Kinh tế - Giáo dụcDoanh nghiệp học đường

Dạy văn hóa Việt bằng tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết cùng các em học sinh Trường Tiểu học Lạc Long Quân
Sự nỗ lực, lòng quyết tâm vượt qua khó khăn, đặc biệt là tấm lòng yêu trẻ – sáng tạo trong dạy học đã giúp cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết – giáo viên Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) – vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013.
Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết sáng kiến kinh nghiệm của cô Tuyết: Tặng sự tự hào khi là người Việt Nam cho trẻ – đây là sáng kiến được xếp loại xuất sắc cấp TP cùng giải thưởng phụ là người dạy văn hóa hay nhất trong hội thi “STAR II tiếng Anh cấp tiểu học – Người dạy văn hóa qua tiếng Anh”.
1. Đất nước mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế của thế giới thì việc học tiếng Anh được xác định là thiết yếu cho mọi lứa tuổi và được đưa vào giảng dạy ở các cấp  học. Đặc biệt là ở cấp tiểu học với mục tiêu chính: Giúp trẻ sớm hình thành khả năng sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp. Thông qua việc học tiếng Anh, trẻ có cơ hội tìm tòi, học hỏi, hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa của các nước trên thế giới và hơn hết là các em được hiểu kỹ hơn, sâu sắc hơn về đất nước mình.
Là một giáo viên giảng dạy ở khối lớp 3, tôi nhận thấy đây thực sự là cơ hội để tôi và học sinh bước vào một hành trình cùng khám phá những điều thú vị trong những điều thật quen thuộc về đất nước và con người Việt Nam. Từ đó, tôi mang trong mình một hoài bão: Thông qua việc giảng dạy tiếng Anh qua văn hóa Việt Nam, tôi có thể mang đến cho trẻ những cảm xúc tích cực về quê hương và những nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc để từ đó hình thành cho trẻ một thái độ biết tôn trọng, biết tự hào về bản sắc dân tộc và biết tự tin khi giới thiệu với bạn bè thế giới về quê hương, đất nước của mình. Trẻ đến với chuyên đề “Học tiếng Anh qua văn hóa Việt Nam” sẽ được tìm hiểu về vị trí địa lí, chủ quyền biển đảo, quốc kì dân tộc và các vị chủ tịch nước qua các thời kỳ. Trẻ sẽ tự tin khi trở thành một hướng dẫn viên giỏi tiếng Anh khi giới thiệu với bạn bè thế giới về những món ăn truyền thống nổi tiếng, những nơi mua sắm sầm uất, những danh lam thắng cảnh, những kỳ quan thiên nhiên…
Biết mình được vào vòng chung kết xếp hạng của hội thi STAR II Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, tôi đã mạnh dạn chọn cho mình sự thử thách với một tiết dạy văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh. Quyết định chọn tiết này để giảng dạy, tôi được đồng nghiệp tư vấn: Nên chọn một tiết dạy tiếng Anh bình thường, vì đó là vùng an toàn nhất để đến với cuộc thi. Sau nhiều đắn đo, suy nghĩ tôi có trình bày mong muốn của mình với cô Nguyễn Thị Kim Hương – Hiệu trưởng nhà trường. Cô đã tặng cho tôi một câu danh ngôn nổi tiếng mà cô tâm đắc nhất để ủng hộ quyết định của tôi: “Chìa khóa của sự thành công là dám có những suy nghĩ không lệ thuộc vào những quy ước thông thường, sự lặp lại là kẻ thù của quá trình phát triển. Chừng nào bạn có khả năng cảm nhận hơn người khác, dù chỉ một chút thôi, chừng ấy bạn vẫn có thể phát triển”. Vì thế, tôi đã quyết định thử thách mình bằng tiết dạy tiếng Anh qua văn hóa Việt với bài dạy: Lá cờ của Tổ quốc!
Đến với cuộc thi, tôi xem đây như một trải nghiệm để mình có thể học hỏi và nâng cao về phương pháp dạy văn hóa cho trẻ bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, khi bắt tay vào những bài học đầu tiên tôi đã gặp phải một trăn trở lớn. Thái độ trẻ học văn hóa Việt bằng tiếng Anh cũng bình thường như các tiết học tiếng Anh hàng ngày. Vì đối với trẻ, việc học ngôn ngữ và văn hóa của các nước nói tiếng Anh đã trở thành sự quen thuộc nên ở tiết học đầu tiên tôi vẫn chưa cảm nhận được niềm say mê và tình yêu văn hóa dân tộc của trẻ. Tôi lại đặt ra cho mình một mục tiêu quan trọng: Với tiết dạy văn hóa Việt Nam, ngoài việc cung cấp cho các em những từ ngữ về quê hương, đất nước… tôi phải làm sao khơi dậy được tình yêu văn hóa của dân tộc từ chính trái tim của trẻ. Và tôi nghĩ rằng: Sẽ chẳng có gì thay đổi nếu tôi không tạo một sự bứt phá mới trong phương pháp giảng dạy để thu hút các em. Tôi bắt đầu hành trình thực hiện hoài bão của mình.

Giáo viên và học sinh trong tiết dạy chuyên đề “Tặng sự tự hào khi là người Việt Nam cho trẻ”
2. Khi dạy về lá cờ của dân tộc, các em đã được xem một video clip thật tôn nghiêm và sâu lắng về lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Qua đó, các em hiểu hơn, biết cách giữ gìn và tôn trọng hơn chẳng những lá cờ của dân tộc mà cả  những chiếc khăn quàng các em đang mang trên vai. Và cũng thật đáng tự hào khi các em đã tự tin giới thiệu với các bạn về lá cờ của dân tộc mình bằng tiếng Anh. Khi được tìm hiểu về các vị chủ tịch nước, các em đã hăng hái tìm các câu nói nổi tiếng, lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Chủ tịch Trương Tấn Sang… và viết thư cho ngài. Các câu hỏi được các em viết bằng tiếng Anh mang đậm tính trẻ con nhưng thật dễ thương như: Con rất thích ăn kem, vậy ngài Chủ tịch có thích ăn kem không? Ngài Chủ tịch thích học môn gì nhất? Ngài Chủ tịch có thích đọc truyện không?…
Sau tiết học đó, các em được học về việc hoạt động tranh cử và bầu chọn lớp trưởng. Lớp tôi đã có một buổi thuyết trình thật ấn tượng. Ba ứng cử viên lớp trưởng đã tranh thủ trình bày các giải pháp cho lớp một cách hồn nhiên và đáng yêu. “Nếu như được làm lớp trưởng mình sẽ giúp các bạn học tốt hơn; nếu được làm lớp trưởng mình sẽ giúp cô thật nhiều việc”… Có lẽ, khó có ai tin rằng: Trẻ lớp 3 có thể trình bày và thực hiện các hoạt động tranh cử hoàn toàn bằng tiếng Anh như thế nhưng nếu được đến tham quan một tiết dạy văn hóa của lớp tôi, mọi người sẽ còn bất ngờ hơn về những kỹ năng tiếng Anh của trẻ. 
3. Việc giảng dạy tiếng Anh qua văn hóa Việt đã giúp tôi hiểu được rằng: Với trẻ tiểu học, tiết dạy chỉ thực sự thành công khi người thầy biết tạo ra hai kết nối vững vàng với người học: Kết nối về trí tuệ và kết nối về cảm xúc! Ngoài kiến thức hãy để trái tim người thầy làm lay động và nuôi dưỡng những xúc cảm tích cực cho trò.
Qua 7 năm giảng dạy, tôi chưa bao giờ thấy các tiết học văn hóa bằng tiếng Anh được các em mong chờ đến thế. Hầu hết các em rất phấn khởi khi kể cho bố mẹ nghe về những gì được học về đất nước – con người – quê hương mình trong giờ tiếng Anh. Và hoài bão của tôi đã được thực hiện thành công hơn cả mong đợi. Trong kỳ thi STAR II với tiết dạy văn hóa Việt Nam: Lá cờ của Tổ quốc, tôi được trao giải 3 với phần thưởng là chuyến đi tham quan học tập tại Singapore và Malaysia. Thành công của tôi có được là sự giúp đỡ nhiệt tình và tạo điều kiện tối đa của Ban giám hiệu và tập thể hội đồng sư phạm nhà trường. Cám ơn các thiên thần bé bỏng, cám ơn Ban giám hiệu và tập thể Trường Tiểu học Lạc Long Quân – những người đã tiếp lửa cho tôi trong sự nghiệp giảng dạy của mình.
An Khánh (lược ghi)
“Tiểu học là bậc khó nhất về mặt khoa học giáo dục trong tất cả các bậc học. Đồng thời vai trò của nó lại vô cùng to lớn: Đây là bậc học góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần cải thiện chất lượng đội ngũ người lao động, đem lại hạnh phúc cho từng gia đình. Điều gì làm được ở tiểu học thì sẽ tạo ra hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội vì nó liên quan đến từng gia đình”. Cô Tuyết cho biết rất tâm đắc với cụm từ này, nó như kim chỉ nam giúp cô luôn có động lực vươn lên trong cuộc sống để hoàn thành xuất sắc công việc của mình.
 

Bình luận (0)