Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL: Bác sĩ ra trường là… “bơi” hết

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 15-8, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Đào tạo nhân lực y tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Một buổi học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ – nơi đào tạo phần lớn đội ngũ y bác sĩ cho các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Đ.Phượng

Theo khảo sát của ĐH Y dược Cần Thơ, năm 2015, tính chung khu vực ĐBSCL có 6,35 bác sĩ (BS) và 1,39 dược sĩ (DS)/vạn dân. Trong đó, riêng TP.Cần Thơ đạt hơn 10 BS/vạn dân. Tuy nhiên, số BS, DS phân bổ không đồng đều. Ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng khó khăn thiếu rất nhiều.

Có tấm bằng trong tay là… “chuồn”

Để đảm bảo số BS, DS theo Quyết định số 122/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2016 nhu cầu của ĐBSCL là 981 BS và 398 DS. Trong đó, tỉnh có nhu cầu cao nhất là An Giang, kế là Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang.

Để đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh, thành, thời gian qua, ngoài hệ đào tạo chính quy, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã đào tạo theo địa chỉ (ĐTTĐC). Đây là những sinh viên được địa phương cử đi học và hỗ trợ kinh phí học tập. Các sinh viên làm cam kết học xong về địa phương công tác. Hệ đào tạo này có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn hệ chính quy từ 2 đến 3 điểm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều tỉnh: Một số BS diện ĐTTĐC sau khi học xong không thực hiện theo cam kết. Họ trả lại tỉnh kinh phí học tập để chuyển sang làm tư nhân hoặc lên các thành phố lớn, dù các tỉnh bố trí họ làm việc tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, không phải tuyến cơ sở (các trạm y tế).

BS Từ Công Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang, chua chát: “Dù chúng tôi bố trí các BS làm tại bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng nhiều em vẫn tìm cách đi. Năm 2015, An Giang có 3 BS xin bồi hoàn kinh phí để không làm việc tại địa phương. Ngoài ra khá nhiều em mới ra trường lẽ ra phải làm nghĩa vụ ít nhất 2 năm nhưng các em nằng nặc xin đi học nội trú, rồi học tiếp lên cao hơn. Không cho thì các em bồi hoàn tiền để sang làm ở bệnh viện tư. Mà các bệnh viện tư này sẵn sàng cho mượn hàng trăm triệu đồng để các BS bồi hoàn tiền đi học…”.

Còn đối với hệ chính quy, lãnh đạo ngành y tế các tỉnh trong khu vực đều bức xúc: Hầu hết những BS được đào tạo hệ chính quy, sau khi ra trường đều tìm cách ở lại thành phố lớn, vào làm việc tại các bệnh viện lớn.

ThS.BS Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An, chia sẻ: “Hàng năm Long An có hàng chục học sinh trúng tuyển các trường ĐH y dược ở TP.HCM và Cần Thơ, nhưng học xong các em không về địa phương công tác”.

Lương 2 triệu đồng/tháng: Bỏ là đúng?

Không thể trách các BS hệ chính quy đã từ chối về địa phương công tác. Bởi với 6 năm học vất vả, ra trường không ai chấp nhận vào làm việc tại hệ công lập với mức lương khoảng hơn 2 triệu đồng/ tháng, bằng với những ngành đào tạo chỉ học 2, 3 hoặc 4 năm, trong khi bệnh viện tư nhân trả lương ít nhất không dưới 8 triệu đồng/tháng.

BS Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, phân tích: “Thiếu BS đang là vấn đề toàn cầu. Ngay tại Hoa Kỳ là nơi rất nhiều BS trên thế giới đổ về nhưng vẫn thiếu 92.000 cán bộ y tế. Do vậy, cùng với việc tăng số lượng các trường ĐH y dược cần đảm bảo chất lượng. Từ đầu vào của người học đến quá trình đào tạo. Nhà nước cần tạo môi trường làm việc cho các BS, vì nếu chỉ có ống nghe và máy đo huyết áp mà không có bệnh nhân thì BS cũng không thể làm việc tốt và phát huy tay nghề”.

ThS.BS Lê Thanh Liêm, Sở Y tế Long An, nêu thực trạng: “Cơ cấu đào tạo nhân lực ngành y của chúng ta rất mất cân đối và chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Tôi không phân biệt hệ liên thông nhưng thật sự nhiều BS học hệ này rất yếu về chuyên môn. Hiện VN đào tạo quá nhiều BS nhưng chất lượng có vấn đề. Tại Thái Lan, sau 6 năm học, BS có thể vào phòng mổ cầm dao giải phẫu nhưng BS của VN thì không thể. Tại Long An, tất cả BS mới ra trường khi vào công tác, chúng tôi đều phải đào tạo lại. Đây là do các trường tăng chỉ tiêu đào tạo nhưng thiếu cơ sở cho sinh viên thực hành. Tôi cho rằng, chúng ta không nên chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng… Ngoài ra trong hệ thống y tế, không phải vị trí nào cũng cần chức danh BS. Số BS ở Thái Lan chỉ bằng một nửa so với VN nhưng họ có hệ thống y tế công cộng rất tốt, với những chuyên viên y tế phù hợp điều kiện và yêu cầu của tuyến cơ sở nên công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn rất nhiều so với chúng ta, nước họ rất ít xảy ra dịch bệnh”.

Từ thực trạng này, nhiều đại biểu đề nghị: Nhà nước cần có chính sách bắt buộc các tân BS hệ chính quy phải làm nghĩa vụ một thời gian tại tuyến y tế cơ sở, sau đó mới được cấp bằng chuyên môn.

Và để bài toán BS cho vùng sâu, BS Lê Hùng Dũng, thẳng thắn đề nghị: “Để thu hút BS về địa phương công tác, các tỉnh, thành cần có cơ chế chính sách mang tính thuyết phục chứ không chỉ kêu gọi suông. Đồng thời cần liên kết, đề xuất với Nhà nước ban hành chính sách xứng đáng cho người lao động của ngành y tế để thu hút họ vào làm việc tại tuyến công lập. Đó mới là giải pháp căn cơ, chứ không thể chỉ tăng chỉ tiêu đào tạo và hạ điểm chuẩn, xin cơ chế đặc thù trong đào tạo. Tôi xin nhắc lại, y tế là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến mạng sống con người nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu”…

Đan Phượng

Bình luận (0)