Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy văn bản nghị luận

Tạp Chí Giáo Dục

Giúp học sinh có năng lực phân tích

Giờ học văn ở Trường THCS Cầu Kiệu, Phú Nhuận (ảnh mang tính minh họa)

Với mục đích đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực của học sinh (HS) trong giảng dạy nhất là rèn luyện kỹ năng thực hành, tổ văn Trường THCS Trương Công Định, quận Bình Thạnh đã tổ chức chuyên đề “Dạy học văn bản nghị luận”.
Thực tế từ bục giảng
 Theo đánh giá của nhiều giáo viên có kinh nghiệm khi giảng dạy phần kiến thức này, khó khăn lớn nhất từ phía HS là tư duy lập luận logic của các em chưa định hình. Điều này cũng có lý do vì chương trình lớp dưới chủ yếu là văn miêu tả, trần thuật, kể chuyện… nên thói quen của các em vẫn chỉ là tư duy hình ảnh theo phản ánh một chiều đối với hiện thực khách quan. Trong lúc đó văn bản nghị luận đòi hỏi yêu cầu cao hơn về tính khoa học, tính logic, tính biện chứng. Từ “rào cản” đó mà sự tiếp nhận kiến thức mới đối với các em rất hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến sự lắng đọng kiến thức mà giáo viên muốn truyền thụ đến các em. Một lý do chủ quan khác là tình trạng HS còn ngại đọc sách, đọc tài liệu và không say mê với việc tìm hiểu những vấn đề thuộc lĩnh vực trừu tượng, khó hiểu và khô khan này. Nếu không có sự hướng dẫn tận tình, sự thúc ép của giáo viên thì HS cũng rất khó tự giác học và làm bài.
 Về phía người thầy, để phục vụ cho những bài giảng này vẫn còn thiếu đồ dùng, giáo cụ để góp phần nâng cao hiệu quả tiết học. Thầy cô nào yêu nghề, say mê với môn học thì mới tự mò mẫm và thiết kế riêng những đồ dùng để tự phục vụ cho chính bản thân mình. Còn không “có sao xài vậy” vì thế ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của HS. Theo đánh giá của các chuyên viên và giáo viên bộ môn, nhiều kiến thức trong phần này chưa phù hợp với các em THCS và chưa sát với thực tế cuộc sống. Ví dụ như tập làm văn lớp 9 có văn bản Tiếng nói văn nghệ, lớp 7 có Sự giàu đẹp của tiếng Việt, Ý nghĩa văn chương… Vì thế có người nói một cách ví von rằng: kiến thức ở trên trời HS thì ngồi ở dưới đất nên người dạy lúng túng không biết đứng ở đâu dẫn đến việc truyền đạt không hiệu quả là tất yếu.
 Thời gian gần đây giáo viên cũng đã có nhiều thuận lợi như có đủ sách giáo viên, sách tham khảo, sách thiết kế bài giảng… là những tài liệu quý hỗ trợ cho giáo viên mở rộng kiến thức, chọn lọc những gì tinh túy nhất để đưa vào bài giảng của mình. Hiện nay giáo án giảng dạy không chỉ là tài sản riêng của mỗi cá nhân như trước đây mà nay đã trở thành sản phẩm chung của nhóm, tổ chuyên môn luôn có sự góp ý bổ sung của tập thể nên chất lượng “tinh” hơn.
Giải pháp và yêu cầu
Về kiến thức, trong bài giảng của mình khi giới thiệu văn nghị luận, giáo viên phải nêu được những yêu cầu về đặc điểm của kiểu bài nghị luận nói chung là bàn bạc, đánh giá một vấn đề nào đó bằng phương pháp giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận… qua các hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng và hình ảnh sinh động gắn liền với thực tiễn để làm sáng tỏ vấn đề đó. Trong thuật ngữ này, ngoài các khái niệm đơn giản, dễ hiểu như bàn bạc, phân tích, giải thích, chứng minh… giáo viên phải giúp HS hiểu rõ hơn thế nào là đánh giá, thế nào là bình luận và đặc biệt cho các em hình thành khái niệm: hệ thống luận điểm (lý lẽ), luận cứ (lý do), luận chứng (chứng cứ).
Văn nghị luận có vai trò quan trọng đối với cấp THCS vì nó giúp HS hình thành những quan điểm đúng đắn về chính trị, xã hội; hình thành năng lực tư duy và thành công trong giao tiếp. Cao hơn một bước, nghị luận giúp HS có năng lực phân tích, tổng hợp khám phá vấn đề có sức thuyết phục trên cơ sở lí lẽ chặt chẽ, căn cứ xác thực. Việc lập luận luôn tạo hứng thú đối với HS cấp THCS vì các em bắt đầu hình thành tư duy logic, lí sự.
Từ thực tế trên, để thực hiện tốt yêu cầu về dạy kiểu bài văn nghị luận, đòi hỏi:
– Giáo viên phải công phu trong việc chuẩn bị, kiến thức cô đọng, then chốt để truyền đạt logic, chặt chẽ. Ngay từ đầu người thầy phải dắt dẫn các em nhận diện được vấn đề nghị luận cũng như hệ thống lập luận bằng các luận điểm, luận cứ, luận chứng. Giáo viên bộ môn phải tích lũy vốn tri thức không chỉ về văn nghị luận mà những kiến thức ngoài sách vở như các vấn đề thời sự, vấn đề xã hội liên quan. Ngoài ra, giáo viên phải chú ý tới tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ vì chúng ta đang dạy dưới dạng một văn bản văn học hoàn chỉnh…
Khi dạy giáo viên phải biết tích hợp với các phân môn khác như: tiếng Việt, lịch sử. Đặc biệt HS phải vận dụng thiết thực trong làm văn nghị luận các lớp 7, 8 và 9.
Ngọc Quang

Bình luận (0)