Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL: Gần 8,6 triệu lao động chưa qua đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ học tại Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ)
Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ kết hợp Trường ĐH Tây Đô vừa tổ chức hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học có chất lượng, theo nhu cầu xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tầm nhìn đến năm 2020”…
Lao động thiếu hụt, mất cân đối
Khu vực châu thổ sông Cửu Long rộng 3.971.300 ha, bằng 12% tổng diện tích Việt Nam. Dân số trên 18 triệu người, trong đó có 58% dân số trong độ tuổi lao động, thực tế hiện nay áp lực giải quyết việc làm cho lao động trong khu vực ngày càng tăng… Năm 1975 toàn vùng chỉ có Trường ĐH Cần Thơ, đến nay có 6 trường ĐH công lập và 5 trường ĐH ngoài công lập; 27 trường CĐ và 35 trường trung cấp chuyên nghiệp. Cơ sở trường lớp mở rộng nhưng số người học chưa nhiều lắm.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, chỉ có gần 20% lao động của vùng có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Người có trình độ ĐH và sau ĐH chỉ chiếm hơn 4% dân số ở độ tuổi từ 20 đến 24. Nhiều ngành – nghề rất cần lực lượng lao động có trình độ CĐ, ĐH nhưng nguồn lực không đủ đáp ứng. Ngược lại có ngành, nghề chưa phát triển mạnh nhưng lực lượng lao động có trình độ ĐH nhiều. Bên cạnh đó, số lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm 14,33% trong tổng số hơn 10 triệu người trong độ tuổi lao động. Như vậy toàn vùng còn đến 8,6 triệu lao động chưa qua đào tạo. Toàn khu vực có khoảng 85.000 cơ sở sản xuất công nghiệp thu hút gần 300.000 lao động nhưng do lực lượng lao động thiếu dẫn đến mất cân đối cung – cầu lao động; ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, giá trị gia tăng các sản phẩm của vùng thấp, khả năng cạnh tranh không cao… Mặt khác, rất nhiều sinh viên học xong ĐH, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trên tình trạng trên, như: Số học sinh phổ thông đến trường còn thấp so với bình quân chung của cả nước, chất lượng giáo dục phổ thông còn giới hạn, do vậy tỷ lệ sinh viên đạt điểm trúng tuyển vào các trường ĐH, nhất là những ngành trọng điểm, cũng hạn chế. Về chất lượng đào tạo, việc phát triển quá nhanh số lượng các trường ĐH dẫn đến chất lượng đào tạo nhiều trường còn thấp. Chất lượng không theo kịp sự tăng trưởng quá nhanh của quy mô đào tạo do thiếu hụt đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy…
Giải bài toán nguồn nhân lực
Để giải bài toán trên, TS. Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: “Chính phủ cần tăng cường ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục tại khu vực hơn mức đầu tư bình quân cả nước, giúp các trường có những thiết bị thí nghiệm – thực hành hiện đại nhằm giúp sinh viên kết hợp học với hành; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm làm giảm áp lực trong chi tiêu ngân sách nhà nước, tăng cường đội ngũ thông qua việc thu hút giảng viên từ nhiều nguồn trong nước, muốn vậy địa phương và các trường cần có chính sách đối với giảng viên này như: nhà công vụ, trợ cấp một lần, hoặc trợ cấp thường xuyên cho giảng viên”.
Trao đổi về yêu cầu liên kết, TS. Ngô Tiến Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang đề nghị: “Mô hình liên thông nhằm tạo điều kiện học tập nhiều hơn cho con em người nông dân. Theo đó các trường CĐ địa phương tổ chức giảng dạy phần giáo dục đại cương, chiếm khoảng 2 năm, đến phần học chuyên ngành, các em học tại trường ĐH. Như vậy sẽ giảm tốn kém trong việc học và gia đình cũng quản lý được việc học của con em mình; Nhà nước có thể tập trung đầu tư cho các trường ĐH”.
Nhiều đại biểu cũng đề cập đến chất lượng giáo dục phổ thông: đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh viên tại vùng không cao. Có thể thấy điều này qua kết quả từ các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ “3 chung”: thí sinh khu vực ĐBSCL luôn nằm trong “top” các khu vực có tổng điểm thấp nhất cả nước… GS.TS Nguyễn Tấn Lập, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh: “Việc học cũng như xây dựng ngôi nhà nhiều tầng. Móng có chắc thì ngôi nhà mới vững, cũng vậy, nếu học sinh ở bậc phổ thông mà học lực trung bình kém thì không thể bàn đến việc đào tạo những em này thành người có năng lực, có trình độ, cho dù người thầy giỏi đến đâu”… PGS.TS Trương Thị Hiền, Trường Quản lý cán bộ TP.HCM, bổ sung: “Đứng trên quan điểm hệ thống để phân tích, chúng ta thấy rằng tự bản thân ngành giáo dục ĐH không thể nâng cao chất lượng nếu toàn bộ hệ thống giáo dục không có sự đồng bộ. Ví dụ: Một học sinh 12 năm học phổ thông bị hụt hẫng kiến thức và phương pháp học tập, nghiên cứu, hướng tiếp cận vấn đề; thì không thể yêu cầu ngành ĐH trong 4-5 năm biến em đó thành một sinh viên tài năng, có kiến thức toàn diện”…
PGS.TS Hà Thanh Toàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Chính phủ cần xây dựng mạng lưới quy hoạch hợp lý về thành lập trường ĐH. Và điều quan trọng là cần có cơ chế sử dụng sinh viên tốt nghiệp. Làm sao giúp sinh viên ra trường có điều kiện phát huy năng lực. Việc tuyển dụng phải minh bạch, trong đó chất lượng chuyên môn phải đặt lên hàng đầu, như vậy mới xóa được khoảng cách xã hội đánh giá về chất lượng đào tạo giữa hệ công lập và ngoài công lập. Với các doanh nghiệp, cần phối hợp với nhà trường trong đào tạo như: hỗ trợ học bổng, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, đóng góp xây dựng chương trình đào tạo. Trong bối cảnh xã hội quá coi trọng bằng cấp, gia đình cần định hướng cho con em trong việc chọn ngành nghề theo khả năng, không đặt nặng vấn đề vào ĐH bằng mọi giá…”.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)