Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy viết nghị luận xã hội cho học sinh THCS

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy viết nghị luận xã hội cho học sinh THCS - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Dạy viết nghị luận xã hội cho học sinh THCS Audio

Những câu hỏi mà một số giáo viên trao đổi với tôi trong thời gian gần đây là vấn đề chung của nhiều giáo viên dạy ngữ văn trên toàn quốc. Tôi sẽ chọn một số vấn đề có ý nghĩa để trả lời cụ thể. Theo đó, một vấn đề mà nhiều thầy cô băn khoăn hỏi là kiểu bài nghị luận xã hội bàn về một vấn đề cần giải quyết trong chương trình lớp 9.

Giáo viên trao đổi với học sinh trong tiết học môn ngữ văn. Ảnh: Y.H

Tôi xin nêu ý kiến của mình như sau: Trước hết, dạy viết nghị luận xã hội theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần đặt trong tổng thể của toàn bộ chương trình. Yêu cầu viết bài nghị luận xã hội về một vấn đề trong đời sống/cuộc sống đã được nêu lên từ lớp 7, lớp 8. Cụ thể, lớp 7: “Bước đầu biết viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (tán thành hay phản đối) của người viết; đưa ra được lý lẽ rõ ràng và bằng chứng đa dạng”. Lớp 8: “Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống, trình bày rõ vấn đề và ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về vấn đề đó; nêu được lý lẽ và bằng chứng thuyết phục”. Lớp 9: “Viết được một bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục”.

Có thể thấy, một vấn đề trong đời sống/cuộc sống ở lớp 7 và lớp 8 bao gồm cả vấn đề/ hiện tượng tích cực (tốt) và tiêu cực (xấu). Lớp 7 chỉ yêu cầu “bước đầu”, còn với lớp 8 là “viết được” kiểu bài ấy. Lên lớp 9, chương trình yêu cầu học sinh bàn luận về một vấn đề cần giải quyết là muốn nhấn mạnh đến các vấn đề còn nhiều hạn chế, tiêu cực, cần bàn luận và nêu lên các giải pháp tháo gỡ, cải thiện tình hình. Như thế yêu cầu chính ở đây là nêu lên được các giải pháp; mà muốn nêu giải pháp thì cần chỉ ra nguyên nhân chứ không phải thực trạng. Vì thực trạng hiển nhiên là có vấn đề rồi nên mới tìm nguyên nhân và giải pháp. Cũng cần chú ý: Với học sinh THCS, đề văn nêu các vấn đề cần giải quyết nên gần gũi, thiết thực; những vấn đề học sinh đã có trải nghiệm và từng gặp trong cuộc sống…, tránh ra những vấn đề to tát, vượt quá hiểu biết của học sinh.

Tiếp theo là đề văn. “Đề xuất các giải pháp rèn thói quen đọc sách” được nhiều trường triển khai ý khác nhau nên hiểu thế nào? Việc này cũng là do các nơi chưa hiểu đúng bản chất của vấn đề. Theo tôi, cần chú ý yêu cầu chính, còn các yêu cầu khác thì có thể có hoặc không. Cụ thể với đề văn đã nêu, yêu cầu chính là nêu “nguyên nhân và giải pháp”, “khả thi và có sức thuyết phục”; còn các ý khác như vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, hiện trạng và hậu quả không phải yêu cầu chính. Vì ở đây khi đề yêu cầu bàn về thói quen đọc sách, tức đã hàm ý học sinh chưa có thói quen đọc sách và đó là một vấn đề hạn chế, tiêu cực; đó cũng chính là thực trạng rồi. Bây giờ học sinh chỉ cần nêu lên nguyên nhân vì sao chưa có thói quen đọc sách và đặc biệt giải pháp cho vấn đề này là chính. Khi chấm bài giáo viên cần chú ý xem xét các giải pháp nêu lên phải có tính khả thi và có sức thuyết phục. Các ý khác có cũng được và nên cho điểm khuyến khích, nếu không có cũng không ảnh hưởng nhiều.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Bình luận (0)