Tôi có một số đồng nghiệp có con đang học trường THCS công lập. Một lần đến nhà chơi, tôi tình cờ thấy cuốn vở làm văn của cháu M. – con một đồng nghiệp. Tôi giở ra xem và thấy những bài văn cũng khá dài, được cháu M. viết không cẩn thận cho lắm. Tôi hỏi mẹ cháu thì được biết, cuốn vở đó là vở M. học thêm ở nhà cô giáo dạy môn ngữ văn; cô đọc cho các cháu học thêm chép cùng một bài văn để về… học thuộc cho những lần kiểm tra định kỳ. Tôi thắc mắc với bạn: “Vậy cho M. học làm gì khi cháu không được phát triển về ngôn ngữ và cách diễn đạt?”. Nghe vậy, bạn trả lời: “Thôi kệ, không cho M. học cũng không được vì nhiêu khê lắm. Cả lớp học mà con mình không học thì cũng khổ”. Nói đến đây, tôi hiểu nỗi lo của phụ huynh như thế nào. Còn những trường hợp khác cũng tương tự như vậy khi học sinh được dạy cách “đạo văn” của người khác, mà chính ngôn ngữ ngây thơ và sự suy nghĩ trong sáng ở lứa tuổi học sinh lại ít được rèn luyện để phát triển năng lực diễn đạt của các cháu. Được biết, ngành giáo dục đã rất cương quyết về vấn đề học sinh “đạo văn” của người khác, chẳng có một ý nào diễn đạt cho trọn vẹn. Đó là vấn đề mà mỗi giáo viên cần chú ý để tránh và rèn luyện cho học sinh theo đúng cách học để các cháu được rèn luyện, trau dồi cách viết văn cho hay, cho sinh động.
Tôi rất khó chịu khi gần một lớp có một bài văn, một kiểu diễn đạt na ná nhau. Như vậy, chính giáo viên đã nhồi cho học sinh bằng những bài văn mẫu của người khác viết, đôi khi là giọng văn của người lớn, cách nhìn và cách hiểu khác nhau dẫn đến cách diễn đạt rất khác so với lứa tuổi học sinh. Nếu giáo viên dạy cho học sinh những bài văn mẫu và cứ theo đó thực hiện, thì tôi cho rằng việc dạy này chưa đúng bản chất. Vì bản thân mỗi thầy cô đều hiểu rằng, việc rèn luyện và trau dồi vốn từ cho học sinh để hình thành một bài văn trọn vẹn là cả một quá trình, để các cháu phát triển chứ không phải yêu cầu các cháu đọc và học thuộc bài văn mẫu nào đó để được điểm khá hay tốt, như cách làm của một vài giáo viên hiện nay đang thực hiện. Điểm số này thực chất đâu phải là điểm của các cháu. Học sinh có thêm được kiến thức, kỹ năng gì sau khi học? Đó là vấn đề mà giáo viên cần lưu tâm để làm sao dạy học đúng đặc trưng, bản chất của bộ môn, và hơn hết là giúp cho học sinh có một nền tảng vững chắc trong việc diễn đạt sau này.
Tóm lại, việc dạy văn theo văn mẫu là không thể chấp nhận được, nhất là xu thế phát triển tư duy của học sinh ngày càng cao hơn. Những bài văn mẫu chỉ mang tính tham khảo về cách dùng từ, liên kết ý hay cách ví von theo các biện pháp tu từ để học sinh thấy cái hay, cái đẹp mà tập dần cách diễn đạt đó nhưng bằng giọng văn của chính mình. Có như vậy việc rèn luyện viết văn cho học sinh mới thật sự có hiệu quả.
Hoàng An
Bình luận (0)