Nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 nhiều đổi mới, Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh ý kiến chia sẻ kinh nghiệm dạy học và ôn tập môn ngữ văn của ThS. Vũ Thị Kim Hồng (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ).
Dù trọng tâm của đề thi là chương trình 12 nhưng khi giảng dạy, giáo viên cần liên hệ những kiến thức của lớp 11 có mối liên hệ với chương trình lớp 12 (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề không thay đổi nhưng thời gian làm bài ngắn hơn (các năm trước thời gian làm bài 180 phút, nay còn 120 phút). Đề yêu cầu cao, đòi hỏi học sinh (HS) phải có năng lực và khả năng hiểu – vận dụng kiến thức. Dù trọng tâm là chương trình 12 nhưng khi giảng dạy chúng tôi vẫn liên hệ những kiến thức trọng tâm của lớp 11 có mối liên hệ với chương trình lớp 12. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng việc phát triển năng lực cho HS.
Câu đọc – hiểu
Do phần đọc – hiểu thường xoay quanh nhiều vấn đề, chúng tôi hướng dẫn HS nắm vững về ngữ pháp, cấu trúc câu. Phong cách ngôn ngữ và những biện pháp tu từ, nghệ thuật sử dụng trong đoạn thơ, đoạn văn? Tác dụng của những biện pháp đó trong ngữ liệu đưa ra ở đề bài? Đối với nội dung văn bản, HS phải thấy được tư tưởng của tác giả, ý nghĩa và thông điệp rút ra từ văn bản đó. Đối với phần thi này cũng như với câu Nghị luận xã hội, chúng tôi tăng thời gian rèn luyện cho HS bằng cách cho thêm bài tập để các em rèn những thao tác cơ bản khi làm bài cũng như viết một đoạn văn, làm sao ngắn gọn, súc tích. Những lần kiểm tra, chúng tôi thiết kế đề theo đề mẫu của Bộ GD-ĐT giúp HS luyện năng lực ứng phó với các dạng đề khác nhau và không còn áp lực căng thẳng do giới hạn thời gian làm bài. Sau mỗi bài kiểm tra, từ một bài luận, chúng tôi cho cả lớp nhận xét ưu điểm, khuyết điểm, rút kinh nghiệm để phát huy ưu điểm, hạn chế những khuyết điểm trong những bài làm tiếp theo.
Câu Nghị luận văn học
Để làm tốt phần này, HS phải hiểu và nắm vững chương trình ngữ văn lớp 12. Trong giảng dạy chúng tôi áp dụng phương pháp lấy HS làm trung tâm, tạo điều kiện để các em trao đổi, làm việc nhóm, thảo luận để chiếm lĩnh kiến thức dưới sự định hướng của giáo viên. Phương pháp này giúp HS năng động, hiểu và nhớ lâu kiến thức. Trước mỗi bài mới chúng tôi giao những việc các em phải làm để tìm hiểu kiến thức, trong đó có việc học nhóm, thảo luận nhóm. Vào lớp các em trả lời qua hệ thống câu hỏi do giáo viên đưa ra. Sau đó giáo viên đúc kết, rút ra những ưu – khuyết trong phần trả lời của HS, và bổ sung kiến thức.
Cách dạy và học này giúp HS ghi nhớ sâu hơn. Quá trình soạn bài và thực hiện nội dung bài soạn giúp các em rèn kỹ năng tạo lập văn bản, khả năng nói trước đám đông, năng động, tự tin, thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của bản thân… Để áp dụng phương pháp này mà không “cháy giáo án”, giáo viên phải xác định được phần kiến thức trọng tâm của chương trình cũng như từng bài, đi sâu vào những phần đó, không sa đà mất thời gian vào những nội dung hoặc chi tiết nhỏ trong bài. Những chi tiết phụ HS sẽ tự tìm hiểu qua gợi ý của giáo viên… Chẳng hạn dạy bài Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, phần tác giả, chúng tôi hướng dẫn HS tự tìm hiểu 2 nội dung: “Xác định đặc điểm nổi bật trong phong cách sáng tác của Tô Hoài?” và “Những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác của Tô Hoài?”. Phần văn bản: Cho HS đọc, xác định nội dung văn bản theo bố cục. Mối liên hệ giữa các phần trong bố cục văn bản? Qua tác phẩm, tìm những điểm giống và khác nhau về số phận và phẩm chất của Mỵ và A Phủ? Phần nâng cao: “Nghệ thuật trần thuật của tác giả có gì đặc biệt?”.
Cùng với việc nắm vững kiến thức về tác giả – tác phẩm, cần phải hướng dẫn HS kỹ năng vận dụng kiến thức để làm các dạng đề khác nhau, kỹ năng để làm tốt phần nâng cao trong đề thi. |
Trả lời được những nội dung này HS sẽ có cái nhìn tổng thể, bao quát về giá trị hiện thực và tính nhân văn trong tác phẩm, về tác giả và tác phẩm, về tấm lòng của Tô Hoài đối với người lao động, nhất là phụ nữ… Khi nắm được phương pháp tiếp cận kiến thức này HS sẽ có khả năng suy luận và tìm đến kiến thức mới đối với những bài, những tác phẩm văn học khác. Nói cách khác, chúng tôi cố gắng giúp HS khả năng tự học, trao cho các em chìa khóa để mở kho tàng kiến thức văn học và nhân học. Bên cạnh đó, cùng với việc nắm vững kiến thức về tác giả – tác phẩm, chúng tôi còn hướng dẫn HS kỹ năng vận dụng kiến thức để làm các dạng đề khác nhau, kỹ năng để làm tốt phần nâng cao trong đề thi.
Câu Nghị luận xã hội
Theo chúng tôi, đây là phần khó lấy điểm nhất vì HS phải trả lời tốt vấn đề, lập luận logic, dẫn chứng cụ thể, có tính thuyết phục cao, nhưng chỉ gói gọn trong 200 từ, trong khi phần mở bài và kết bài đã gần 100 từ.
Nghị luận xã hội thường xoay quanh các nội dung: về tư tưởng, đạo lý; về một hiện tượng đời sống; về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học… Ngoài việc rèn cho HS kỹ năng dùng từ, đặt câu, cách viết ngắn gọn, không lan man, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, có luận điểm rõ ràng; chúng tôi còn hướng dẫn các em tìm hiểu thêm hiện thực đời sống, theo dõi tình hình thời sự qua báo, đài, chú ý những vấn đề nóng được xã hội quan tâm, hướng dẫn các em đọc một số đầu sách để mở rộng kiến thức và vốn sống.
Tóm lại, để làm tốt phần này chúng tôi phải hướng dẫn HS có kiến thức tổng hợp, có kỹ năng viết văn bản; trong đó đi sâu rèn cách viết 1 bài văn chỉ 200 từ nhưng logic, mạch lạc, đủ ý, kết cấu chặt, có dẫn chứng và có chính kiến.
Đan Phượng (ghi)
Bình luận (0)