Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy vật lý qua tiếng đàn

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Nguyễn Trung Anh Vũ đàn mandolin trước khi giảng bài “Độ cao của âm” tại lớp 7/3
Vừa bước vào lớp 7/3, thay vì truy bài cũ hay giảng bài học mới, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ (giáo viên bộ môn vật lý, Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) lại đàn cho học sinh (HS) nghe bài hát Mặt trời bé con mà tất cả HS lớp 7 đều thích bằng cây đàn mandolin.
Tưởng việc thầy đàn chẳng có liên quan gì tới bài học, chỉ là ngẫu hứng nhằm làm giảm sự căng thẳng cho lớp học, nhưng tất cả HS đều bất ngờ khi tiếng đàn kết thúc, thầy liền hỏi: “Các em nhận biết được các nốt trầm, nốt bổng khi tôi đàn chứ? Bây giờ chúng ta học sang bài mới nhé, bài 11: Độ cao của âm”
Nào… chúng ta cùng đàn
Bắt đầu bài học mới, thầy Vũ hướng dẫn các nhóm HS đưa các dụng cụ (đã được phân công chuẩn bị sẵn ở nhà) đặt lên bàn, đó là 7 cái chén, 7 ống nhựa được cắt nhỏ, 7 chai nước lọc… để tượng trưng cho 7 nốt nhạc. Sau đó thầy chỉ dẫn HS đổ nước vào chén và gõ theo lời những bài hát mà các em yêu thích. Các nhóm bắt đầu quây quần lại và cùng thực hiện, không khí của lớp học trở nên vui nhộn hẳn.
Không đòi hỏi phải đầu tư nhiều về thời gian, dụng cụ cho môn học, những vật dụng như ly chén được HS mang từ nhà đến lớp để ứng dụng vào bài học âm thanh đã tạo nên một tiết học vui vẻ, có tiếng nhạc du dương, có tiếng leng keng của ly chén, có tiếng giảng bài đầy cuốn hút của thầy và có cả tiếng bình luận của HS khi gõ xong những nốt nhạc đồ, rê, mi…
Thầy Anh Vũ chia sẻ: “Nếu giảng bài chỉ nói chung chung thì ở độ tuổi các em sẽ rất khó tiếp thu được bài học, tôi đưa ra những ví dụ cụ thể và cho HS cùng làm chắc chắn các em sẽ dễ dàng tiếp thu được bài học hơn. Chẳng hạn như ở bài này, khi đàn cho HS nghe và để HS cùng gõ thì các em sẽ thấy được âm nào thấp và âm nào cao. Cái quan trọng là làm sao để nhận biết được âm thấp âm cao. Tôi đưa thêm ví dụ là đặt hai lon nước ngọt úp xuống bàn, một lon còn nước và một lon đã hết nước, sau đó hỏi HS làm sao để nhận biết được lon nào còn nước và lon nào đã hết nước. Các em nhận biết bằng cách sẽ gõ vào hai lon nước, lon còn nước thì sẽ cho ra những âm trầm, lon hết nước sẽ cho ra những âm bổng”. Khi kết thúc bài, thầy Vũ không quên nhắc nhở HS việc vừa học đã giúp ích cho các em những gì trong cuộc sống?
Đối với thầy Anh Vũ, điều trăn trở nhất là mỗi lần lên lớp phải tìm ra các phương pháp giảng dạy nào để truyền đạt kiến thức cho HS một cách nhẹ nhàng nhất mà các em tiếp thu bài tốt, vẫn ghi nhớ bài lâu. Và việc mang tiếng đàn mandolin vào các bài học liên quan đến âm thanh là ví dụ sinh động nhất.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Anh Vũ nói: “Không phải ở tiết học nào tôi cũng đàn một bài hát thế này đâu, có khi theo yêu cầu của các em, thích bài nào là mình sẽ đàn bài đó, chẳng hạn như là Hoa chăm pa, Em là bông hồng nhỏ… để khởi động trước khi đi vào bài giảng”.
Vui mà bổ ích
Tiết dạy của thầy không chỉ có tiếng đàn mà còn có cả những hình ảnh hay những thước phim thực tế được thu thập ở nhiều tài liệu để chiếu lên máy chiếu cho các em cùng học tập. Đây chính là lý do mà các tiết học của thầy Vũ đã trở thành niềm mong đợi, háo hức cho nhiều HS ở Trường THCS Lê Quý Đôn.
Quỳnh Như, HS lớp 7/3 kể: “Em chưa bao giờ được học những tiết học vui như môn vật lý của thầy Vũ. Không áp lực, không căng thẳng nhưng chúng em vẫn hiểu được rõ ràng các kiến thức mà thầy muốn truyền đạt. Nếu chỉ dạy hoàn toàn trong sách giáo khoa mà không có những hình ảnh sinh động, những tiếng nhạc vui nhộn thì chúng em sẽ rất dễ nhàm chán”. Còn Duy Phương, học cùng lớp với Quỳnh Như thì khoe: “Em rất thích học các tiết dạy của thầy Vũ, đặc biệt là tiết học có tiếng đàn. Em mong rằng, các giáo viên khác cũng có những cách giảng dạy hay như vậy để em và các bạn cảm thấy thật thoải mái khi tiếp cận với môn học”.
Chia sẻ niềm hứng thú với HS, thầy Vũ cho rằng: “Nội dung bài học hoàn toàn nằm trong sách giáo khoa nhưng nếu chỉ dạy theo thứ tự, lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa thì có thể sẽ làm hỏng tiết dạy. Vì thế, kiến thức nào được xem là trọng tâm thì tôi sẽ nói trước và hướng dẫn HS nắm bắt. Cơ bản vẫn là ở HS, các em phải tự tìm hiểu, khi gặp vấn đề khó khăn thì trao đổi với giáo viên để được hướng dẫn. Khi đưa tiếng đàn vào lớp học, cho HS cùng đàn và hướng dẫn HS tự tìm kiếm tri thức, tôi thấy các em thực sự là rất chủ động, sáng tạo trong cách học. Sau tiết học, nhiều em còn phấn khởi nói với tôi là bây giờ đã biết cách phát hiện ra thùng nước trên sân thượng nhà lúc nào còn và lúc nào hết mà không cần lấy thang trèo lên nhìn. Đấy là những bài học mang lại kết quả thực tế rất bổ ích cho các em”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Khi đưa tiếng đàn vào lớp học, cho HS cùng đàn và hướng dẫn HS tự tìm kiếm tri thức, tôi thấy các em thực sự là rất chủ động, sáng tạo trong cách học – thầy Nguyễn Trung Anh Vũ tâm sự.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)