Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

ĐBSCL: Không đổi mới công nghệ, nông dân sẽ… đói

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-9, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến lúa gạo khu vực ĐBSCL”.

Tại đây, TS. Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tâm tư: “Qua khảo sát cho thấy, nếu một hộ có 4 người (2 vợ chồng và 2 con) có 1ha để canh tác lúa thì bình quân thu nhập chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Người nông dân không thể sống vững trên mảnh đất của mình. Trong khi tại nhiều quốc gia, nhu cầu lúa gạo ngày càng giảm vì người dân sử dụng các sản phẩm thay thế gạo. Khuynh hướng này đang có chiều hướng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến từ năm 2013 đến nay sản lượng xuất khẩu gạo của VN ngày càng giảm, đồng thời cho thấy ngành sản xuất lúa gạo VN sẽ thiếu bền vững nếu không có biện pháp để tăng giá trị hạt gạo, giúp người nông dân sống vững trên mảnh đất sản xuất của mình”.

Một trong những yếu tố quan trọng để giải bài toán trên là phải đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo. TS. Lê Văn Bảnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: “Trở ngại lớn nhất trong công nghiệp hóa sản xuất lúa tại ĐBSCL là người dân sản xuất theo nông hộ, diện tích nhỏ nên không “mặn” với ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất vì chi phí quá lớn, không tương ứng với giá cả hạt lúa bán ra. Bên cạnh đó, nông dân có tập quán sạ lan với ưu điểm không cần làm đất kỹ, năng suất sạ tay rất cao, một người sạ lúa giỏi có thể sạ được vài hécta trong ngày. Nhưng nó có nhiều nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống…”.

TS. Phạm Văn Tấn kiến nghị: “Nhà nước cần đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất; nâng cao chất lượng hạt gạo, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, sản xuất sản phẩm nông sản hữu cơ (sản phẩm xanh, sạch, không dùng các loại phân bón bằng hóa chất trong sản xuất) để đạt tiêu chuẩn quốc tế (VietGAP) việc đầu tư tuy không nhiều nhưng đã đạt hiệu quả kinh tế cao trong xuất khẩu. Do vậy Bộ KH&CN cần cân bằng nguồn quỹ hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm hữu cơ với mục tiêu cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, bảo quản…

Khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định VN – Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết, VN sẽ tham gia thị trường phi thuế quan, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường lớn. Đây là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Chúng ta có thể thua cả trên sân nhà nếu không sản xuất hàng nông sản chất lượng cao, trong đó có nông sản hữu cơ. Muốn vậy việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và đổi mới công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, đáp ứng tính thời vụ, hạ giá thành, đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng thu nhập cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết, để xây dựng thành công một nền nông nghiệp VN an toàn, bền vững, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đan Phượng

Bình luận (0)