Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy văn theo nguyên lý “tảng băng trôi”: “Tảng băng trôi” trong học làm người

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh vẽ
“tảng băng trôi” trong giờ học văn Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (cơ sở Thủ
Đức)
 

Mọi sự vật, sự việc, hiện tượng
đều có hai mặt: một mặt nổi và một mặt chìm. Nhưng thường con người chỉ chú tâm
đến cái mặt nổi để rồi bỏ quên cái mặt chìm kia đi. 
Con tàu Titanic bị đắm không
phải vì phần nổi của tảng băng mà là phần chìm của tảng băng. Thường chính những
phần chìm đó – những cái mà mọi người ít ai để ý, quan tâm tới sẽ gây ra nhiều
vấn đề nhất. Nguyên lý “tảng băng trôi” đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực
như đời sống, giáo dục, chính trị, kinh tế… và đều cho ta những lý giải, những
đáp án hợp tình hợp lý.
Giáo dục nhân bản
Theo thầy Hoàng Đức Huy, dạy
văn bằng “tảng băng trôi” đạt được nhiều lợi ích, giúp học sinh học tốt, đáp ứng
yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học môn văn. Phương pháp này mang tính giáo
dục nhân bản, lấy chữ nhân, lấy chủ nghĩa nhân văn làm gốc. Điều này giúp ngành
giáo dục giải quyết lỗ hổng về sự yếu kém và thiếu coi trọng giáo dục nhân bản.
Cụ thể là học sinh học được rất nhiều thứ song không được rèn về thái độ nhân bản
và kỹ năng giao tiếp cộng đồng. Vì thế, trong cuộc sống, các em sẽ lúng túng hoặc
sai lệch trong cách ứng xử với mọi người xung quanh, giữa bản thân với công việc.
“Tảng băng trôi” giúp chúng
ta tìm hiểu cặn kẽ một vấn đề nào đó để có cách giải quyết hiệu quả. Nếu giáo
viên hay phụ huynh áp dụng nguyên lý “tảng băng trôi” trong giáo dục sẽ bỏ đi lối
giáo dục chủ quan, áp đặt đối với học sinh và con cái. Ví dụ, học sinh không
thuộc bài trên lớp, theo tư duy thông thường, người lớn có suy nghĩ: Không thuộc
bài là lười biếng, là tính xấu và đưa ra hình phạt. Còn xét học sinh không thuộc
bài theo nguyên lý “tảng băng trôi” thì sau khi tìm hiểu các mạch ngầm, ta sẽ
đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất để không “gieo” vào đầu trẻ những “hạt mầm”
xấu: What: Bài học gì?/ Who: Của giáo viên nào?/ When: Học vào lúc nào?/ Where:
Học ở đâu?/ Why: Lý do tại sao?/ How: Giải quyết như thế nào?
Ở đâu chúng ta cũng thấy được
sự hiện hữu và tác động vô hình của nguyên lý này. Trong tiết học, khi giải
thích về nguyên lý “tảng băng trôi”, giáo viên có thể xen vào những bài học làm
người cho học sinh. Ví dụ, khi đi trên đường, ít ai để ý người công nhân làm đường,
công nhân vệ sinh… (1 phần nổi), thậm chí còn xem thường họ nhưng nếu ta chịu khó
nghĩ đến 7 phần chìm kia thì ta sẽ thương yêu họ nhiều hơn. Trong bài Trúc lộ
phu
(Phu làm đường), Hồ Chí Minh đã thể hiện được điều này: “Dãi gió dầm
mưa chẳng nghỉ ngơi/ Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Ngựa xe hành khách thường qua
lại/ Biết cảm ơn anh được mấy người”.
Tiết học đa “sắc màu”
Qua việc tạo “tảng băng trôi”
theo nhóm, học sinh sẽ học được kỹ năng làm việc nhóm, thu thập thêm kiến thức
từ các nhóm khác. Bên cạnh đó cũng giúp các em tự khám phá, luyện kỹ năng thu
thập và xử lý thông tin và đặc biệt là có cách ứng xử tốt nhất cho bản thân
trong công việc và giao tiếp. “Đỉnh cao của nghệ thuật dạy học là khơi được mạch
hứng thú tự học, tự sáng tạo của học sinh. Phương pháp “tảng băng trôi” đã giải
quyết được vấn đề này”, thầy Huy chia sẻ. Thầy Huy cho biết, trong quá trình
tìm hiểu mạch ngầm, với phương pháp dạy thông thường, học sinh lười có thể sử dụng
sách giải văn để trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa. Còn đối với phương
pháp “tảng băng trôi”, học sinh phải tự giải quyết bằng cách động não, tranh luận.
Phương pháp dạy văn theo
nguyên lý “tảng băng trôi” đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học,
giúp học sinh hứng thú, nắm vững kiến thức, nhớ bài lâu và ôn tập dễ dàng. Thầy
Đỗ Văn Trị, Tổ trưởng Bộ môn ngữ văn Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, đánh
giá: “Tôi học được rất nhiều điều từ phương pháp dạy văn bằng “tảng băng trôi”
của thầy Huy. Qua tiết học, học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng như tư duy độc
lập, trang trí, thiết kế, làm việc nhóm… Và điều đặc biệt là thầy và trò cùng
tranh luận sôi nổi tạo hứng thú, không nhàm chán. Đây là tiết học đa sắc màu,
đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáp dục trong thời kỳ hội nhập”.
Bài, ảnh: Tuy
An
Trong đời sống, thường
ít ai nghĩ đến phần chìm mà chỉ chú ý phần nổi. Như con tàu Titanic bị đắm
không phải vì phần nổi của tảng băng mà vì phần chìm. Điều đó cho thấy nguyên
lý “tảng băng trôi” rất quan trọng không chỉ trong dạy làm người mà còn giải
quyết được mọi vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực.
 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)