Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

ĐBSCL: Cần cho đất “nghỉ” vì phù sa về ngày càng ít

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khuôn khổ Hội nghị Việt – Pháp lần thứ 10, ngày 15-9-2016, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về môi trường và biến đổi khí hậu – nông ngư nghiệp.

Việt Nam xếp hàng thứ 5 trong các quốc gia bị tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến trái đất nóng lên. Trong đó, ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng có nguy cơ cao nhất thế giới từ tình trạng này. Hiện nay khu vực đã xuất hiện hàng loạt tác động như: Nhiệt độ không khí tăng cao, tổng lượng mưa hàng năm có chiều hướng sụt giảm, chế độ lũ lụt và khô hạn bất thường; sự gia tăng về tần suất và cường độ giông lốc, sấm sét. Ngoài ra hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún mặt đất do lạm thác nước ngầm cũng góp phần to lớn ngăn cản phát triển kinh tế của khu vực.

Ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL là nhằm ổn định cuộc sống người dân, tổ chức lại sản xuất, tìm ra sinh kế giúp người dân làm giàu trong điều kiện tự nhiên và sinh thái mới; hạn chế tối đa sự di dân…

Tại hội thảo, các nhà khoa học Việt – Pháp đã đề xuất, quốc tế cần ban hành quy định về chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực để quản lý tốt nguồn nước sông Mekong và các rủi ro từ BĐKH.

Đồng thời, rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương phù hợp sinh thái của 3 tiểu vùng theo hướng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn và ngập, khai thác nước lợ và nước mặn như là tài nguyên đồng thời đảm bảo sinh hoạt cho người dân; tái tạo rừng ngập mặn, rừng tràm ở những vùng trũng trong Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau. Quản lý tốt hơn việc khai thác tài nguyên, nhất là khai thác cát sông và nước ngầm.

Nhóm chuyên gia của các tổ chức AFD/IRD/CIRD cảnh báo: Việt Nam có tư duy về thâm canh nông nghiệp, sử dụng tràn lan các chất hóa học như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, đã ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất và gia tăng ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp trong phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Cùng quan điểm, GS.TS khoa học Nguyễn Ngọc Trân đề nghị: “ĐBSCL cần sản xuất lúa ít hơn nhưng gạo có giá trị xuất khẩu cao để cho đất “nghỉ” vì phù sa về ngày càng ít. Cần bồi dưỡng cho đất bằng luân canh với các cây họ đậu”.

* Trước đó, chiều 14-9, tại đây cũng đã diễn ra Hội thảo chuyên đề giáo dục – y tế. Tại hội thảo, hai bên Việt – Pháp cùng đánh giá cao về công tác hợp tác. Các địa phương, các trường ĐH và nhiều bệnh viện của Việt – Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm trong chương trình hợp tác, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và điều trị bệnh, cũng như trong lĩnh vực GD-ĐT tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, thời gian tới các địa phương Việt – Pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh những chương trình hợp tác trong đào tạo, trao đổi sinh viên học tập giữa 2 nước. Phía Pháp sẽ trang bị những thiết bị hiện đại cho các bệnh viện Việt Nam nằm trong chương trình hợp tác. Trong tháng 9 này, Pháp sẽ hỗ trợ TP.Cần Thơ xây dựng “Không gian Pháp ngữ” tại ĐH Cần Thơ – đây là nơi để học sinh sinh viên Việt Nam trao đổi học hỏi giao lưu văn hóa Pháp.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)