Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

ĐBSCL: Mối nguy từ rắn lục đuôi đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

BS. Bùi Quang Nghĩa đang động viên, trấn an cháu Lư Gia Hiệp (bìa trái) và cháu Tăng Hữu Hưng
Tỉnh Cần Thơ đang mùa mưa và triều cường, các loại rắn không có chỗ trú ẩn nên thường bò lên cao, vào trong vườn, bụi rậm hoặc vào nhà dân. Nếu như trước đây, bà con thấy nhiều loại rắn thì từ năm 2012 đến nay, rắn lục đuôi đỏ chiếm phần lớn.
Nhiều trẻ em nhập viện
Từ ngày 6-9 đến ngày 9-9-2014, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận 3 bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ, ẩn trú trong nhà, cắn. Cháu Nguyễn Đăng Khoa, 30 tháng tuổi, ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, bị rắn cắn vào bàn tay khi đang chơi trong nhà. Em Lư Gia Hiệp, 13 tuổi, học lớp 8, ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ngày 9-9, Hiệp theo cha mẹ đến thăm cô ruột ở khu dân cư Metro, thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Khi Hiệp mở ngăn tủ lấy sách đọc thì bị con rắn lục đuôi đỏ nằm trong đó cắn vào ngón trỏ trái của em, máu phun ra. Con rắn cắn Hiệp nặng hơn 300gr…
Nặng nhất là trường hợp em Tăng Hữu Hưng, 11 tuổi, học lớp 5, ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Buổi tối, Hưng trải chiếu dưới nền nhà để ngủ và bị rắn cắn vào mu bàn tay trái. Đau quá, Hưng thức dậy, la lên, mọi người vội chạy vào. Bà Nguyễn Thị Tân, bà ngoại của Hưng, kể: “Thoạt đầu tui tưởng cháu bị rết kẹp, nhưng khi cuốn mùng lên thấy con rắn lục đuôi đỏ nằm khoanh bên gối, chỗ bị rắn cắn máu tuôn xối xả. Tui hết hồn ôm lấy cháu. Mọi người xúm vào đập chết con rắn, rồi đưa cháu đến bệnh viện. Nhờ các BS cấp cứu cháu tui mới qua khỏi”. BS. Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Hưng nhập viện trong tình trạng sưng nề bàn tay và cánh tay trái do rối loạn đông máu nặng. Bình thường người bị rắn cắn chỉ truyền 1 liều huyết thanh kháng độc là máu đã trung hòa, nhưng Hưng phải truyền 2 liều huyết thanh mới qua cơn nguy hiểm. Sau 4 ngày điều trị ở Khoa Hồi sức tích cực, sức khỏe tạm ổn Hưng được chuyển xuống Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện. BS. Bùi Quang Nghĩa, Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, cho biết: “Trong 3 ca bị rắn cắn, 2 cháu Khoa và Hiệp hiện đã ổn định, cần theo dõi để tránh biến chứng cứng khớp, riêng cháu Hưng thì khớp tay còn sưng, đau nhiều”… Theo BS. Hà Anh Tuấn, 3 ca điều trị hiệu quả do người nhà đưa các cháu đến bệnh viện sớm, và quan trọng nhất là thân nhân đem theo xác rắn nên chúng tôi biết chủng loại rắn và nhanh chóng chọn huyết thanh kháng nọc thích hợp với loại rắn đó, do vậy trung hòa nhanh độc tố, cứu sống các cháu”.
Cách phòng tránh và xử lý ban đầu
Theo các BS điều trị, rắn lục đuôi đỏ có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường, khi bị rắn cắn vết thương chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Bệnh nhân thường bị rối loạn đông máu, nếu không xử trí kịp sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Với người bị rắn cắn, quan trọng nhất là khâu xử lý ban đầu. BS. Hà Anh Tuấn cảnh báo, phần lớn ca tử vong do rắn cắn là do xử lý ban đầu chưa đúng như: Lấy vải cột chặt vết thương khiến máu không lưu thông đến chỗ bị cắn làm hoại tử. Hoặc đắp các loại lá cây, thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc đắp bùn, làm vết thương nhiễm trùng. BS. Tuấn nhấn mạnh: “Có người dùng miệng hút, ống giác, hoặc rạch vết cắn để lấy nọc độc, tất cả đều vô ích và nguy hiểm cho bệnh nhân, vì nọc rắn rất ít và đã theo máu đi khắp cơ thể. Có trường hợp người bị rắn cắn tử vong do chuyển sang uốn ván vì người nhà dùng dao nhiễm trùng rạch vết thương để lấy nọc độc. Khi trong nhà có trẻ bị rắn cắn, thân nhân cần trấn an cháu, lấy nước sạch rửa vết thương, dùng vải garô nhẹ cách vết cắn 10cm, nếu có điều kiện thì dùng nẹp cố định chi bị rắn cắn. Đặt trẻ nằm cố định vì càng vận động nọc độc càng đi khắp cơ thể lẹ hơn. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để điều trị. Cố gắng đập chết hoặc xác định được loại rắn cắn để BS chỉ định đúng huyết thanh đặc trị”.
Đề phòng rắn cắn, cần phát quang bụi rậm quanh nhà, giữ môi trường, nhà cửa sạch, không nên cho trẻ ngủ dưới nền đất. Khi làm vườn nên mang ủng và bao tay. Đi qua bụi rậm cần dùng gậy khua trước.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Nỗi lo sợ của người dân đồng bằng sông Cửu Long
Rắn lục đuôi đỏ hiện trở thành nỗi lo sợ của bà con không chỉ ở Cần Thơ mà toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2013, Bệnh viện 121 (Quân khu 9) tiếp nhận 154 ca bị rắn cắn. Từ đầu năm 2014 đến nay Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị 52 ca, trong đó hơn 90% số ca là do rắn lục đuôi đỏ cắn. BS. Hoàng Xuân Thục, Trưởng khoa Hồi sức – Cấp cứu Bệnh viện 121, cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay số người bị rắn cắn nhập viện tăng so với các năm trước, hầu hết do rắn lục đuôi đỏ, có ngày khoa tiếp nhận 11 ca. Bà Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng và chế biến dược liệu Quân khu 9 (trại rắn Đồng Tâm), cho biết: “Hàng năm trung tâm chúng tôi cấp cứu, điều trị từ 500 đến 600 ca rắn cắn. Từ năm 2012 đến nay số người bị rắn lục đuôi đỏ cắn chiếm phần lớn. Có lẽ những loại rắn khác, nhất là rắn hổ mang, bị người dân săn bắt để làm thuốc hoặc ăn thịt nên dần khan hiếm, còn rắn lục đuôi đỏ chẳng công dụng gì, không ai bắt nên ngày càng phát triển?”.
 
 

Bình luận (0)