Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL: Các địa phương điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất các mùa vụ để nâng cao hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa,  ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Đây là vùng chiếm trên 90% sản lượng gạo và  45% sản lượng trái cây xuất khẩu trên toàn quốc.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu chỉ đạo
 

Ngày 14-9-2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hoàng Trung chủ trì Hội nghị (HN) “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông và mùa năm 2023; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024 vùng ĐBSCL”. Hội nghị do Bộ NN-PTNT phối hợp TP.Cần Thơ tổ chức.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản xuất vụ Đông Xuân 2022 – 2023, hè thu, thu đông, mùa năm 2023 vùng ĐBSCL đạt nhiều thành quả. Về  lúa gạo: Diện tích gieo trồng ước đạt 3,816 triệu ha, tăng 13,18 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,970 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022.

Về cây ăn quả: Tổng diện tích toàn vùng đạt trên 400 nghìn ha, sản – lượng ước đạt trên 5.300 nghìn tấn.


Quang cảnh hội nghị vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung biểu dương những thành quả của khu vực đồng bằng: “Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thị trường lúa gạo và rau quả có có nhiều tín hiệu tích cực. Đế nay xuất khẩu gạo đã đạt 5,85 triệu tấn, với giá trị là 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo bình quân ước đạt 542 USD/tấn (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước). Xuất khẩu rau quả ước đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ. Dự báo năm 2023, 2 mặt hàng này sẽ đạt kỷ lục mới trong xuất khẩu.

Có được kết quả này, nhiều  tỉnh, thành đã xây dựng Đề án và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng trọt. Bước đầu, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, mô hình chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm khá ổn định; nhiều doanh nghiệp (DN)  đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây trồng các loại. Cùng với đó là chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tái cơ cấu ngành trồng trọt được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, được nông dân hưởng ứng”.


Đoàn chủ trì hội nghị

Bên cạnh đó, tại HN, các đại biểu cũng thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế trong sản xuất trồng trọt, trong đó có tình trạng sử dụng giống chất lượng cao còn thấp. Quá nhiều giống lúa được sử dụng tại ĐBSCL khiến chất lượng gạo không đồng đều,  ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu. Tỷ lệ gieo sạ lúa còn cao; công tác quản lý Mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn hạn chế; liên kết chuỗi chưa chặt chẽ… Tình hình thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường; cùng với đó là hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang có những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trồng trọt, Vụ Đông Xuân 2023 – 2024 vùng ĐBSCL được dự báo là vụ sản xuất đối mặt với nhiều khó khăn…

Trước những thuận lợi và khó khăn, Bộ NN-PTNT đề ra kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024  vùng ĐBSCL là gieo trồng 1,5 triệu ha, sản lượng ước đạt 11 triệu tấn lúa. Kiểm soát tốt phát triển diện tích cây ăn quả theo kế hoạch. Đẩy mạnh rải vụ sản xuất các loại cây ăn quả như thanh long, sầu riêng, xoài, nhãn, chôm chôm… đồng thời phải đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô. Đảm bảo liên kết sản xuất theo chuỗi, sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm

Để đảm bảo thắng lợi mùa vụ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung  đề nghị các địa phương: Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ sản xuất cây trồng, trong – đó có lúa vụ thu đông, vụ mùa năm 2023, đối với diện tích lúa đã chín cần khẩn trương thu hoạch nhanh gọn. Chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024 phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn. Đảm bảo đạt mục tiêu về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu.


Ông Lê Thanh Tùng – Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thông tin tình hình sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL

Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, tình hình dự báo sinh vật gây hại để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Kiểm tra hệ thống thủy lợi, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ sớm nước ngọt phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn khi mùa khô đến: “Các địa phương tập trung chỉ đạo xuống giống lúa vụ đông xuân 2023 – 2024 sớm (400 – 500 ngàn ha), đặc biệt các tỉnh ven biển cần xuống giống sớm theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường sử dụng các giống lúa thuần chủng. Tuyên truyền nâng cao ý thức của bà con nông dân về giảm lượng giống gieo sạ, vật tư nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, lượng giống gieo sạ tại vùng ĐBSCL bình quân là 110kg/ha; con số này là quá cao so với miền Bắc là khoảng 40kg/ha… Kết hợp ngành chức năng của Bộ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng. Xây dựng chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất, và hỗ trợ DN trong tiêu thụ lúa gạo…”.

Đối với các cơ quan trực thuộc Bộ, Thứ trưởng yêu cầu phải xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ các địa phương; trong đó Cục Trồng trọt chủ trì thành lập đoàn công tác, phối hợp các địa phương rà soát và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024 phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình hạn, xâm nhập mặn; phối hợp các đơn vị liên quan trong dự báo nhu cầu thị trường, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho bà con nông dân. Đối với Cục Thủy lợi phải chủ động theo dõi nguồn nước, chất lượng nước. Thông báo và khuyến cáo kịp thời thời các tỉnh; hướng dẫn điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả đối với sản xuất…

Đan Phượng

 

 

 

 

Bình luận (0)