ triệt để bằng các nỗ lực phi tập trung hoá và đa dạng hoá giáo dục phổ thông.
Khi các trường của 5 bang mới nhập vào nước Đức được lồng ghép vào mô hình giáo dục Tây Đức niên khoá 1992 – 1993, các sách giáo dục học Đông Đức dường như được đưa vào “sọt rác lịch sử”.
Nhưng người ta không quên rằng hai nền giáo dục của hai nước Đức từng đứng đầu cả hai khối, nằm ở hai phía của quang phổ chính trị thời chiến tranh lạnh.
Với một niềm tự hào như thế về lịch sử phát triển giáo dục cổ kim, đã có thể ngủ yên trong nhịp điệu hoành tráng mà dìu dặt của bài hát Wind of change ("Ngọn gió thay đổi", do ban nhạc Scorpions trình bày)… cho tới giao thừa của thiên niên kỷ.
Theo báo cáo năm 2001 của PISA (Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế), học sinh Đức đứng thứ 21 về đọc, và thứ 20 cả vể toán và khoa học tự nhiên (!) trong bảng xếp hạng gồm 41 nước.
Những người chỉ trích thường đổ lỗi cho nạn nhập cư, hoặc cho di sản hệ thống giáo dục kiểu Xô viết…
Báo chí liên tục gióng những hồi chuông báo động, thúc giục Chính phủ xác lập chiến lược giáo dục mới.
Trên DW – WORLD ngày 20/9/2006, tác giả Helle Jeppesen cho rằng: bỏ mặc cho 2,5 triệu trẻ em sống trong nghèo khó, học vấn kém, nước Đức đang để cho nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nó tuột khỏi tay.
Trong khi phụ huynh than vãn về một “thảm hoạ giáo dục”, các chính khách vẫn quay cuồng tìm hướng cải cách nền giáo dục giàu truyền thống bậc nhất toàn cầu.
"Tai ách" này đã làm cho các bang của nước Đức mới xiết chặt tay nhau hơn trong hợp tác về giáo dục, cho dù luật giáo dục của từng bang – theo cơ chế tự trị – là khác nhau.
Trong khi mày mò tìm đường cách tân nền giáo dục, ngoài nỗ lực khắc phục các căn bệnh “kinh niên” của mô hình giáo dục Tây Đức, gần đây đã xuất hiện nhu cầu tái tạo những nét tích cực của giáo dục học CHDC Đức. 

Đông – Tây kết hợp 

Khác biệt về cấu trúc xã hội bộc lộ không chỉ về mặt chính trị hay kinh tế, mà còn tiềm tàng trong hệ thống giáo dục và trong nhà trường nói riêng.

Hôm nay, khi hai nước Đức đã sáp nhập được gần hai thập kỷ, phát triển đồng đều vẫn là mục tiêu phải hướng đến.
Trong gần nửa thế kỷ, không chỉ một thế hệ người Đức học tập dưới hai mái trường không những khác biệt về cấu trúc, thời gian đào tạo, môn học, mà còn tương khắc về hệ thống chuẩn mực, hệ thống giá trị, và cả về truyền thống.
Khiếm khuyết giáo dục Tây Đức – được xem là gây hoạ cho đến ngày nay – là chia giáo dục phổ thông trung học thành ba loại trường, dẫn đến đường vào đại học của nhiều học sinh dường như đã được định đoạt trước tuổi "teen".  

Con em các gia đình thu nhập thấp và thuộc diện nhập cư thường không thể tựu trường tại các trường trung học “xịn” (gymnasium/Grammar School) – nơi có đường dẫn vào cổng trường đại học. Các trường trung học thuộc đẳng cấp thấp của Tây Đức có lúc được ẩn dụ như nơi đào tạo ra đội quân… thất nghiệp.

Học giả quốc tế và CHLB Đức cho rằng ở Tây Đức đã không có sự chú ý tới những học sinh thuộc tầng lớp dưới, không có chính sách hỗ trợ học sinh năng khiếu, phân luồng học sinh quá sớm, không chú trọng tự đào tạo và bổ túc nghiệp vụ cho giáo viên, không có giao lưu giữa nhà trường và gia đình, sự lệ thuộc giữa đường học vấn và thành phần xuất thân được xem là lớn nhất thế giới, cấu trúc phức tạp, thời gian học phổ thông quá dài (13 năm), giáo dục trẻ em trước khi nhập trường (hệ thống vườn trẻ – mẫu giáo) không phát triển… Giáo dục CHDC Đức không có những yếu điểm này.
Nhưng trong tiềm thức vẫn ám ảnh những ấn tượng nặng nề, như định hướng thái quá về chính trị – tư tưởng. Một lời nhận xét không tích cực của lãnh đạo FDJ (Đoàn Thanh niên tự do Đông Đức) có thể chặn đường lên đại học của một học sinh khá, nhưng ngỗ nghịch.
Một số học giả, kể cả Đông Âu, vẫn “cãi” rằng giáo dục phổ thông kiểu Tây Đức thoạt nhìn khá phức tạp vì nhiều tầng nấc, nhiều chủng loại, và hầu như chỉ có học sinh có bằng tốt nghiệp trung học Gymnasium hay ít ra là Gesamtschule "mới hòng vào đại học", nhưng lại không tạo “ngõ cụt” cho thanh niên khi vào đời.
Vì đâu phải “phi đại học bất thành nhân cách”. Công nhân, kỹ thuật viên lành nghề vẫn là nền móng của nền kinh tế, bất luận theo “chủ nghĩa” nào.
Trên thực tế, một số bang ở miền Tây đang áp dụng các kinh nghiệm tốt của Đông Đức trước đây, như rút ngắn thời hạn của gymnasium từ 13 năm xuống 12 năm.
Cách tổ chức vườn trẻ của Đông Đức trước đây đang là kiểu mẫu cho cải tổ hệ thống giáo dục trước nhà trường phổ thông hiện nay ở Đức.
Nghiên cứu vận dụng cách tổ chức học bán trú (học sinh ở lại trường sau buổi lên lớp giúp cho cha mẹ yên tâm làm cả ngày) của giáo dục CHDC Đức. Để tránh xu thế trường học choán quá nhiều chỗ trong thế giới quan của trẻ, Đức đã tham khảo kinh nghiệm của các nước Phần Lan, Pháp và Thụy Điển về vấn đề học bán trú.

Việc phân tích, đánh giá các thành tố của nền giáo dục CHDC Đức không chỉ bổ ích cho công tác quản lý giáo dục ở những bang miền Đông Đức, mà còn cung cấp những bài học quý khi điều hành nền giáo dục mang tính đa nguyên, đa cấp, đa hình thái trên toàn nước Đức thống nhất.

Lê Đỗ Huy(TH) Theo VNN

Bình luận (0)