Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy và học văn: học sinh lạm dụng tài liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy định, trong khung phân phối chương trình môn ngữ văn bậc THPT hiện tại, bên cạnh các bài kiểm tra học sinh làm tại lớp (phần lớn đều có thời gian 90 phút), còn có các bài kiểm tra các em làm ở nhà.

Một tiết học môn ngữ văn lớp 12 tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Theo đó, tùy thuộc vào từng khối lớp và số tiết được phân bố trong từng năm học, mỗi học kỳ, học sinh có từ 1-2 bài kiểm tra làm ở nhà. Mục đích của các bài kiểm tra ở nhà là để các em có thêm thời gian phân tích, tìm hiểu đề, lập dàn ý, lựa chọn từ ngữ, rèn luyện kỹ năng hành văn, diễn đạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít học sinh khi làm các bài kiểm tra ở nhà đã lạm dụng tài liệu, thậm chí lệ thuộc hoàn toàn vào các bài văn mẫu để làm bài. Tình trạng trên một phần bắt nguồn từ áp lực về điểm số nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức làm bài thiếu nghiêm túc, chỉ muốn đối phó cho xong. Hệ lụy kéo theo từ tình trạng này là làm phát sinh tâm lý ỷ lại vào các nguồn tài liệu, lười tư duy, suy nghĩ, về lâu dài có thể dẫn tới tình trạng hổng kiến thức. Trong trường hợp giáo viên không phát hiện ra việc học sinh lạm dụng tài liệu, việc chấm thi được tiến hành hời hợt, qua loa có thể dẫn tới đánh giá thiếu công bằng, không đúng năng lực học tập của các em.

Khi phát hiện những bài viết lạm dụng tài liệu, vấn đề cơ bản không nằm ở việc trừ điểm thật nặng, điều quan trọng là giáo viên cần giúp các em nhận ra được hậu quả của việc lạm dụng đó khi làm bài kiểm tra, để các em nhận ra sai lầm của mình.

Nhằm hạn chế tối đa tình trạng học sinh lạm dụng tài liệu khi làm bài kiểm tra tại nhà, việc giáo viên đầu tư thời gian để ra đề kiểm tra có vai trò rất quan trọng. Nội dung đề kiểm tra cần được ra theo ma trận, phù hợp với năng lực học tập của học sinh, không nên có những câu hỏi quá khó hay “đánh đố” các em. Thay vì hỏi những câu truyền thống với những mệnh đề mang tính yêu cầu, áp đặt như: “Hãy phân tích…”, “hãy chứng minh”, “hãy bình luận…”, “hãy làm sáng tỏ…”, giáo viên có thể chọn cách ra đề theo hướng mở nhằm kích thích sự suy nghĩ, khả năng tư duy sáng tạo của học sinh. Các yêu cầu về nội dung cần gắn liền với những vấn đề gần gũi, cụ thể, thiết thực trong cuộc sống. Chẳng hạn như: Bài học về lối sống rút ra từ bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (ngữ văn 10); Sức mạnh của tình yêu thương từ chi tiết giọt nước mắt Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao (ngữ văn 11)… Những câu hỏi mở không có sẵn trong các bài văn mẫu hay các loại sách tham khảo sẽ giúp học sinh từ bỏ dần thói quen lạm dụng, lệ thuộc hoàn toàn vào tài liệu khi làm bài.

Trong quá trình chấm bài, giáo viên cần đọc kỹ từng bài viết của học sinh để chữa các lỗi liên quan tới kiến thức và kỹ năng làm bài. Dựa vào cách hành văn, dùng từ, diễn đạt cùng với việc nhận định về lực học của từng học sinh hằng ngày trên lớp, giáo viên có thể dễ dàng phân biệt được đâu là bài làm lạm dụng tài liệu, đâu là bài làm thực sự của các em, từ đó có cách đánh giá điểm số phù hợp, tương ứng. Khi phát hiện những bài viết lạm dụng tài liệu, vấn đề cơ bản không nằm ở việc trừ điểm thật nặng, điều quan trọng là giáo viên cần giúp các em nhận ra được hậu quả của việc lạm dụng đó khi làm bài kiểm tra, để các em nhận ra sai lầm của mình. Từ đó có ý thức tự giác khắc phục, không còn tái phạm trong những bài kiểm tra tiếp theo.

Bùi Minh Tuấn 
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)

Bình luận (0)