Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TPHCM vừa tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho khoá 10 với 396 sinh viên tốt nghiệp. Đây là khoá tốt nghiệp đầu tiên của trường đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và các quy định của Bộ LĐTB-XH với thời gian học 2,5 năm.
Bạn Lê Tuấn Tú (ngụ Bình Chánh, tốt nghiệp ngành Cơ điện tử) cho biết, khi vào học nghề, Tú chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Trong quá trình học nghề em đồng thời học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT do trường tổ chức. Sau 2,5 năm theo học trung cấp, Tú vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp THPT.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề Điện công nghiệp và dân dụng, bạn Tô Hoàng Phúc phấn khởi chia sẻ, năm 2016, Phúc tốt nghiệp THCS, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Phúc không tiếp tục học lớp 10 mà đi phụ bán quán ăn để kiếm tiền. Gần 1 năm ở nhà, Phúc nhận ra mình cần có một nghề để lập nghiệp về sau nên quyết định đi học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TPHCM. Cũng như trường hợp của Tú, Phúc cũng có 2 bằng. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Phúc tiếp tục học liên thông lên cao đẳng.
Thực tế đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng cho thấy, lợi ích lớn nhất đối với học sinh sau THCS khi vào học hệ 9+ là sau 2,5 năm học ra trường, học sinh có trong tay bằng trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT thay vì phải mất 3 năm học THPT cộng với 2 năm học nghề.
Chia sẻ về việc này, TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TPHCM, cho biết, lâu nay trường vẫn thực hiện việc đào tạo các môn văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề theo Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT bằng việc liên kết với các Trung tâm GDTX. Trong 2,5 năm, các em sẽ học các môn chuyên ngành, đồng thời học 4 môn văn hóa theo quy định gồm Toán, Văn, Lý, Hóa. Chỉ cần hoàn thành 4 môn này và có bằng trung cấp là các em đã có thể liên thông lên bậc cao hơn. Em nào muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký học 7 môn văn hóa thay vì học 12 môn như các bạn học ở trường THPT. Điều này giúp học sinh tiết kiệm thời gian để tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và rèn kỹ năng nghề.
Mặt khác, học sinh THCS học nghề còn được miễn 100% học phí học chương trình GDTX cấp THPT và trung cấp. Trong thời gian học nghề, học sinh được thực hành với khối lượng 70% số giờ học; được đi thực tập đúng với ngành nghề đào tạo. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, các em được xét tuyển học thêm 1 năm cao đẳng theo đúng chuyên ngành đã học và được tiếp tục liên thông lên đại học nếu có nhu cầu.
Thiếu quy định hướng dẫn
TPHCM hiện có 567 cơ sở GDNN, bao gồm 52 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp, 86 trung tâm GDNN và 364 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Năm 2019, các cơ sở GDNN thành phố cung cấp cho thị trường lao động trên 250.000 lao động các trình độ. Bình quân, khối trung cấp có gần 80% học sinh tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, khối cao đẳng có trên 82%.
Kết quả trên được các chuyên gia và xã hội đánh giá tích cực, có đóng góp quan trọng từ mô hình đào tạo 9+. Đây cũng là giải pháp căn cơ được các trường nghề khẳng định đã giúp “cởi trói” cho các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực cho TPHCM và khu vực phía Nam. Nhưng riêng việc đào tạo văn hóa cho các đối tượng hệ 9+ vẫn còn là một câu chuyện nan giải.
“Hệ thống thị trường lao động vận hành với rất nhiều cấp bậc như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học. Bậc nào cũng phải bắt đầu bằng nền tảng văn hóa. Hiểu học nghề là không học văn hóa là cách hiểu chưa đúng”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, nhấn mạnh.
Còn đại diện các trường nghề chỉ rõ: Khó khăn lớn nhất là các trường nghề muốn được dạy các môn văn hóa thì phải đăng ký với Sở GD-ĐT. Nhưng “nút thắt” lớn nhất hiện nay chính là việc Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được các văn bản để công nhận, chứng nhận được khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho các đối tượng có nhu cầu học liên thông. Đồng thời, việc dạy, công nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa cần mở rộng đến các cơ sở GDNN đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT là được dạy và công nhận, chứ không thể để học sinh học một chương trình ở 2 nơi như hiện nay (trường nghề dạy nghề, Trung tâm GDTX dạy văn hóa).
Th.s Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt Giao, cho rằng, các trường nghề muốn được dạy các môn văn hóa thì phải đăng ký với Sở GD-ĐT địa phương là không khả thi, vì không có thông tư nào hướng dẫn. “Theo tôi, Bộ LĐTB-XH nên xây dựng một chương trình văn hóa THPT phù hợp, mang tính thống nhất với các chương trình văn hóa tại trường THPT và Trung tâm GDTX phù hợp với đối tượng học nghề. Sau đó ban hành thông tư hướng dẫn. Có như vậy hệ thống GDNN mới có thể chủ động hơn trong việc này” – Th.s Trần Phương nói.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo các ban soạn thảo để tính toán khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, dạy trong trường nghề như thế nào là phù hợp. Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến và trực tiếp làm việc với Bộ LĐTB-XH để thảo luận vấn đề này, đến nay đã xong dự thảo thông tư, cố gắng cuối năm 2020 có thể ban hành. |
Bình luận (0)