Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ĐBSCL: Khẩn trương “hồi sức” cá tra

Tạp Chí Giáo Dục

“Cá tra được xem như sản phẩm độc quyền của Việt Nam trên thương trường quốc tế, vậy mà chúng ta cứ để nó lặn hụp qua mỗi mùa vụ. Chúng ta đã làm gì và sẽ làm gì để cuộc cạnh tranh xuất khẩu cá tra không dẫn đến kết quả là cùng kéo nhau xuống đáy ao như nhiều nhà kinh tế đã dự báo” – ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỏ ra bức xúc ngay khi khởi đầu hội nghị sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tại TP Cao Lãnh vào chiều 26-6.

“Chết chùm”

“Giá thấp tới đáy rồi!”, đó là nỗi lo chung của các nông dân nuôi cá, doanh nghiệp cùng các ngành chức năng ở ĐBSCL. Hiện tại giá cá tra chỉ còn 18.000 – 19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 23.000 – 25.000 đồng/kg. Dù giá cực thấp, nông dân cầm chắc lỗ 4.000 – 7.000 đồng/kg, nhưng thật trớ trêu muốn bán cá cũng rất khó.

Nhiều ao cá tra đã quá lứa nhưng người nuôi tiêu thụ rất khó khăn.

Ông Dương Thành Thái, hộ nuôi cá tra ở khu vực cù lao Thanh Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), nói: Người nuôi cá tra đang rơi vào ngõ cụt. Trong số 7 ao cá rộng 15.000m2 của gia đình tôi, đến nay đã treo 2 ao, 2 ao cá đã quá lứa, 3 ao mới thả. Trong đó, 2 ao cá quá lứa với sản lượng 7.000 tấn, mỗi ngày phải đổ xuống 20 tấn thức ăn để cầm cự, chờ tìm công ty để bán, nếu bán càng chậm càng lỗ nặng bởi chi phí thức ăn quá cao.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: “Hiện nay, giá cá tra đã giảm dưới giá thành nhưng doanh nghiệp vẫn không mua. Nguyên nhân chính là thắt chặt tín dụng. Áp lực đáo hạn với lãi suất cao, buộc các doanh nghiệp bán ra giá thấp để trả nợ ngân hàng, nên giá cá nguyên liệu mua vào ngày một giảm. Trong khi đó người nuôi cũng bị đáo hạn ngân hàng, đành hạ giá cá xuống thấp. Ngoài ra, chi phí vận tải, lao động, vật tư… đều tăng, gây bất lợi cho doanh nghiệp”. Đối với thị trường xuất khẩu hiện nay cũng không thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex, nhìn nhận, thị trường châu Âu hàng năm tiêu thụ 50% – 60% sản lượng cá tra của Việt Nam, nay giảm còn 25%. May mắn thị trường Hoa Kỳ tăng nên giúp các doanh nghiệp gỡ khó phần nào. Tuy nhiên, giá xuất vẫn giảm 3,1 – 3,2 USD/kg, còn 2,6 – 2,5USD/kg.

Một nguyên nhân nữa là vùng nuôi của các doanh nghiệp với sản lượng 600.000 tấn là rất lớn, không có quy hoạch, không kết nối trong tổng thể chung. Ngay thời điểm doanh nghiệp và nông dân cùng thả nuôi, thu hoạch đồng loạt, gặp lúc giá thấp, tất nhiên doanh nghiệp phải ưu tiên vùng nuôi của mình.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận: Từ cuối quý 1-2012 đến nay, tình hình nuôi và chế biến cá tra gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn. Doanh nghiệp thiếu vốn thu mua, người nuôi thiếu vốn đầu tư làm cho nghề cá rối bời như canh hẹ…

Dừng lại đúng lúc, đầu tư chiều sâu

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng, tình trạng cá tra bi đát như hiện nay là hậu quả của phát triển quá nóng trong suốt thời gian qua. Trước năm 2008, toàn vùng chưa tới 30 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, nhưng sau đó các địa phương ùn ùn xây nhà máy, mở rộng diện tích nuôi… vượt ngoài tầm quản lý của ngành chức năng. Thực tế cho thấy, nếu giá cá nguyên liệu 27.000 – 28.000 đồng/kg, doanh nghiệp chế biến bán ra 3,1 USD/kg là đã lỗ rồi. Vậy mà những năm qua các ngân hàng còn bơm vốn cho doanh nghiệp xây nhà máy, đến khi siết chặt tín dụng, mới vỡ ra tình trạng này.

Trước mắt, VASEP đề nghị gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để gỡ khó cho người nuôi và doanh nghiệp. Song, để phát triển ổn định, nhất thiết phải có giá sàn nguyên liệu và xuất khẩu, tìm cách đưa ngành cá tra thành ngành sản xuất có “điều kiện”.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, nhìn nhận: “Giá cá tra xuống do quan hệ cung nhiều hơn cầu bởi sản lượng cá thừa. Trước đây, cá quá lứa được quy định 1,2 – 1,5kg/con, nhưng nay cá 0,9 – 1kg/con trở lên được xem đã quá lứa. Lúc trước, nông dân thả nuôi nhiều dẫn đến sản lượng quá lớn nên giảm giá bán. Khi bán rẻ thì thị trường có cơ hội mở rộng dẫn tới thiếu nguyên liệu nên nông dân ồ ạt thả nuôi, làm thành vòng luẩn quẩn”.

Theo ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các ngành chức năng gần như chưa dám nhìn thẳng vấn đề, cứ “đu” theo giải quyết kiểu tình thế. Tại sao cứ mỗi lần hội chợ là mỗi lần giá cá giảm. Hiện tượng tranh bán, cầu ít – cung nhiều là thật sự. Từ năm 2008, đã thừa nhưng ta cứ bưng bít, bây giờ quá thừa; dừng lại ở mức này là đủ. Giải quyết trong tình thế này, ngân hàng cần bơm vốn cho các doanh nghiệp mua cá nhưng phải theo tỷ lệ, diện tích, sản lượng cá của từng địa phương. Nên áp dụng bằng cách doanh nghiệp mua – ngân hàng trả tiền trực tiếp cho người nuôi để đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát:

"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có quyết định xem xét cơ cấu nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, cho vay thêm đối với các doanh nghiệp khó khăn về vốn, nhưng có khả năng phát triển. Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng vừa có công văn gửi Chính phủ, đề xuất gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người nuôi cá tra. Về lâu dài phải tổ chức lại ngành cá tra trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh vùng sông nước ĐBSCL. Làm sao khai thác hiệu quả, giúp nông dân ĐBSCL thật sự khá lên từ thế mạnh của cá tra"

Bình Đại (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)