Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy văn không chỉ tái hiện kiến thức

Tạp Chí Giáo Dục

Giờ học văn tại Trung tâm GDTX quận 12
Nhiều giáo viên (GV) cho rằng, khi thực hiện một tiết dạy, người thầy đừng sa vào việc chuyển tải và tái hiện kiến thức từ SGK mà quan trọng là phải giúp học sinh (HS) biết hệ thống và tổng hợp các kiến thức, nhất là tiết dạy giảng văn – so sánh giữa hai tác phẩm cùng một đề tài.
Khi phân tích một tác phẩm thơ, người thầy không chỉ chú ý đến việc khai thác giá trị nội dung và hình thức mà còn phải trả lời cho được câu hỏi sau: Phân tích hình tượng thơ chú ý những gì?
Không dạy những gì HS đã biết
Ông Phạm Chí Dũng – chuyên viên Phòng GDTX (Sở GD-ĐT TP.HCM) đặt ra câu hỏi: “Nếu so sánh hai tác phẩm cùng đề tài với nhau thì tìm những điểm quan trọng nào? Làm thế nào để tìm được đặc điểm riêng của từng tác phẩm trong một đề tài?”. Trong chương trình văn học lớp 12 có nhiều tác phẩm cùng đề tài có thể đưa ra so sánh để làm nổi bật nội dung cũng như phong cách của từng nhà văn như: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Tây tiến (Quang Dũng) và Đồng chí (Chính Hữu). Ngoài ra còn có tác phẩm Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) với Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Sóng (Xuân Quỳnh) với Biển (Xuân Diệu)… Cô Nguyễn Thị Vinh – GV Trung tâm GDTX quận Bình Thạnh nói rằng: “Khi so sánh hai tác phẩm thì GV không chỉ tái hiện kiến thức mà còn biết cách tổng hợp tri thức. Điều đó có nghĩa là GV không dạy những gì các em HS đã biết mà dạy các em biết cách vận dụng, so sánh trên những cái đã biết”. Lấy ví dụ từ hai tác phẩm Tây tiếnĐồng chí, cô Nguyễn Thị Vinh cho rằng GV phải tìm được những nét giống và khác nhau về mặt nội dung và nghệ thuật để thấy rõ hơn giá trị của từng tác phẩm.
Cô Nguyễn Thị Kim Phụng – GV Trung tâm GDTX Chu Văn An rất tâm đắc với hướng dạy này, vì trong phần luyện tập của SGK có những câu hỏi tương tự khi so sánh hai tác phẩm. Do đó, cô Nguyễn Thị Kim Phụng mong muốn trong chương trình nên có những chuyên đề mới lạ như vậy. Riêng cô Vương Thị Thu Tường – GV Trung tâm GDTX quận 12, người đã có nhiều thành công khi dạy tiết học theo phương pháp này thì thừa nhận: “Tuy là tiết học không có trong phân phối chương trình nhưng rất có lợi cho các em HS khi hệ thống hóa kiến thức. Quan trọng hơn là nó tạo cho GV một cách làm việc mới, không sao chép giáo án từ người khác mà phải biết so sánh, tổng hợp và rút ra kết luận chung. Tuy mất thời gian nhưng nếu GV chịu khó và cố gắng thì sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi trong việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn”.
Vẫn còn nhiều ưu tư
Nhiều ý kiến chưa đồng tình, cho rằng khi thầy cô ôn tập thì cũng có thể đưa ra kiểu bài này để cho HS biết cách hệ thống hóa kiến thức.
Một GV ở Trung tâm GDTX quận 1 coi đây là một cách dạy khó hơn tiết dạy bình thường, chỉ phù hợp với trình độ của các em HS giỏi. Nếu GV không tìm được phương pháp thì dễ lúng túng và dẫn tới cách dạy sẽ không có gì mới. Do đó, tiết dạy này chỉ nên thực hiện ngoài giờ học chính khóa thông qua các buổi ngoại khóa.
Thầy Nguyễn Long – GV ở quận 2 đã dẫn ra một thực trạng: Hiện nay nhiều GV còn băn khoăn khi đứng lớp không biết nên vận dụng phương pháp giảng dạy nào cho phù hợp với chương trình và đối tượng. Theo thầy Nguyễn Long, chỉ dạy theo giáo án điện tử thì cũng chưa chắc đã tốt hẳn và ngược lại, dạy theo phương pháp truyền thống dùng phấn trắng bảng đen rồi thầy đọc – trò chép thì cũng không còn phù hợp. Để HS nắm được kiến thức cơ bản, người thầy phải có phương pháp truyền thụ, không phải có bao nhiêu kiến thức là cứ nhét vào đầu các em vì học trò không phải là “cái bình cần đổ đầy kiến thức” mà các em là những ngọn đuốc cần được thắp sáng. Điều đó cho thấy GV phải làm thế nào để phát huy tính tự lập suy nghĩ, biết đào sâu kiến thức và sáng tạo trong cách học. Tiết học thiếu sinh động thì học trò dễ chán nản, không chịu ngồi nghe mà ngủ gật, người thầy trở thành “bác sĩ gây mê”.
Trước đây một tiết dạy phải thật sự chuẩn mực, khuôn mẫu nhưng bây giờ có thể khác, GV phải làm sao để tiết dạy có sự mới lạ, cả thầy và trò có những “khám phá mới” tạo hứng thú, say mê.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

GV không nên thiên về một phương pháp dạy nào tuyệt đối mà phải biết cách vận dụng phù hợp và linh hoạt. Dù phương pháp truyền thống hay hiện đại thì mỗi phương pháp đều có một ưu thế riêng.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)