Sự kiện giáo dụcTin tức

Dạy và học ở trường chuyên – lớp chuyên: Đang bị bỏ quên!

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện Tổng lãnh sự Malaysia trao phần thưởng cho học sinh giỏi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Sự ra đời loại hình trường chuyên đã có gần 20 năm và hầu như tỉnh thành nào cũng đều có loại hình trường này. Tuy nhiên, quyền lợi dành cho giáo viên (GV) dạy môn chuyên và học sinh (HS) theo học các lớp chuyên phải chờ đằng đẵng và khi thực hiện thì mỗi nơi mỗi khác!
Cái gì cũng chờ
Phải chờ đến ngày 21-10-2009, Bộ GD-ĐT mới có Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Ban hành Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì quyền lợi đối với GV dạy trường chuyên được nâng lên 1 tiết dạy lớp chuyên bằng 3 tiết dạy lớp bình thường (cách đây vài năm được tính bằng 2 tiết). Ngoài ra, trong Thông tư 28 không đề cập thêm quyền lợi nào khác dành cho GV dạy trường chuyên. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT quy định chức năng và nhiệm vụ của trường chuyên là đào tạo những HS đạt kết quả xuất sắc trong rèn luyện, học tập nhằm phát triển năng khiếu về một môn học, hai môn học hoặc một lĩnh vực chuyên trên cơ sở bảo đảm mục tiêu toàn diện… Tổ chức hướng dẫn cho HS làm quen với nghiên cứu khoa học… Những đòi hỏi quá lớn, trong khi quyền lợi dành cho các đối tượng thực hiện lại quá “eo sèo”. Còn trang thiết bị phục vụ cho HS cũng không hơn mấy so với các trường phổ thông không chuyên hay trường không có lớp chuyên. Những trang thiết bị này chủ yếu dựa vào nguồn phân phối của Trung tâm Thiết bị giáo dục trường học. Hiệu trưởng một trường THPT có lớp chuyên tại TP.HCM bức xúc nói: “Chất lượng trang thiết bị chưa đảm bảo, thậm chí có thiết bị khá lạc hậu. Cụ thể tại trường chúng tôi có 20 kính hiển vi, nhưng số kính hiển vi để gọi là có thể tạm sử dụng được chỉ đếm trên đầu ngón tay!”. Trong khi đó ngay trong Điều 4 của Quy định cho phép trường chuyên được ưu tiên bố trí cán bộ quản lý, GV đủ phẩm chất, trang bị cơ sở vật chất và thiết bị tối thiểu theo tiêu chuẩn trường THPT đạt chuẩn Quốc gia! Ngoài ra, Quy định còn nêu rõ: “Định mức bố trí kinh phí chi thường xuyên cho trường chuyên ít nhất bằng 200% mức chi cho trường không chuyên cùng cấp học”. Quy định là vậy, nhưng thực tế được bao nhiêu trường có được điều này. Nếu không có sự quan tâm thật sự từ chính quyền địa phương. Riêng việc tuyển thêm GV dạy giỏi để dạy môn chuyên cho trường mình cũng gian nan và không phải là điều dể dàng. Để đạt được không biết trải qua biết bao là nhiêu khê. Gần đây, tại TP.HCM, Sở GD-ĐT cho phép Hiệu trưởng được quyền đề xuất xin GV giỏi từ trường khác về để dạy môn chuyên cho trường mình.
Quyền lợi giáo viên bị bớt xén

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong lễ tuyên dương tại trường

Không ai phủ nhận sự đóng góp của đội ngũ GV dạy môn chuyên trong việc đào tạo đội ngũ nhân tài. Nhưng, sự quan tâm quá chậm vô tình đánh mất rất nhiều chất xám. Hàng năm một số quốc gia như: Australia, Singapore… đã lấy mất hàng trăm HS xuất sắc của TP.HCM bằng các học bổng theo học đại học tại chính nước sở tại. Nhiều năm liền, chúng ta không dành nhiều ưu ái cho các em. Chỉ mới đây, quyền lợi các em mới được thực hiện bằng học bổng suốt năm học, cụ thể mỗi lớp được 30% HS được nhận học bổng với trị giá 300.000đồng/tháng/suất. Số tiền này từ nguồn ngân sách của địa phương. Dẫu sao đó vẫn là sự quan tâm đáng ghi nhận. GV dạy môn chuyên cũng được hưởng thêm, cụ thể được cộng thêm 0,3 vào hệ số lương và được phụ cấp thêm 70% theo lương (GV dạy lớp không chuyên chỉ phụ cấp thêm 30%). Khi thông tin này được đưa ra, nhiều trường có lớp chuyên mừng khấp khởi. Nhưng chưa đầy hai tháng nỗi lo lại ập về. Kiểm toán Nhà nước đã bắt buộc Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền trả lại hơn 200 triệu đồng, số tiền đã chi cho GV dạy môn chuyên. Kiểm toán Nhà nước cho biết quyền lợi dành cho GV dạy môn chuyên chỉ áp dụng cho các trường THPT chuyên? Thầy Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân lo lắng cho biết: “Việc Kiểm toán Nhà nước thu hồi khoản tiền chi cho GV dạy môn chuyên ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền làm cho không chỉ riêng trường tôi mà các trường có lớp chuyên rất hồi hộp. GV dạy môn chuyên rất cực nhọc trong việc đầu tư cho tiết dạy và đó là những thầy cô giáo dạy giỏi, nhiều kinh nghiệm được Tổ chuyên môn bộ môn chọn lựa. Việc họ được thêm quyền lợi là đúng và ít nhiều xứng đáng với những gì họ đã làm cho HS”. Việc bỏ công sức của GV dạy bộ môn chuyên của trường THPT chuyên và THPT có lớp chuyên đều như nhau, hà cớ gì lại có sự phân biệt như thế? Theo tìm hiểu và ghi nhận của chúng tôi, tỉnh Thanh Hóa và TP. Đà Nẵng là hai địa phương đầu tư rất lớn cho trường chuyên – lớp chuyên và quyền lợi dành cho GV dạy môn chuyên và HS học các lớp chuyên rất tương xứng. Ngay tại tỉnh Thanh Hóa, hiệu trưởng trường THPT chuyên được quyền trực tiếp tuyển GV và tất nhiên chịu trách nhiệm việc này.
Chất xám của lớp trẻ đang dần bị các quốc gia khác tìm mọi cách “chiếm dụng” và chất xám đó là tinh hoa của đất nước. Hãy nhanh chóng dành cho các đối tượng trên những ưu ái, đặc biệt dành cho họ những quyền lợi thật xứng đáng với những gì họ đã bỏ ra.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)