Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy văn phương pháp nào hiệu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào cũng vậy, mỗi đợt thi tốt nghiệp THPT qua đi, chúng ta lại chứng kiến nhiều bất ngờ qua kết quả thi của thí sinh, riết rồi thành quen. Năm nay một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa dám công bố điểm thi tốt nghiệp môn văn cho học sinh vì điểm quá thấp, cũng không có gì làm người ta ngạc nhiên lắm. Rồi mọi chuyện sẽ qua, sẽ êm và nếu không có gì thay đổi, giờ này năm sau câu chuyện mới nhưng cũ này sẽ còn được lặp lại.
Có lẽ ai cũng cảm thấy xót xa, từ bộ trưởng Bộ GD-ĐT đến giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, TP đến những người yêu mến môn văn. Không xót xa sao được khi “sản phẩm” của mình sau khi “ra lò” lại bị kém chất lượng.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, phải chấp nhận sự thật và can đảm chịu trách nhiệm mới hòng đổi mới được. Có thầy cô nào chấm bài thi lại muốn “xuống bút” với học trò đâu nhưng khi bài làm của học trò quá dở, không thể cứu vãn thì thầy cô đành “ngậm đắng” cho điểm thấp thôi.
Tôi đã từng tham gia chấm thi phúc khảo môn văn của học sinh thi vào hệ trung cấp chuyên nghiệp của Trường ĐH Hồng Bàng. Phải nói thật rằng, không biết ở trường các em được học văn thế nào mà khi đọc qua những bài văn xin phúc khảo, chân tay tôi rụng rời, không muốn chấm điểm. Bởi lẽ, nếu có chấm tôi cũng chỉ có thể giữ nguyên điểm “sơ thẩm” chứ không thể nào nâng lên được.
Đọc những đoạn văn “gây cười” của các em, chúng ta cũng phần nào hiểu được thực hư. Khi các em viết: “đọc, đọc nữa, đọc mãi, đọc sách không bao giờ làm cho người ta chán, nhất là sách kiếm hiệp”. Nói như vậy có nghĩa là các em còn ngây thơ, chưa hiểu được vấn đề cũng như không hiểu mình viết gì. Các em viết văn như cách trả lời của một đứa trẻ lên ba, khi được người lớn hỏi.
Vậy, thử hỏi tư duy của các em đâu? Khi các em viết nhân vật trong truyện này lại nằm trong truyện nọ, tác phẩm của tác giả này lại là của tác giả kia, giống như kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hay như nhiều em đã ngây ngô “nhập quốc tịch” cho tác giả nước ngoài vào Việt Nam khi diễn giải bài thi môn văn… 
Thầy cô phải mang đến cho học sinh cảm giác thoải mái thì học môn văn mới có hiệu quả. Ảnh: A.T.
Văn học là môn học về tâm hồn, đòi hỏi tư duy và sáng tạo. Nó không mang tính nhất quán và cứng nhắc như các môn tự nhiên, hai cộng hai phải bằng bốn, trong văn học hai cộng hai có thể bằng ba hoặc bằng năm… Đã là môn học của tâm hồn thì cả người dạy và người học phải đặt tâm hồn mình ở trạng thái thoải mái nhất mới có thể học được.
Với cách dạy khô cứng, thầy đọc, trò chép và thiếu sự lãng mạn bay bổng thì môn văn không thể hấp dẫn học sinh được. Theo tôi, với các môn xã hội nói chung và môn văn nói riêng, việc tạo phương pháp dạy học đơn giản nhưng hay, thú vị để “mở khóa” cửa sổ tâm hồn của học sinh là vô cùng quan trọng. Chỉ cần một giờ học mà các em có thể tiếp thu bài bằng cả mấy buổi các em ngồi trên lớp nhưng như “vịt nghe sấm” chẳng hiểu gì.
Trở lại vấn đề những bài văn đạt điểm thấp của các em học sinh trong mùa thi tốt nghiệp năm 2009, đặc biệt là ở mấy tỉnh ĐBSCL. Sau khi có kết quả thi môn văn, có một số ý kiến cho rằng, đề thi của Bộ GD-ĐT năm nay ra vượt quá tầm của các em.
Xin thưa rằng, trước khi đổ hết lỗi cho bộ, chúng ta cần nhớ là sau khi thí sinh vừa thi xong môn văn, chúng ta đã từng khen đề văn vừa sức với học sinh hay sao? Sao bây giờ lại quay ngoắt đổ thừa? Tôi thấy đề thi môn văn năm nay vừa phải, không khó, có những câu mang tính sáng tạo cao, học sinh trung bình cũng có thể làm được.
Vậy tại sao điểm thi vẫn thấp? Vấn đề chỉ nằm ở cách dạy và học văn của thầy và trò ở trường THPT mà thôi, không thể cho rằng vì đề khó mà học sinh có thể hành văn theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” được!
ANH TUẤN (SSGGP) 

Bình luận (0)