Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

ĐBSCL: Lao động phổ thông cũng kiếm không ra

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong thời điểm nhiều nơi cắt giảm lao động (LĐ) thì tại Cần Thơ có một nghịch lý: rao tuyển hàng ngàn LĐ phổ thông mấy tháng nay nhưng người LĐ vẫn thiếu nghiêm trọng.

Không ít doanh nghiệp thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long đang lao đao vì không tuyển được LĐ phổ thông theo nhu cầu – Ảnh: Minh Giảng

Cụ thể, mấy tháng nay Công ty cổ phần thủy sản Bình An rao tuyển trên 2.000 LĐ phổ thông với mức thu nhập không tệ: bình quân 2 triệu đồng/tháng, ở xa có nhà trọ… Mãi cũng chẳng tuyển được bao nhiêu, nơi đây tham gia Tuần lễ việc làm thanh niên do Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ tổ chức suốt một tuần trong hi vọng nhưng cũng chỉ nhận được sáu bộ hồ sơ. Theo phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Ánh Miều: “Công ty đang có nhiều hợp đồng xuất sang Mỹ, làm không kịp phải điều đình với khách hàng để không bị phạt hợp đồng”.

Không chỉ các doanh nghiệp tuyển với số lượng lớn, các doanh nghiệp nhỏ với số lượng tuyển vài chục công nhân cũng gặp nhiều khó khăn. Xí nghiệp Đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy Cần Thơ cần tuyển khoảng 20 công nhân học việc và thợ lành nghề. Với những người học việc sơn, hàn vỏ tàu, mỗi ngày công ty hỗ trợ 40.000 đồng. Khi làm việc sẽ hưởng lương theo chế độ của công ty.

Rao tuyển, kết hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH), Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên cùng sự giới thiệu của nhân viên xí nghiệp nhưng đến giờ cũng chỉ tuyển được phân nửa nhu cầu. Chị Nguyễn Thị Mộng Thảo, cán bộ phòng tổ chức, cho biết xí nghiệp thiếu đâu tuyển đó nên thường phải mất một thời gian mới có thể tuyển đủ người. 

Tương tự, Công ty Phân bón hóa chất Cần Thơ chỉ tuyển 30 LĐ phổ thông nam nhưng hơn một tháng thông báo vẫn không tuyển được bao nhiêu. Có  LĐ yêu cầu môi trường làm việc sạch sẽ nhưng sản xuất phân bón thì làm sao nơi đây đáp ứng được yêu cầu đó.

LĐ phổ thông cũng cần chuyên nghiệp

Với những LĐ có bằng cấp, ông Nguyễn Quốc Vững cho rằng lương chỉ nên là yếu tố tham khảo. Tiêu chí đúng đắn nhất là xem công việc đó như cách đầu tư nền tảng, học hỏi cho tương lai. Các doanh nghiệp chỉ xem yếu tố bằng cấp chiếm khoảng 20%, các kỹ năng mềm nghề nghiệp, khả năng giao tiếp chiếm số phần trăm còn lại trong quyết định tuyển dụng.

“Một số huyện đoàn than thanh niên địa phương thất nghiệp nhiều nhưng khi chúng tôi yêu cầu đưa thanh niên lên để chúng tôi giới thiệu việc làm thì lại không có. Nhiều lần chúng tôi kết hợp với huyện đoàn tổ chức tư vấn việc làm cho thanh niên địa phương nhưng thanh niên tham gia rất lèo tèo. Nơi có được vài chục người nhưng hỏi ra thì vẫn còn là HS phổ thông. Buổi tư vấn việc làm cuối cùng trở thành tư vấn hướng nghiệp” – ông Nguyễn Quốc Vững – giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên – chia sẻ.

Ông Vững cho biết thêm riêng tại trung tâm, hiện nay nhu cầu LĐ phổ thông cho các doanh nghiệp trong KCN Trà Nóc khoảng 3.000 người. Nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng gần hai tháng nhưng cũng chẳng tuyển dụng được bao nhiêu. Bài toán này, theo ông Vững, có lẽ một phần do nhiều bạn trẻ miền Tây “ngại gò bó vào khuôn phép thời gian, quy định. Nhiều bạn thích làm các công việc thời vụ với thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày hơn là gò bó với mức lương cố định hằng tháng”. Cán bộ Đoàn địa phương nên có những động tác, hoạt động tác động vấn đề nhận thức và tư vấn việc làm để thay đổi suy nghĩ của nhiều bạn trẻ miền Tây.

Một cán bộ Công ty Gentraco cho biết: “Nhiều LĐ ngại đi xa nên từ chối làm việc. Cán bộ nhân sự nhiều khi phải làm công tác tư tưởng (các chính sách hỗ trợ, điều kiện làm việc và phát triển) để thuyết phục. Người LĐ cần xem môi trường làm việc, chiến lược đào tạo, phát triển cũng như các chính sách hỗ trợ để quyết định việc làm chứ không nên chỉ là đồng lương hay những nhu cầu trước mắt”.

“Chính sách dạy nghề hiện nay là rất tốt. Tuy nhiên chính sách này sẽ tốt hơn nếu như chúng ta có định hướng, thay đổi suy nghĩ để người LĐ miền Tây thích nghi được với môi trường LĐ – ông Nguyễn Quốc Vững chia sẻ và nói thêm – Cần quan tâm xem sau khi học nghề các LĐ làm gì, chính sách hỗ trợ như thế nào chứ nếu coi dạy nghề để có số lượng báo cáo thì sẽ chẳng tới đâu”.

MINH GIẢNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)