Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Cúc: Ưu tư vì đời sống giáo viên chưa được cải thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định Nguyễn Thị Thu Cúc
“Bất cứ công việc nào cũng đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng không nằm ngoài quy luật chung này. Tôi cũng như các nữ đại biểu khác có nhiều thuận lợi khi QH nói riêng và Chính phủ nói chung ngày càng coi trọng vai trò của nữ giới trong các hoạt động xã hội. Chính vì điều này tôi luôn ý thức mình là người đại biểu của dân”. Đó chính là những tâm sự của ĐBQH khóa XII và tái ứng cử ĐBQH khóa XIII Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
PV: Là một phụ nữ lại đảm trách nhiều công việc, vậy khi được cử tri tín nhiệm giao trọng trách làm ĐBQH, cô gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Cúc: Thuận lợi được xem đầu tiên là hiện nay các hoạt động chính trị thông qua việc tăng số lượng nữ đại biểu và chú ý lắng nghe những ý kiến của các nữ đại biểu. Thuộc phái nữ, chúng tôi thường tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng và tinh tế, bên cạnh những lúc quyết liệt khi cần thiết. Điều này giúp tôi có thể dễ dàng hơn trong việc trở thành “cầu nối” khá hiệu quả giữa những lo âu, bức xúc của cử tri và những trăn trở của các ban, ngành, đoàn thể, hay khi trao đổi, phát biểu trong các cuộc họp tại QH.
Ngoài công tác chính là người đứng đầu một trường THPT, vai trò ĐBQH còn đòi hỏi tôi phải xa nhà với không ít thời gian của hai kỳ họp thường kỳ hằng năm, ngoài ra là các cuộc tiếp xúc với cử tri, các đợt giám sát… Tất cả những điều này, làm cho việc cân bằng và hoàn thành tốt cùng một lúc các vai trò: ĐBQH, hiệu trưởng, làm vợ, làm mẹ là một thử thách không nhỏ. Đặc biệt, các kỳ họp QH với thời gian xa nhà, xa cơ quan cả tháng là thử thách lớn nhất. Nhưng với sự động viên từ gia đình, sự cộng tác và đồng thuận của Hội đồng sư phạm nhà trường, tôi đã dần quen và làm việc ngày càng hiệu quả hơn.
Trong nghị trường hay tiếp xúc cử tri với nhiều quan điểm khác nhau, có khi nào ĐB không thể không bức xúc, nôn nóng?
– Một trong những nhiệm vụ của người ĐBQH chính là lắng nghe, chuyển tải và giám sát các cơ quan hành pháp trong việc giải quyết những thắc mắc, bức xúc của người dân. Đây là một nhiệm vụ tôi thấy rất tâm huyết! Trong quá trình chúng ta đang ngày càng kiện toàn hệ thống quản lý trên cơ sở luật pháp không tránh khỏi những lúc việc triển khai các quy định của pháp luật, các chủ trương chính sách ở chính quyền các cấp còn đôi điều bất cập. Điều này, dễ dẫn đến những thắc mắc, bức xúc của cử tri về các vấn đề dân sinh, liên quan mật thiết đến quyền lợi chính đáng của họ. Tiếp xúc với cử tri, đứng trước những lo lắng, bức xúc của họ, dĩ nhiên cũng có đôi lần tôi thấy sốt ruột thay cho việc triển khai hoặc tháo gỡ những khó khăn, hoặc đối thoại tìm giải pháp chung để dung hòa quyền lợi của cả Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của nhiệm kỳ vừa qua, tôi cũng nhận thấy: nhìn chung chính quyền các cấp cũng đã rất nhiệt tình và có thiện chí với các vấn đề được các đoàn ĐBQH nói chung và đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị và đề nghị xử lý. Tôi nhận thấy, chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn của người dân còn cần cả sự kiên trì đấu tranh, đối thoại để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Chính với cách thực hiện nêu trên, thời gian qua tôi cũng đã ít nhiều giúp được một vài trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, trong nghị trường, cho dù ở vai trò ĐBQH hay Chính phủ, mọi người đều trong tinh thần đối thoại để xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Vì vậy, dù những tranh luận, phản biện rất cần để có thể tìm thấy giải pháp tốt nhất cho vấn đề, tôi vẫn nghĩ rằng: thái độ tôn trọng và đối thoại là thái độ mà mỗi ĐB đều lựa chọn khi đăng đàn phát biểu.
Vậy còn quan điểm của ĐB tại nghị trường?
– Là ĐBQH, quan điểm của chúng tôi không chỉ mang dấu ấn cá nhân, mà trên hết nó phải là quan điểm của những người dân do chúng tôi đại diện. Điều quan trọng không phải là tôi có phát biểu tại nghị trường hay không, điều quan trọng là tôi trình bày những ý kiến, quan điểm có thực sự là ý kiến của các cử tri hay không? Và tôi có thật sự chuyển tải nó đến với các cấp có thẩm quyền hay không, tôi có thực hiện biểu quyết thông qua luật, dựa trên dân nguyện hay không?… Với thời gian để phát biểu dành cho các đại biểu về nhiều vấn đề khác nhau tại nghị trường, không phải đại biểu nào cũng có cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình. Vì vậy, tôi chọn nhiều cách khác để có thể hoàn tất vai trò cầu nối giữa người dân với Chính phủ: nêu câu hỏi chất vấn bằng văn bản cho các cơ quan bộ, ngành; đặc biệt trong lĩnh vực tôi đang công tác là giáo dục, trực tiếp nêu ý kiến và thắc mắc của cử tri trong các cuộc họp với Bộ GD-ĐT hoặc ủy ban liên quan đến ngành giáo dục. Kiên trì theo dõi và tiếp tục có những phản biện góp ý cho những vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo qua các kỳ họp trước. Với những vấn đề ngoài lĩnh vực chuyên môn, tôi chọn thái độ lắng nghe nghiêm túc các ý kiến đóng góp, phản biện của các đại biểu khác, các thông tin góp ý của người dân qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thông để có được cơ sở cần thiết và đầy đủ, làm nền tảng cho việc thông qua hay đề nghị xem xét lại của các dự luật một cách có trách nhiệm.
Nếu được cử tri tiếp tục tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII tới, cô sẽ có những kế hoạch, hành động gì?
– Tôi nghĩ, bất cứ vị trí công tác nào cũng có nhiều niềm vui. Tôi vui với việc được trực tiếp giảng dạy các học trò thân yêu của mình hiện nay và việc cùng các đồng nghiệp đưa nhà trường ngày càng phát triển. Với vai trò ĐBQH, tôi có thêm cơ hội chia sẻ với người dân những ưu tư của họ với Đảng, Nhà nước. Nếu được sự tín nhiệm của cử tri, tôi sẽ cố gắng hết sức để tiếp tục là cầu nối, ngày càng hiệu quả giữa người dân và chính quyền các cấp. Đặc biệt là một ĐB của ngành, tôi ưu tư và đặt nhiều tâm huyết để có thể đại diện cho nhiều thầy cô giáo tại TP.HCM giải quyết những bất cập còn tồn đọng trong ngành, sao cho giáo dục Việt Nam ngày càng nhanh chóng đi theo hướng đi chung của thế giới, đời sống của thầy cô giáo được cải thiện và ngành giáo dục thật sự đáp ứng ngày càng tốt các nhu cầu đào tạo ra những thế hệ người trẻ có đủ tâm – tài – đức, đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Xin cám ơn cô!
Lê Quang Huy (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)